Skip to main content

Zettelkasten được phát triển dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: tính liên kết, và tính nguyên tử.

1. Liên kết, liên kết, liên kết

Điều quan trọng phải nói ba lần. Liên kết giữa các ghi chú chính là thứ đã mang lại sự kì diệu cho phương pháp Zettelkasten. Sonke Ahrens đã phải dành gần 200 trang sách của How To Take Smart Notes (đọc review của mình) chỉ để phân tích về những lợi ích mà việc liên kết note mang lại cho người sử dụng phương pháp Slip-box. (đọc thêm: Lợi ích của zettelkasten)

Ở đây liên kết không đơn giản chỉ là chúng ta nhắc đến một ghi chú khác ở trong ghi chú hiện tại. Thực ra có hai loại liên kết (mà được nhắc đến một cách khá mơ hồ trong cuốn sách trên): Liên kết mở rộng và liên kết tương đương.

Liên kết mở rộng

Giả sử mình đang đọc một bài phân tích về lịch sử phát triển của Evernote, trong có có nói đến đoạn: “Mặc dù brand của Evernote đã rất hùng mạnh, nhưng sự phù hợp với thị trường (product-market fit) thì lại không hề vững chắc”

Lúc đọc đến đây thì điều đầu tiên nảy ra trong đầu mình là “Ủa vậy Product-market fit nó là cái gì, định nghĩa thế nào?”. May mắn là mình đã từng ghi chép về cái này rồi, và do đó mình liên kết hai note này lại với nhau. Trong trường hợp này, note Product-market fit là liên kết mở rộng của note “The rise and fall of Evernote”, vì nó bổ sung thêm kiến thức về chủ đề mình đang đọc.

Bên trái là note về Evernote, bên phải là note về Product-market fit

Liên kết tương đương

Là những ghi chú mà mình nghĩ rằng có liên quan theo một cách nào đó (mà mình chưa làm rõ được) tới ghi chú hiện tại, và mình sẽ nhắc tới nó ở phần cuối cùng của một ghi chú.

Giả sử mình đang đọc bài viết What to learn của Dan Luu. Bài viết này nói về việc chúng ta nên lựa chọn cái gì để học trong cuộc sống. Ở cuối note này, mình thấy có hai ghi chú khá liên quan đó là “how to learn” và “learn to kick ass at something”. Hai ghi chú này cùng nói về việc học, nhưng không trực tiếp liên quan tới ghi chú hiện tại. Mình để chúng ở đây với mong muốn sau này khi đọc lại mình sẽ có một hệ thống các ghi chú phục vụ một chủ đề nhất định. Và do đó, kiến thức của mình về nó sẽ vững vàng hơn.

Nguyên tắc liên kết của Zettelkasten dựa trên một câu hỏi duy nhất:

Ở trong ngữ cảnh nào thì mình sẽ muốn gặp lại ghi chú này?

Câu hỏi này chính là thứ đã làm nên tên tuổi của phương pháp Zettelkasten, và đây chính là triết lý phát triển đằng sau hai ứng dụng nổi tiếng Obsidian và Roam Research.

Zettelkasten, suy cho cùng, xoay quanh sự liên kết về mặt ý tưởng (concept), chứ không phải liên kết về mặt chủ đề (topic).

Liên kết về ý tưởng có nghĩa là các note được liên kết với nhau phải cùng phục vụ cho một ý tưởng xuyên suốt nào đó. Ý tưởng ở đây bắt buộc phải là một luồng suy nghĩ, một cách tư duy nào đó chứ không phải chỉ đơn giản là 1 từ.

Ví dụ:

  • Ý tưởng: Sự cải thiện về tốc độ làm việc giúp chúng ta cải thiện chất lượng công việc
  • Chủ đề: Năng suất, Nghề nghiệp

Như bạn có thể thấy, ý tưởng là sự chi tiết, chủ đề là sự khái quát. Một chủ đề có thể có nhiều ý tưởng, nhưng những ý tưởng đó có thể chẳng hề liên quan gì tới nhau. Ví dụ:

  • Chủ đề: Năng suất
  • Ý tưởng: Ngủ sớm giúp tăng khả năng tập trung

Như bạn có thể thấy, hai ý tưởng cải thiện sự tập trung với việc cải thiện tốc độ làm việc chẳng liên quan gì tới nhau cả. Do vậy, nếu chúng ta liên kết hai cái note này dựa trên một cái tag chung “#năng_suất” thì có muốn chúng ta cũng chẳng thể nào liên hệ được chúng với nhau (nói gì là tìm lại chúng giữa hàng trăm notes).

