Mở bài
Đã lâu lắm rồi mình mới viết một bài nghị luận công nghệ. Lần gần nhất mình có cảm xúc đối với một chủ đề công nghệ đó là bài viết Từ từ đừng ăn vội.
Và hôm nay mình mới có cảm xúc, để viết về một hiện tượng công nghệ làm khuynh đảo gen Z gần đây: Notion.
Disclaimer
Mình viết bài này với tư cách là một người hoàn toàn trung lập với Notion, cũng như với tất cả các cá nhân, tổ chức mình sẽ nhắc đến trong bài viết.
Mọi thứ mình viết dựa vào quan sát và suy nghĩ của mình, không hề có sự cóp nhặt ở đâu cả. Mình không hi vọng quan điểm của mình sẽ được tất cả mọi người ủng hộ, vì thế nếu bạn cảm thấy bài viết làm bạn khó chịu, bạn có thể tham khảo các bài viết khác trong chuỗi Many One Percents nhé!
Chiếc meme là đầu câu chuyện
Mình muốn bắt đầu bài viết bằng một hình ảnh:
Thêm một cái nữa đi cho đủ bộ:
Từ bé tới giờ mình chưa thấy một ứng dụng nào được truyền bá mạnh mẽ tại Việt Nam như Notion. Còn được chế cả meme rồi đặt hẳn lên bio của Tinder thì cũng khá là gấu đấy.
Notion đến như một biểu tượng của genZ. Notion không chỉ còn là một ứng dụng mà còn là một trào lưu và là một phương pháp tuyệt cú mèo để genZ thể hiện bản thân.
Nếu bạn chưa biết Notion là gì, mời bạn tham khảo bài viết Notion 101 của mình nhé.
Trái ngược với những trào lưu khác, Notion không hề dễ tiếp cận với đại đa số mọi người. Nhưng cũng chính vì sự khó tiếp cận của nó lại càng làm cho nó nổi tiếng hơn.
Để tìm hiểu kĩ hơn điều này, mình đã hỏi bạn bè trên Facebook của mình:
và nhận được một núi comment về Notion. Trong đó, nổi cộm nhất, bất ngờ nhất, nhưng không hề ngạc nhiên nhất, là câu:
Notion nhiều thứ quá. Mình không biết bắt đầu từ đâu.
Mình thấy có rất nhiều lý do dẫn đến câu nói này.
1. Điểm chạm lý tưởng
Notion có một chiến lược quảng bá rất thông minh, đó là influencer marketing. Notion sẽ liên lạc với một youtuber hoặc blogger có tiếng nói trong một lĩnh vực cụ thể nào đó để tài trợ cho video của họ. Đổi lại, youtuber, blogger đó sẽ sử dụng và giới thiệu về Notion như một công cụ hằng ngày.
Chúng ta vẫn luôn bị mê hoặc bởi “phía sau cánh gà” của những người thành công, bởi chúng ta muốn biết được bí mật đưa họ tới ngày hôm nay. Thế là, khi một người thành công vén bức màn đó bằng việc chia sẻ cách họ quản lý từng mặt trong cuộc sống và công việc thế nào (bằng Notion), thì bạn nhận ra: “Ồ, vậy ra Notion là chìa khóa”.
Và thế là Notion không chỉ còn là một chiếc app ghi chú. Notion không hề bán cho bạn thứ mà Google Doc đang cố gắng bán cho bạn: một nơi để viết. Không, Notion đang bán cho bạn tương lai của một cuộc sống ngăn nắp, gọn gàng, và hơn cả thế, là tương lai của sự thành công (như những người influencers kia vậy).
Tuy nhiên, điều này có một vấn đề.
Các trang Notion mà những người nổi tiếng giới thiệu cho bạn xem đã được trang trí, sắp xếp và kết nối một cách vô cùng chặt chẽ, gọn gàng (thứ chúng ta hay gọi với nhau là “templates” đó).
Cũng hợp lý khi mà ai cũng muốn trưng bày ra sản phẩm hoàn thiện nhất, lộng lẫy nhất để gây ấn tượng với mọi người. Nhưng điểm đáng tiếc là những người nổi tiếng lại ít khi giải thích cho chúng ta về bản chất của thứ đó là gì. Chúng ta có thể thấy Notion đẹp, nhưng chúng ta không hiểu bản chất cách tạo ra nó. Ở đây xin lưu ý: những influencer mình xem đều CÓ hướng dẫn cách sử dụng Notion. Tuy nhiên mọi người lại quá chú trọng giới thiệu các tính năng nhỏ của Notion (block là gì, làm sao để gõ checkbox, chèn ảnh, vẽ bảng), mà quên đi việc đưa ra một bức tranh tổng quan về Notion, phân tích về đối tượng người sử dụng phù hợp, và quan trọng nhất, là chia sẻ cách tiếp cận một công cụ mạnh mẽ như Notion.
