Skip to main content
Ảnh tạo ra bởi Dall-E 2, phần mềm AI

Giải thoát (escapism) và giải trí (leisure) là hai khái niệm dễ bị nhầm lẫn với nhau.

Giải trí mang lại work-life balance. Giải thoát thì không.

Nhưng Giải thoát lại thường được lựa chọn để giải quyết work-life balance (?)

“Thiền để làm việc năng suất hơn”

Nguồn ảnh: Headspace

Dạo gần đây, mình gặp rất nhiều quảng cáo kiểu này.

Trên thực tế, bây giờ cái gì (trông có vẻ là) giải trí cũng được quảng cáo là để giúp con người trở nên năng suất, để làm việc hiệu quả hơn: Những cuốn sách giúp [làm việc] năng suất hơn, những bản nhạc giúp [làm việc] năng suất hơn, những game giúp [làm việc] năng suất hơn.

Cái gì cũng nhắm tới công việc.

Tại sao không thiền, không nghe nhạc, không chơi game chỉ vì chúng ta thích nó, vì nó đẹp, vì nó hay, vì bản thân nó thú vị?

Nếu làm một thứ để làm việc tốt hơn, thì bản chất nó vẫn là công việc. Giải trí mà gắn với công việc thì suy cho cùng cũng chỉ là một công cụ của công việc. Nếu cuối tuần là thời gian để “recharge”, thì thực ra người đang recharge chẳng khác gì một cỗ máy được sinh ra chỉ để làm việc vào năm ngày còn lại.

Giải trí là một hoạt động gần như độc lập so với với làm việc (nói “gần như” vì không thể phủ nhận giải trí có quan hệ tích cực với làm việc). Một người giải trí là một người chủ động làm những gì họ thích/đam mê. Thời gian giải trí là thời gian một cá nhân làm giàu trí óc, cơ thể, cũng như mối liên hệ giữa hai cơ quan này.

Đọc sách. Chơi game. Leo núi. Tất cả đều là giải trí.

Giải thoát và giải trí

5 giờ chiều.

Bạn đã quá đói và quá mệt để làm thêm một task nữa. Bạn chỉ muốn về nhà thật nhanh, phi lên giường và bật instagram lên xem thế giới có gì hot. Bạn đang muốn giải thoát.

Sự khác biệt giữa giải thoát và giải trí nằm ở nhận thức của chúng ta về thời gian. Khi bạn muốn giải thoát, bạn mòn mỏi chờ đợi được làm một điều gì đó khác so với điều hiện tại. Đáng sợ hơn, bạn cảm thấy buồn khi thứ vừa giúp bạn giải thoát sắp kết thúc.

Mình tin rằng trong chúng ta ai cũng phải trải qua cảm giác này ít nhất một lần, đó là khi đi du lịch. Bạn đã bao giờ phát ngán với công việc hiện tại và trong đầu chỉ có những suy nghĩ về chuyến đi sắp tới, để rồi càng đến gần ngày về bạn càng cảm giác thời gian trôi qua nhanh hơn và sự hạnh phúc đó tụt nhanh hơn cả giá cổ phiếu của thị trường năm 2022?

Bạn đã bao giờ có suy nghĩ (hoặc nghe từ ai đó), rằng họ thích thứ 6 và/hoặc thứ 7 nhất trong tuần, vì đó là hai ngày mà bạn/họ có thể làm mọi thứ mà vẫn biết rằng “còn một ngày nữa trước khi phải đi làm”?

Một ví dụ gần hơn nữa: lướt mạng xã hội trước khi đi ngủ.

Lướt mạng xã hội là một cách tuyệt vời để giải thoát khỏi sự buồn chán mà việc thiếu một sở thích đem lại. Chúng ta có thể thụ động lướt tiktok cả tiếng đồng hồ mà vẫn thèm lướt thêm một lần nữa. Chúng ta ngại tắt MXH đi vì chúng ta biết rằng sau đó chỉ là giấc ngủ và sau giấc ngủ thì halleluja chúng ta lại phải đi làm. Và nếu bạn gọi lướt mạng xã hội là “giải trí”, thì hãy kể cho mình số lần bạn lướt mxh xong và cảm thấy vui, so với số lần mà bạn cảm thấy bị peer pressure.

