Skip to main content

Tóm tắt bài viết

  • Nhiều người khi muốn tạo một thói quen mới sẽ đặt ra các mục tiêu yêu cầu sự nhất quán cao: “Viết 30 phút mỗi ngày”, “Publish một bài viết mỗi tuần”
  • Tuy nhiên, sự nhất quán này rất dễ bị ảnh hưởng bởi các biến cố của cuộc sống.
  • Chiến lược hiệu quả hơn, đó là thay vì ép bản thân sử dụng một sự nhất quán cao, chúng ta có thể tập trung vào hệ thống giúp chúng ta phục hồi mỗi khi sự nhất quán bị ảnh hưởng.
  • Hệ thống phục hồi gồm 2 yếu tố chính: sự linh hoạt và nguyên liệu.

Trong quá trình dạy học ở lớp Writing On The Net, mình nhận thấy học sinh của mình (hello!) có xu hướng đặt ra mục tiêu viết theo dạng: “Cố gắng publish 1 bài mỗi tuần” (output goal), hay là “Mỗi ngày sẽ cố gắng viết 30 phút, kể cả có ra được thành một bài hoàn chỉnh hay không” (input goal).

Thực ra xác định cho mình output goal hay input goal không hề sai, ngược lại, chúng cực kì quan trọng trong việc giúp bạn đạt được mục tiêu cuối (outcome goal) (e.g. viết lách đều để suy nghĩ logic hơn, tập gym để có cơ thể khoẻ mạnh,…) – mình rất recommend bạn đọc bài viết của Tùng Akwaaba để hiểu thêm mối quan hệ giữa 3 loại mục tiêu output-input-outcome, và cách vận dụng chúng hiệu quả nhất.

Tuy nhiên thì…

Mình nghĩ có một mảnh ghép cực kì quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng các bạn học sinh mình có thể xuất hiện đều đặn, nhưng lại chưa thấy ai để ý tới.

Sự nhất quán tạo ra áp lực khi nó là một thứ bạn phải bảo vệ

Khi một người đặt ra kế hoạch “publish 1 bài mỗi tuần”, hay “Mỗi ngày viết 30 phút”, họ đang nghiễm nhiên cho rằng cuộc sống của mình, từ giây phút mình đưa ra câu nói này, đã có sự nhất quán đó (consistency), và rằng họ phải bảo vệ nó hết sức có thể.

Tuy nhiên, với bất cứ một ai đã từng thử tạo thói quen mới (dù là viết, đọc sách hay chạy bộ), chúng ta đều biết rằng sự nhất quán là thứ dễ toang nhất trong bất cứ một kế hoạch nào.

Giả sử tuần đó chúng ta đi du lịch, hay hôm đó chúng ta bị ốm liệt giường, cả hai trường hợp đều không tài nào viết nổi, vậy thì coi như chúng ta đã tự phá vỡ lời hứa của bản thân. Lúc đó, tinh thần chúng ta sẽ chịu hai loại áp lực:

  • Áp lực quay trở lại thói quen ngay lập tức (trong khi bản thân vẫn còn đang ở trong hai hoàn cảnh ví dụ kể trên)
  • Áp lực chứng minh với bản thân mình không phải người kém cỏi, chỉ biết hứa suông (loại áp lực này sẽ x2 nếu bạn lỡ hứa với người ngoài nữa :v)

Như vậy, mặc dù bạn đang coi sự nhất quán như một công cụ để tạo được thói quen, bản thân công cụ đó đang khiến bạn dễ tổn thương và nản chí hơn rất nhiều.

Cũng giống như kiểu, thương hiệu là một công cụ mà các công ty đang sử dụng để áp mức giá trên trời đối với sản phẩm của họ (oops hello Apple). Nhưng để làm được như vậy, họ đã, đang và sẽ phải bảo vệ thương hiệu của họ bằng mọi giá: bất cứ một hành động nào, hay một ấn phẩm nào đưa ra truyền thông cũng phải được kiểm soát và review nghiêm ngặt. Các công ty lớn sẽ rất ngần ngại đưa ra những bước đi quá liều lĩnh vì sợ mất lòng khách hàng hiện tại, cũng như các khách hàng tiềm năng trong tương lai.

Thương hiệu nhìn theo cách này cũng giống y xì sự nhất quán: tạo ra áp lực.

Khi sự nhất quán trở thành mục tiêu?

Thử tưởng tượng, bây giờ “viết 30 phút mỗi ngày” không còn là một thứ mà ngày mai chúng ta phải lao đầu vào thực hiện ngay, mà nó là một mục tiêu để chúng ta đạt được sau 1 tháng.

Đã là mục tiêu, sẽ phải có các mục tiêu nhỏ và dễ hơn, ví dụ kiểu:

  • Viết 30 phút mỗi 3 ngày
  • Viết 10 phút mỗi ngày
  • Đọc 30 phút mỗi ngày (mình đang cho rằng đọc dễ hơn vì tiêu thụ nội dung có sẵn sẽ khó hơn tự đẻ ra cái gì đó)

Khi chúng ta bẻ nhỏ sự nhất quán thành các mục tiêu đơn giản hơn, chúng ta đã loại bỏ ngay được áp lực phải “bảo vệ”, hay phải “giữ” một cái gì đó.