Nếu bạn cũng cảm thấy bị "ngợp" trước Notion và muốn tiếp cận Notion một cách bài bản nhất, mời bạn ghé bài viết Notion 101 * của mình.
2. “All in one”
Các nhà phát triển của Notion gọi nó là một “All-in-one workspace”, có nghĩa là “một công cụ có thể làm được mọi thứ”.
Slogan này, đi kèm với việc hợp tác với hàng chục nghìn người nổi tiếng, và hàng trăm cộng đồng lớn nhỏ khác nhau trên khắp thế giới, đã giúp Notion gây một ấn tượng siêu, siêu mạnh với những người chưa từng sử dụng ứng dụng này bao giờ.
Khởi điểm là một ứng dụng ghi chú, nhưng Notion lại được mọi người sử dụng vì nhiều mục đích khác nhau. Nào là theo dõi thói quen, lên lịch làm việc trong ngày, quản lý chi tiêu, quản lý công việc, lưu trữ tài liệu… ri rỉ rì ri cái gì cũng có.
Nếu bạn để ý, các chủ đề mình vừa liệt kê (còn chưa hết) đều là những mặt rất lớn ở trong cuộc sống. Và khi mà bạn còn đang vật lộn với việc đo đạc, theo dõi và quản lý những mặt đó ở nhiều ứng dụng khác nhau (hoặc bằng các phương pháp thủ công khác nhau), có một ứng dụng đến và nói rằng: “Tôi có thể làm tất cả điều đó cho bạn” thì ai mà lại chẳng thích.
Notion đã chạm vào mong muốn được kiểm soát của con người. Thật vậy, cái mong muốn “quản lý tất cả mọi thứ trong cuộc sống, trong một chỗ” nó quyến rũ, nó mê hoặc đến kinh khủng. Chỉ cần click một cái, chúng ta có thể biết được tháng này mình đã chi tiêu bao nhiêu, ngày mai có những công việc gì, hôm qua chúng ta đã học được cái gì. Chưa kể, Notion còn free, muốn dùng bao nhiêu tùy thích. Nghe chẳng phải là hấp dẫn hay sao?
Đúng, nhưng có một vấn đề.
Notion là một ứng dụng ghi chú. Xin được nhắc lại (thân thiện): Notion là một ứng-dụng-ghi-chú.
Và khi bạn đang cố gắng “nắn” một ứng dụng ghi chú để làm những việc khác (do ảnh hưởng của truyền thông làm bạn nghĩ rằng đó là việc dễ dàng), khá là dễ hiểu khi bạn “không biết bắt đầu từ đâu”.
Notion không được sinh ra để thực hiện những mục đích chuyên biệt như theo dõi thói quen hay quản lý tài chính. Do vậy, để tinh chỉnh Notion phục vụ các mục đích đó, bạn sẽ phải dành rất nhiều thời gian và công sức không cần thiết. Tại sao phải cố gắng biến Notion thành một thứ mà nó không được thiết kế để trở thành, trong khi ngoài kia có hàng vô số những ứng dụng được thiết kế chuyên biệt để xử lý các vấn đề đó?
Bạn có thể nói: “Thực ra nhu cầu của mình cũng cơ bản” – Mình xin thưa: Bây giờ nó có thể cơ bản, nhưng khi nhu cầu trở nên hơi phức tạp thôi, bạn sẽ không thể dùng Notion được nữa. Bạn có muốn lúc đó chuyển toàn bộ dữ liệu bạn đã ghi chép trong Notion sang một ứng dụng khác từ đầu hay không?
Bạn có thể nói: “Notion có nhiều templates cho các mục đích khác nhau” – Mình xin thưa: Đúng, nhưng templates của người khác là để phục vụ nhu cầu của người khác chứ không phải của bạn, vì thế nên kể cả bạn có tải templates về vẫn phải học để sử dụng nó, và tùy chỉnh sao cho khớp với nhu cầu của mình. Cực chẳng đã, nhiều khi templates còn làm bạn ngợp hơn là hữu ích với bạn nữa. Nhiều người làm templates cho đẹp, chứ không phải cho người khác dùng.
Bạn có thể nói: “Nhưng dùng nhiều công cụ khác thì rắc rối lắm, lại tốn kém” – Mình xin thưa: Bạn quan trọng gì hơn: Sự tập trung (centralization) hay sự hiệu quả (effectiveness)? Bạn muốn dành 1 tiếng để ngồi căn chỉnh Notion, hay 1 tiếng để ngồi làm việc? Sự tập trung hóa chỉ là một khái niệm marketing mà Notion đẻ ra, nhưng không có nghĩa đấy là chìa khóa cho sự năng suất của bạn. Khi chúng ta đặt Notion lên bàn cân với các ứng dụng khác, Notion có những thứ mà những app khác cũng có: bảng biểu giống Excel và Airtable, lịch giống Google Calendar, kanban giống Trello, notes giống Evernote/OneNote… Nhưng bản thân những tính năng kể trên thì thua xa về độ mạnh mẽ.