Cố gắng giữ khoảng cách đối với “thực tại đáng buồn”, với “thứ hai u ám”, với “lại một tuần mới à…” chính là dấu hiệu của giải thoát. Tâm lý giải thoát, nếu có, làm tốt đúng một thứ, và chỉ một thứ duy nhất: nhắc nhở liên tục với bạn rằng cuộc sống của bạn mệt mỏi như thế nào.

Nó không khác gì một todo list, luôn khiến bạn cảm thấy tệ hại vào mỗi cuối ngày chỉ vì bạn không làm được hết công việc bản thân đã đề ra (btw, đó là lý do vì sao mình thấy todolist độc hại). Lựa chọn một chuyến du lịch chỉ vì quá chán việc, bạn đang giải thoát. Lựa chọn cũng chuyến du lịch đó vì bạn thích cái cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên trời đất, bạn đang giải trí.

Khi bạn giải trí, bạn dành toàn tâm toàn ý cho điều bạn thích. Bạn không nhận thức được thời gian vì niềm hạnh phúc được đắm chìm trong thứ bạn thích lớn hơn nhiều so với nỗi sợ nó sẽ kết thúc (thậm chí cái này còn chẳng tồn tại). Giống Chi Pu, bạn enjoy cái moment này.

Bảo vệ thời gian giải trí

Nếu bạn yêu việc và cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc, mình không phản đối.

Nhưng nếu bạn muốn có một sự cân bằng và điều độ giữa công việc và cuộc sống, làm ơn hãy block lịch cho thời gian giải trí như cách mà bạn block lịch cho các cuộc họp trong ngày.

Sự bận rộn của cuộc sống cũng như những quảng cáo “giải trí để năng suất” càng cho thấy thời gian giải trí cần được bảo vệ hơn bao giờ hết.

Một người nói rằng mình không có work-life balance, nhưng lại không biết bản thân sẽ làm gì trong thời gian rảnh rỗi, thì rất tiếc, không có work-life balance là do họ.

Vì họ không biết mình muốn gì nên họ dễ dãi thả cho công việc muốn làm gì thì làm với thời gian đó.

Đừng ngại block lịch cho những điều mà bạn đam mê, vì đó là bạn thể hiện sự tôn trọng với chính bản thân mình. Block lịch là cách chúng ta cam kết rằng đây là khoảng thời gian tối thượng, không ai được xâm phạm đến nó

Và nếu có ai đó nói rằng “đến đọc sách mà cũng phải book lịch cơ à? lắm chuyện!” thì hãy cứ cười trừ mà bảo với họ rằng bạn phải đọc một cuốn sách mà sếp bắt đọc. Đừng giải thích nhiều vì những người như vậy sẽ không hiểu được đâu. Họ làm gì thích việc đọc sách giống bạn. Hoặc cũng có thể họ, giống mình trc đây, nghĩ rằng đọc sách là để làm một cái gì đó cao cả lắm kiểu nâng tầm tri thức rồi đi thi này nọ kia các kiểu. 

Còn nếu bạn đang suy nghĩ giống người nói kia, không sao, có thể bạn không đủ thích cái đó đến thế.

Thích thì tìm cách còn không thích thì tìm lý do

Một lý do quan trọng khác của việc block lịch cho giải trí đó là bởi các hoạt động giải trí thực sự thường sẽ không đem lại niềm vui tức thì.

Không như lúc bạn giải thoát (lướt Tiktok chẳng hạn), giải trí yêu cầu bạn phải đầu tư tương đối thời gian và tâm trí thì mới cảm nhận được kết quả. Thời gian bao lâu thì còn tùy vào hoạt động.