Mọi thứ bây giờ trở thành một cuộc thử nghiệm và đầu ra của nó không phải là sự tự trách móc bản thân, mà là sự nhận thức về những rào cản hiện có đang ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình bạn đạt được mục tiêu.

Nhưng mà, nếu như chúng ta cứ bắt đầu nhỏ và lên level dần như thế này, ai mà chẳng viết đều, chạy đều, gym đều được? Tại sao mọi người vẫn phải dùng đến các ứng dụng theo dõi thói quen? Tại sao Atomic Habit vẫn cháy hàng trên toàn thế giới ngay cả khi nó được xuất bản từ cách đây 5 năm?

Phải có một vấn đề gì khác ảnh hưởng tới sự nhất quán. Và đây mới là vấn đề thực sự mà mọi người thường hay bỏ qua.

Dòng đời vạn biến

Mình sớm nhận ra rào cản thực sự với sự nhất quán, khi mình cố gắng duy trì việc viết khoảng 30-45 phút mỗi buổi tối thứ 2, 4 và 6 trong tuần.

Do mình viết vào cuối ngày, sau khi mình đi làm về, nên khả năng viết của mình phụ thuộc vào mức năng lượng còn lại sau khi mình đã “chi tiêu” chúng cho việc làm một người Product Manager có ích, hay là quản lý sự kì vọng của sếp. Sẽ có hôm mình về nhà và cảm thấy tràn trề năng lượng (do hôm đó có một win ở công ty), nhưng cũng sẽ có hôm mình về nhà cảm thấy như đống bầy nhầy thất bại, vì đã mắc lỗi lầm hay xử lý vấn đề chưa tốt.

Mặc dù mình đã rất cố tìm cách vượt lười buổi tối, nhưng việc ép bản thân phải viết vào những ngày năng lượng chạm vạch, dù là một vài phút thôi, cũng là vô cùng khó khăn. Không đẻ ra được chữ nào, mà lại còn cảm thấy việc viết dần trở nên nhàm chán.

Trong khi mục tiêu về sự nhất quán là một thứ cố định (phải viết đúng x phút vào ngày a, b, c), thì cuộc sống lại có quá nhiều biến số. Công việc chỉ là một yếu tố thôi, kể ra đủ thì chắc hết ngày: đi du lịch, sinh nhật bạn, ốm đau, mèo tự nhiên lăn ra ốm… Các biến số sẽ lao về phía chúng ta như lúc chạy xe trên đường một chiều. Ngay cả khi chúng ta bị một chiếc xe đâm vào, các xe khác vẫn tiếp tục tiến tới về phía ta, một cú đâm khác có thể xảy ra, và xảy ra, và xảy ra. Ngừng thói quen càng lâu, thì cú trượt về tinh thần và động lực càng dài, sau đó rất khó để chúng ta đứng dậy và tiếp tục đi tiếp. Khi chúng ta mang trên mình quá nhiều tàn tích của các vụ tai nạn, thì lần đâm tiếp theo sẽ dễ dàng knock out chúng ta tới mức không bao giờ ngóc đầu lên được nữa.

Nếu thế, thì chỉ còn cách cải thiện bản thân trước khi các vụ tai nạn này xảy ra.

Chìa khoá tới sự nhất quán: khả năng phục hồi

Nếu chấp nhận rằng chắc chắn kế hoạch nhất quán của chúng ta sẽ thất bại ở một thời điểm nào đó, do sự bất biến của cuộc sống là không thể kiểm soát nổi, thì chúng ta chỉ còn cách là học cách đứng lên thật nhanh sau mỗi vụ tai nạn, hồi phục thật nhanh, và tiếp tục chiến đấu.

Thay vì cứ liên tục hỏi bản thân “Làm sao để viết được 30 phút mỗi ngày”, một câu hỏi thực tế và actionable hơn sẽ là:

“Nếu có chuyện xảy ra khiến mình không thể duy trì việc viết trong một vài hôm, làm sao để mình có thể quay trở lại viết tiếp trong các ngày tiếp theo mà không bị ảnh hưởng?”

Nếu rộng ra, câu hỏi sẽ là: “Làm sao để xây dựng một hệ thống giúp cho mình phục hồi thật nhanh sau khi mình thất bại trong việc nhất quán?”. Về cơ bản, chúng ta đang đi tìm tính đàn hồi (resilient) chứ không phải là sự nhất quán (consistency) nữa.

Đối với viết lách, phương trình cho tính đàn hồi chính là: Tính đàn hồi = Sự linh hoạt + Nguyên liệu.

Sự linh hoạt

Sự linh hoạt là thứ cho mình không gian để cựa quậy nhỡ như có chuyện không hay xảy ra.