TUY NHIÊN, nếu bạn tìm cách liên hệ chúng dựa vào ý tưởng thì sẽ khác:

  • Ý tưởng 1: ngủ sớm giúp tăng khả năng tập trung
  • Ý tưởng 1a (liên quan tới 1): tập trung làm 1 việc (monotasking) sẽ giúp chúng ta hoàn thành nó nhanh hơn là làm nhiều việc 1 lúc (multitasking)
  • Ý tưởng 1a1 (liên quan tới 1a): nếu làm 1 việc nhanh hơn thì chúng ta sẽ làm nó tốt hơn.

Ba ý tưởng này bạn có thể ghi chép được từ ba nguồn khác nhau, ở ba thời điểm khác nhau, bằng ba công cụ khác nhau (không khuyến khích!). Nhưng, khi bạn liên kết chúng lại dựa vào ý tưởng mà chúng đang nói đến, thì bạn sẽ thấy ý tưởng 1 và 1a1 thực chất lại quá là liên quan tới nhau luôn.

Chính vì việc các note cần phải có sự liên kết với nhau nên khi ghi chú lại một thứ gì đó, chúng ta sẽ phải dành thời gian để xem xem nó có liên hệ gì với những note mình từng viết hay không. Quá trình này có thể không cần xảy ra ngay lúc đó (và cũng không nên), nhưng phải xảy ra. Nếu không, việc ghi chú của bạn sẽ giống như hồi bạn đi học đại học: Cô đọc, trò chép, và không bao giờ suy nghĩ về những gì mình đã chép. Cuốn vở ghi chép hồi đại học của mình giờ ở đâu ý nhỉ…?

Trên thị trường, đa số các công cụ note-taking nổi tiếng nhất và quen thuộc nhất lại tập trung vào việc kết nối các notes dựa trên topic: Evernote, Onenote, Bear…

Khi bạn dùng những ứng dụng này, chúng sẽ cho phép bạn tạo các Folder (thư mục) về một chủ đề và tống hết các note liên quan vào trong thư mục đó. Cách sắp xếp này gọi là hierarchical structure (cấu trúc thứ bậc). Điểm bất lợi của cách sắp xếp này sẽ được mình đề cập tới trong bài viết Lợi ích của zettelkasten.

Nguồn ảnh: https://knowactinvest.com/zettelkasten-my-experience-1/

Trong khi đó, các ứng dụng tập trung vào việc phát triển hệ thống kiến thức cá nhân lại sử dụng cách sắp xếp khác gọi là Non-linear structure (cấu trúc phi tuyến tính), tức là bạn không sắp xếp theo folder mà cứ để các notes lung tung, và tìm cách liên kết chúng thông qua các đường link.

Dĩ nhiên, mình không hề cổ súy rằng Non-linear sẽ tốt hơn Hierarchical. Trên thực tế, mình nghĩ rằng mỗi một loại note-taking app sẽ phù hợp với một kiểu tính cách và nhu cầu khác nhau. Mình viết về chủ đề này tại đây: Ứng dụng ghi chú nào sẽ phù hợp với bạn.

2. Tính nguyên tử

Nguyên tử là vật chất nhỏ nhất cấu thành nên mọi vật chất trên thế giới.

Khi áp dụng vào ghi chú, điều này có nghĩa là: “Một ghi chú chỉ được mang trong nó một ý tưởng duy nhất”

Vì sao?

Theo Luhmann, nếu như một ghi chú chỉ mang trong nó một ý tưởng, thì chúng ta sẽ dễ dàng liên kết chúng với nhau hơn. Giả sử một ghi chú B mang trong mình tới 2 ý tưởng là B1 và B2, vậy thì khi chúng ta kết nối A tới B, thì chúng ta đang kết nối A với B1 hay là với B2?

Nếu các note không thể liên kết với nhau là đi ngược lại với bản chất của Zettelkasten. Khi đọc note A, chúng ta thấy được kết nối sang B, nhưng sang B chúng ta không biết là B1 hay B2 mới là ý tưởng mở rộng của A, và do đó, nguồn suy nghĩ bị cắt đứt ở đây.

Để cho bạn dễ hình dung, hãy nhìn vào một quyển sách, tạm lấy cuốn How To Think Like A Roman Emperor mà mình đang đọc. Cuốn sách này dạy chúng ta rất nhiều nguyên tắc của chủ nghĩa Khắc Kỷ (Stoicism). Giả sử chúng ta đang bàn luận về nguyên tắc “Không quan trọng vật chất” và muốn dẫn chứng về cuốn sách này. Chúng ta không thể nói là “Ở đời chúng ta không nên quan trọng vật chất, ví dụ như cuốn sách How To Think Like A Roman Emperor”.

