Skip to main content
ProductivityTạo và duy trì thói quen

Tôi nói gì khi nói về thói quen?

By June 27, 2021September 11th, 2022No Comments

Bài viết không liên quan tới cuốn sách: Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ của tác giả Haruki Murakami. Nhưng niềm đam mê thì giống nhau.

Đây là những điều nhỏ bé mình nhận ra trong thí nghiệm đọc sách trong 14 ngày liên tiếp và cái kết, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của mình.

Những điều nhỏ bé mình sắp chia sẻ dưới đây, chính là 1% sự tiến bộ về kỷ luật của mình.

Quá trình phải được lượng hóa và nhìn thấy hằng ngày

Tạo thói quen mới là hành trình vô cùng vất vả nhưng phần thưởng lại không đến ngay, vì thế chúng ta phải tìm mọi cách dù là nhỏ nhất để thúc đẩy bản thân mỗi ngày.

Việc nhìn thấy quá trình chúng ta đã cố gắng chính là phần thưởng ngắn hạn để chúng ta cảm thấy vui hơn.

Những ngày đầu tiên, mình cảm thấy việc check in vào các app theo dõi thói quen rất phiền toái. Nhưng như mình đã chia sẻ ở bài trước, khi mình đạt được mốc 7 ngày liên tiếp, mình cảm thấy việc bỏ thói quen này dường như khó khăn hơn rất nhiều.

Đây là chuỗi 33 ngày của mình

Khi mình nhìn thấy những chuỗi 7 ngày có màu liên tiếp ở các app khác nhau, mình bỗng nhiên thấy rất tiếc khi mà bỏ lỡ một ngày. Cảm giác mình vừa vứt công sức 7 ngày vừa rồi xuống sông xuống biển vậy. Chính vì thế mà mình đã gắng thực hiện được thói quen vào ngày hôm đó, và đến hôm nay là ngày thứ 30 rồi này!

Qua tìm hiểu, đây chính là hiệu ứng “Don’t break the chain” do Jerry Seinfield phát hiện ra. Hiệu ứng này đặc biệt phù hợp với những ai có ý định xây dựng thói quen lâu dài, bởi thói quen càng lâu thì càng cần những phần thưởng ngắn hạn để “tiếp tế” động lực.

Đối với mình, đây chính là điều quan trọng nhất khi tạo thói quen: phải nhìn thấy được nỗ lực của mình.

Vấn đề không nằm ở việc mình dùng bao nhiêu app, vì…

…app không thể thay thế hành động.

Dù mình có dùng 12 app, hay 1 app, thì việc thực hiện thói quen vẫn nằm ở mình. Sau khi trải nghiệm 12 app thuộc hàng khủng nhất trên thị trường thì mình nhận thấy app chỉ giúp chúng ta về mặt nhắc nhở (để ta khỏi quên) và về mặt lượng hóa (để ta vui hơn mỗi ngày).

Không một app nào có thể thay đổi thời tiết từ lạnh sang ấm (để bạn dậy sớm hơn), hay giảm số lượng công việc trong ngày của bạn (để bạn có thời gian đọc sách, đi tập…)

App chỉ đóng vai trò là điểm đầu và điểm cuối trong quá trình tạo thói quen

Thứ hai, dùng nhiều app cũng có một điểm khó chịu, đó là số lượng thông báo quá lớn. Đặc biệt, có những app báo nhiều đến mức máy của mình tự động gợi ý cho mình là “cậu có muốn tắt m* cái thông báo của thằng app này đi không?”

Nếu là mình, mình nghĩ chỉ cần chọn một app thực sự vừa ý là hoàn toàn đủ để tạo bất kì thói quen nào. Nếu bạn đang lăn tăn chưa biết chọn app nào, có thể tham khảo bài viết review về 12 app theo dõi thói quen đứng đầu App Store của mình nhé.

Bắt đầu nhỏ

Trong bài thơ Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan từng viết:
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
[…]
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta

Bài thơ chẳng liên quan gì lắm, mình viết cốt chỉ để lấy ra ba chữ “ta với ta” mà thôi 🙂
Tạo thói quen là việc làm cá nhân, chỉ có mình bạn với… bạn. Và vì thế, hãy đặt một mục tiêu thật nhỏ, và đừng ngại bởi vì bạn có chia sẻ nó ra với ai đâu. Nếu bạn làm được nhiều hơn, tuyệt vời! Nếu bạn chưa làm được, chứng tỏ mục tiêu vẫn còn lớn, thử chia nhỏ ra nữa xem sao.

Nếu bảo bạn làm luôn bộ lego ở dưới thì chắc chắn sẽ rất khó. Nhưng nếu cứ lấy từng viên một ở trên rồi xếp thì chắc chắn sẽ có lúc làm xong! Nguồn ảnh

Việc đặt mục tiêu mỗi ngày đọc 1 trang sách có hai lợi ích đối với mình.

Thứ nhất, nó đủ nhỏ để mình có thể làm được mỗi ngày. Dĩ nhiên, mình chẳng bao giờ đọc 1 trang cả, vì nhiều khi đọc như vậy chẳng thế hiểu được nội dung sách đang nói gì.