Nếu để dùng một câu nói để miêu tả Notion, thì không câu nào đúng hơn:
Jack of all trades, master of none
3. Cái đẹp đánh chết cái nết
Mình nhớ ngày đầu tiên mình xem một video hoàn chỉnh giới thiệu về Notion là của Thomas Frank, hồi đó mình kiểu QUAOOOO “sao nhìn nó đẹp dữ vậy”. Và sự ấn tượng này, tới khi mình xem các video giới thiệu về Notion của các Youtuber Việt Nam năm nay cũng không hề thay đổi.
Có một cái cảm giác lạ, lạ lắm, khi xem bất cứ một workspace nào trên youtube, mà mình không biết phải dùng từ gì để miêu tả. Cảm giác đó rất hay xuất hiện khi bạn influencer giới thiệu trang database tổng hợp những cuốn sách bạn đã đọc, hoặc những bộ phim bạn đã xem. Nhìn những trang này cảm giác rất là “đã”, là “đầy”, là “ngợp”, là màu sắc, là gọn gàng, hệt như lúc mình bước chân vào một thư viện với những giá sách cao quá đầu mình vậy.
Lượt qua group Cộng Đồng Notion Việt Nam (tính đến bài viết này đã có hơn 126k thành viên), bạn sẽ thấy hằng hà sa số những templates rất đẹp, được trang trí với đủ chủ đề khác nhau, từ Ghibli, đến Kpop, với đủ các loại widget, icon, app khác nhau (mà Notion không có sẵn). Mười bài post thì quá nửa cũng là khoe templates.
Templates không có gì sai, thậm chí với riêng Cộng đồng Notion Việt Nam nó lại vô cùng hợp lý vì chính nó đã góp phần thu hút nhiều bạn trẻ tò mò vào nhóm này.
Tuy nhiên, vì những templates không được xây dựng từ những thành phần nguyên bản ở trong Notion, nên những bạn mới sẽ không biết phải tìm chúng ở đâu. Nói đúng hơn là những bạn mới nghĩ rằng chỉ cần mở Notion lên là sẽ tìm thấy tất cả mọi thứ cần thiết để xây dựng các templates đẹp như các bạn thấy trên mạng, nhưng sự thật thì không phải như vậy.
Chào đón các bạn khi mới mở Notion lên sẽ là… một đống chữ và videos (?) Ơ, những cái xịn xịn giống của mọi người đâu? Làm thế nào để mình tạo được mấy cái xịn xịn đó? Mình phải bắt đầu từ đâu? ???
Dưới đây là một vài trang web cần thiết để bạn dựng một templates, và một vài bước “đơn giản” để đổi màu background của Notion…
Bạn thấy đó, khoảng cách giữa thực tại (những gì Notion cung cấp) và kì vọng (những templates bạn thấy) là rất, rất lớn. Do vậy không khó hiểu khi nhiều người thấy Notion quá rắc rối và không biết bắt đầu từ đâu.
Vậy thì… chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Mình nghĩ rằng điều kiện tiên quyết để sử dụng một công cụ hiệu quả là một tư duy đúng. Bạn có thể tham khảo bài viết Workflow có trước, công cụ tới sau * trước khi bắt đầu.
Còn nếu bạn cảm thấy muốn khám phá Notion luôn và ngay, mời bạn nhảy tới Notion 101 – nơi mình sẽ giải thích về Notion một cách cơ bản nhất, trẻ con lớp 5 cũng hiểu.
Oh, mình không dùng Notion. Nếu bạn thắc mắc vì sao, mời bạn ghé bài viết Vì sao mình không dùng Notion *.
Bạn đã biết dùng Notion, và đang muốn tìm thêm ý tưởng để làm đẹp hơn trang workspace của bạn? Mình đã tổng hợp toàn bộ các templates của cộng đồng Notion Việt Nam tại đây, bạn có thể ghé qua tham khảo nhé.
—
Note: Các bài viết có dấu * đang trong quá trình hoàn thiện.
—
Nếu bạn thấy bài viết có ích, bạn có thể chia sẻ qua:
Nếu đây là lần đầu bạn đến với blog của mình, đừng quên join newsletters của Many One Percents cùng gần 2000 bạn đọc mỗi tuần. Những lợi ích độc quyền cho các bạn subscribers:
- Đọc các bài blog sớm nhất (1 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
- Đọc Weekly Discovery (sản phẩm thú vị nhất tuần)
- Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
- Những cập nhật và dự định mới nhất về blog
Giờ mới tìm thấy 1 bài viết hợp ý, đồng ý với quan điểm của Tuấn 100% ^^
Cảm ơn bạn nhiều! Thật vui vì lúc nào bài viết của Tuấn cũng luôn được bạn đọc sớm nhất 😀 😀 😀