Thay vào đó, chúng ta sẽ muốn nói là: “Ở đời chúng ta không nên quan trọng vật chất, ví dụ hoàng đế Marcus Aurelius là một tấm gương sáng vì ông đã không chịu mặc hoàng bào màu tím của La Mã cổ mà lại đi quấn vải hở vai quanh người, chân đi đất, tối ngủ trên thảm chứ không ở trên giường.”

Chúng ta lấy ví dụ về một ý tưởng, chứ chẳng ai lấy ví dụ về cả một cuốn sách, phải không?

Ghi chú cũng vậy. Zettelkasten là sự tiếp nối về mặt ý tưởng, giúp cho dòng chảy suy nghĩ của chúng ta đi rất sâu về một ngóc ngách của một chủ đề thay vì chỉ nhìn nó một cách hời hợt.

Bởi lẽ, nếu như làm thế, mình sẽ nói rằng mình là một giáo sư về ngành Quản lý sản phẩm, hãy nhìn số lượng note mình ghi chú về topic này mà xem:

Ở giữa là Tag, còn xung quanh là các notes về chủ đề Product Management

Trên thực tế thì mình lại chỉ đi nghiên cứu về một vài mảng của Product Management thôi, ví dụ như tầm quan trọng của Product-market fit đối với một startup này (như bạn thấy đó, đây là 1 ý tưởng nên nó dàiiii):

Bên phải là những notes liên quan tới chủ đề này

Tổng kết

Bản thân Zettelkasten có rất nhiều cách để áp dụng (bạn có thể tham khảo forum của Obsidian), nhưng tựu chung lại cách nào cũng được sinh ra từ hai nguyên tắc: Tính liên kết và tính nguyên tử. Sở dĩ Zettelkasten đi theo hai nguyên tắc này là bởi nó được sinh ra để giúp chúng ta xây dựng một hệ thống kiến thức cá nhân vững chắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này đâu. Để xem bạn thuộc kiểu người ghi chú nào, mời bạn đọc bài viết Ứng dụng ghi chú nào sẽ phù hợp với bạn.

Đăng ký nhận Newsletter

Nếu đây là lần đầu bạn đến với blog của mình, đừng quên đăng ký newsletters của Many One Percents cùng 1400+ bạn đọc mỗi tuần. Những lợi ích độc quyền cho các bạn subscribers:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (2-3 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Đọc Weekly Discovery (sản phẩm thú vị nhất tuần)
  • Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog

7 Comments

  • Hieu says:

    Cho mình hỏi về các quy tắc đặt tên các Tag, Folder, tên Note của Tuấn với. Tớ thấy các tag của bạn có sự thay đổi khi chuyển từ Evernote sang Obsidian

    • Tuanmonn says:

      Cảm ơn Hiếu vì comment.
      Ở trong Evernote, mình đơn thuần đặt tên tag là tên các chủ đề: #productivity, #business, #journaling.

      Ở trong Obsidian, mình vẫn đặt tên tag theo các chủ đề giống hệt Evernote, nhưng bổ sung thêm một vài tag đặc biệt: #Evergreen, #Mindset #Very-important. Các tag này không nói về chủ đề của note, mà nói về trạng thái/tính chất của note:
      – #Evergreen: Đây là những note permanent có chứa một ý tưởng mà mình muốn tiếp tục phát triển, mở rộng trong tương lai
      – #Mindset: Đây là những note ảnh hưởng tới cách mình tư duy
      – #Very-important: Đây là những note liên quan tới một vài hypothesis mà mình đang muốn tìm hiểu thêm/chứng minh/phản biện

      Ở trong Obsidian và Evernote thì mình đều chỉ có 2 folder là Evergreen (chứa các note có tag #evergreen) và Source Notes (tất cả các note còn lại)

      • Hieu says:

        Cảm ơn Tuấn đã trả lời.
        Nội dung các bài viết đều rất hay và chi tiết, đặc biệt là các bài về tối ưu hóa năng suất. Đúng chủ đề mà mình quan tâm.

        Btw không nhớ đăng ký newsletter của bạn lúc nào, một ngày ấn thử vào đọc thì thấy cuốn =)))

        • Tuanmonn says:

          Hehe cảm ơn Hiếu :3 Hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Hiếu ở những bài sau. Cheerio!

  • Duong Trieu says:

    Cảm ơn bạn về những chia sẻ, mong đợi bài viết “Ứng dụng ghi chú nào sẽ phù hợp với bạn” của bạn

  • Tung says:

    Hay vl! I always love principles =)

Leave a Reply