Tiktok với Instagram thì có algorithm lúc nào cũng sẵn lòng ném vào mặt bạn những gì phù hợp nhất. Nhưng một quyển truyện thì cao trào lại ở tít đằng sau. Một chuyến leo núi thì cảnh đẹp chỉ nhìn thấy sau cả nghìn bước chân và hàng trăm suy nghĩ bỏ cuộc. Ngay cả chạy bộ, chẳng ai cảm thấy thung thướng khi vừa đặt chân chạy cả.

Khi các hoạt động giải trí không đem lại niềm vui tức thì, não bộ cần một lượng lý trí, một sự cam kết tinh thần mạnh mẽ đủ lớn vào “mode giải trí”, rồi sau đó, tự nó sẽ biết cần phải làm gì. Còn nếu bạn chưa có đủ kỉ luật hoặc động lực để đưa mình vào khoảng thời gian giải trí, bạn cần sự giúp đỡ của một người thân thiết để bước một bước đầu tiên.

Mối quan hệ giữa công việc và giải trí

Có nhiều người không thể thoải mái giải trí. Đối với họ, công việc là lựa chọn duy nhất họ có để nuôi sống bản thân, thậm chí là cả một gia đình. Khi nhu cầu căn bản về cơm áo gạo tiền ăn ngủ đụ ị còn chưa được giải quyết, sẽ thật khó để bảo một ai đó “block lịch mà giải trí đi”.

Khi nghĩ về những người như vậy, mình cảm thấy có thời gian và không gian để giải trí là một đặc quyền. Và để có được thời gian và không gian như vậy, mình phải có một công việc ổn định với mức thu nhập (ít nhất là) đủ nuôi sống bản thân.

Nhìn từ góc độ này, một công việc không chỉ là công cụ giúp mình chứng tỏ bản thân với thế giới ngoài kia, mà còn là thứ giúp mình có thể giải trí toàn tâm toàn ý. Xin nhắc lại, giải trí trong bài này không ám chỉ những hoạt động thụ động như xem Netflix hay lướt MXH. Giải trí ở đây là nuôi dưỡng và phát triển tâm trí và thể chất một cách chủ động.

Ngược lại, giải trí cũng là công cụ để giúp mình có thể toàn tâm toàn ý làm việc, mà không mơ tưởng, không hóng đợi đến giờ về. Và vì bạn có thể tập trung hoàn toàn vào công việc, chất lượng đầu ra thế nào cũng sẽ tốt hơn, khả năng thăng chức và tăng lương sẽ cao hơn. Nhu cầu cơ bản được đáp ứng, gia đình được chu toàn, thế là có không gian để giải trí. Vòng tròn lặp lại.

Vòng tròn tượng trưng cho sự “giàu có” về thể chất, tinh thần, tài chính của bạn

Chỉ cần biết rằng, à, tối nay mình sẽ có thời gian đọc sách, thì dù có bận mấy, có mệt mấy, bạn cũng sẽ thấy vui. Điều này khác với cảm giác muốn chạy trốn khỏi công việc để về đọc sách càng nhanh càng tốt (bởi nếu không chạy trốn nhanh thì thời gian đọc sách sẽ bị co lại).

Nếu có điều gì mình muốn nhấn mạnh hếttt sức có thể: giải trí không phải là việc sạc đầy một cục pin bị cạn, mà làm mở rộng dung lượng của cục pin lên. Công việc và giải trí là hai cuộc sống tồn tại song song trong một ngày của bạn. Chúng có ảnh hưởng lên nhau nhưng không có bên nào phục vụ cho bên nào hết. Nhưng giải trí sẽ trở thành giải thoát, nếu bạn giải trí để phục vụ công việc.

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng hơn 8000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Around the Internet (mấy thứ buồn cười hài hước trên Internet)
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và newsletter thuộc hệ sinh thái Many One Percents

Leave a Reply