Mình luôn block sẵn một hoặc hai khung giờ trong tuần, gọi là GIỜ LINH HOẠT (mỗi cái 1-2 tiếng), nhưng không đặt một kế hoạch cụ thể nào vào đó cả. Phần còn lại, mình sẽ block thời gian cứng trên lịch dành cho mục tiêu liên quan tới sự nhất quán mình đề cập ở trên (viết lách).

Giả dụ mình đặt lịch viết vào tối thứ 4, nhưng tối hôm đó mình bị ốm không viết được. Khi đó mình sẽ dành buổi tối thứ 4 để nghỉ ngơi, và chuyển lịch viết sang khung GIỜ LINH HOẠT của tối thứ 5.

Thông thường, mình sẽ cố gắng bảo vệ các khung thời gian cố định để tạo ra một quán tính cho bản thân. Thế nên mình hay hẹn bạn bè đi cafe, hoặc lùi các buổi gặp gỡ vào các khoảng thời gian linh hoạt. Như vậy mình vừa được viết mà vẫn duy trì được cuộc sống bên ngoài.

Nguyên liệu

Mình quan niệm nguyên liệu là thứ giúp cho mình thực hiện được hành động nhanh hơn.

Trong viết lách, nguyên liệu là những ghi chú của mình ở trong nhà kho lưu trữ ý tưởng. Khi mình ngồi xuống viết, mình không muốn bắt đầu từ một trang giấy trắng (nguyên nhân lớn nhất dẫn tới the writer’s block). Thay vào đó, mình sẽ nhìn vào các ghi chú của mình và tự hỏi bản thân: “Hôm nay mình có muốn chia sẻ nội dung này cho các bạn đọc của mình hay không?”. Trả lời câu hỏi “Yes/No” dễ hơn rất nhiều so với câu hỏi “What (to write)”. Đó là lý do vì sao mình ghi chú lại mọi thứ (đọc thêm: Mình Ghi Chú Lại Mọi Thứ Vì Đó Là Điều Sáng Suốt Nhất Mình Từng Làm)

Trong việc tập gym, nguyên liệu với mình là các bài tập được sắp xếp và phân chia rõ ràng dựa vào các nhóm cơ cũng như lộ trình tập. Khi đi tập, mình chỉ cần mở app (mình dùng Strong), chọn ngày hôm đó, là biết chính xác cần phải tập những gì. Giả dụ có một hôm mình nghỉ không tập được, hôm sau mở app ra kiểm tra xem nhóm cơ đó đã được tập trong tuần này chưa, rồi thì chuyển qua nhóm khác còn chưa thì hôm đó sẽ tập luôn.

Phần “nguyên liệu” này nhìn rộng ra thực chất chính là những công cụ, phương pháp mà mình hay chia sẻ ở trên Many One Percents. Chúng là những thứ bạn có thể cầm vào và sử dụng ngay để giải quyết các vấn đề hiện tại một cách năng suất hơn.

Kết: thói quen mới, cuộc sống mới

Như bạn đã thấy, việc đưa một thói quen mới vào cuộc sống không hề dễ chút nào cả. Để bạn đạt được mục tiêu về sự nhất quán cho mục tiêu mới, bạn buộc sẽ phải có một số chỉnh sửa với cuộc sống hiện tại để phục vụ cho sự nhất quán đó.

Khi bạn coi sự nhất quán là một điều nghiễm nhiên đã xuất hiện và bạn phải giữ, bạn đang thả một viên đá vào một bình nước đã đầy. Sự quá tải sẽ xảy ra, và hoặc là bạn phải bỏ viên đá ra để cái bình trở lại bình thường, hoặc là bạn để yên viên đá đó và chấp nhận mất một phần nước mà bạn không bao giờ có thể lấy lại.

Nhưng nếu bạn coi sự nhất quán là một mục tiêu, và dành thời gian xây dựng sự linh hoạt kèm theo nguyên liệu để tăng khả năng phục hồi sau mỗi lần bạn thất bại trong việc đạt được nó, “bình nước” cuộc sống của bạn sẽ trông khác đi rất nhiều, thậm chí nó sẽ trở thành một bình nước mới vì bạn đã trở thành một người toàn diện hơn, năng suất hơn.

Gửi các bạn học sinh Writing On The Net: mình hi vọng bài viết này giúp cho bạn hiểu rằng việc viết lách và việc sống liên hệ chặt chẽ với nhau. Để viết được bền, mình phải trải qua quá trình làm cho bản thân linh hoạt hơn, và cố gắng tích luỹ được nhiều nguyên liệu hơn. Đôi khi, không phải cứ ngồi xuống bàn và gõ chữ thì mới gọi là viết, chính việc các bạn ngọ nguậy tìm cách trở nên tốt hơn mỗi ngày cũng là một phần quan trọng trong hành trình này. Hãy tin vào quá trình, rồi việc viết bền sẽ đến.


Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng hơn 8000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Around the Internet (mấy thứ buồn cười hài hước trên Internet)
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và newsletter thuộc hệ sinh thái Many One Percents

Leave a Reply