Thứ hai, nó làm cho mình “cảm thấy” nhẹ nhõm hơn đối với thói quen này. Bạn thử tưởng tượng nếu mỗi ngày bạn về nhà, mệt mỏi và kiệt sức (chưa kể chán nản nếu hôm đó kết quả công việc không tốt), thì nghĩ đến việc “đọc 10 trang sách” hoặc “đọc sách 15 phút” nghe nó thật nặng nề. Một mục tiêu nhỏ sẽ khiến bạn không phải suy nghĩ quá nhiều về nó và cứ thế mà làm thôi.

Mình biết đến phương pháp này qua cuốn sách Mini Habits của Stephen Guise. Mình đã có cơ hội trò chuyện với chú Stephen qua email và được phép gửi bản PDF của chú cho những bạn nào quan tâm.

mini-habits-cover

Sự linh hoạt quan trọng hơn

Trong quá trình làm việc ở Habitify (ứng dụng theo dõi thói quen), mình có cơ hội được trò chuyện với rất nhiều khách hàng của app.

Đọc thêm về những buổi phỏng vấn của mình với họ tại đây. (Tác giả Alan Nguyen)

Mình nói chuyện với rất nhiều Manager, CEO, và họ đều có một mindset rất chung về tạo thói quen: sự linh hoạt. Khi tạo thói quen, quan trọng nhất là sự linh hoạt.

Thay vì nghĩ rằng mình phải duy trì một thói quen liên tục, họ đặt mục tiêu mỗi tuần chỉ cần làm 3-4 lần thói quen đó là được. Vì thế, hôm nào họ bị lỡ, họ chỉ cần thực hiện nó vào hôm sau, miễn sao tuần đó làm đủ số lần, là họ mãn nguyện rồi.

Họ nói với mình rằng, streak (hay hiệu ứng don’t break the chain) có một tác dụng phụ, đó là nó làm cho cuộc sống của chúng ta gò bó và gượng ép hơn. Chúng ta “phải” làm thói quen đó hôm nay không thì sẽ làm hỏng mất chuỗi 30 ngày vừa rồi.

Sự linh hoạt sẽ tốt hơn ở trong dài hạn

Chuỗi ngày hoàn thành càng dài, thì ta càng áp lực phải giữ cho nó được như vậy. Lúc này, bài toán không còn là tạo thói quen mà là bài toán về sự hoàn hảo (perfectionism). Cuộc sống của chúng ta thì luôn thay đổi, nếu ta cứ gò mình làm một cái gì đó vào đúng một giờ nào đó, thì chắc chắn là ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thú vị.

Trước đây, mình đã áp dụng tư duy này vào thói quen dậy sớm, và mình thấy nó cực kì hiệu quả. Hôm nào mình đi chơi về khuya, hoặc làm việc muộn, mình cảm thấy rất thoải mái vì hôm sau có thể ngủ dậy trễ và bỏ qua buổi tập hôm sau.

Bắt đầu với cái bạn thích, hoặc cần

Điều cuối cùng khi mình nói về thói quen, đó là nên bắt đầu với cái bạn thích, hoặc cần.

Tạo thói quen rất khó, đặc biệt nếu bạn chưa có kỷ luật cao. Vì vậy, nếu bạn làm cái gì mình thích, hoặc mình cần, thì bạn sẽ dễ dàng duy trì được nó mỗi ngày hơn.

Cá nhân mình đã chọn cuốn sách Working Backwards trong thí nghiệm 14 ngày đọc sách vừa rồi. Lý do là vì mình đang làm quản lý sản phẩm, và mình đang muốn cải thiện quy trình làm sản phẩm của công ty mình. Cuốn sách này lại có chính xác cái đó, thế nên lúc mình đọc mình rất cuốn và hứng thú.

Nếu bạn cũng đang tạo thói quen đọc sách, bạn có thể bắt đầu với truyện, tiểu thuyết thuộc thể loại mà bạn thích. Cốt truyện và lối hành văn của tác giả sẽ giúp bạn vượt qua được những ngày đầu tiên. Dần dần, khi bạn có kỉ luật hơn, hãy thử sức với những thể loại “khó nhai” hơn như non-fiction nhé.

Kết

Mình thấy những bài học mình rút ra được từ việc tạo lập thói quen cũng quan trọng không kém gì chính thói quen đó. Mình không gọi “tạo thói quen” là một sở thích giống như chơi cầu lông hay đi phượt, nhưng mình rất enjoy mỗi khi mình thử nghiệm một thói quen mới như lần đọc sách vừa rồi.

Nếu bạn cũng thuộc tuýp ưa trải nghiệm như mình, mà chưa có cơ hội rời khỏi nhà do COVID-19, bạn có thể thử một thí nghiệm nào đó như vậy xem. Mình chắc chắn là sẽ khá thú vị đấy.

Mình hi vọng những điều mình chia sẻ ở đây sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tạo lập thói quen mới. Nếu bạn có những phương pháp nào riêng, nhớ chia sẻ ở phần bình luận cho mình và mọi người khác học tập với nhé!

Ở bài post lần sau, mình sẽ review cụ tỉ về 12 app theo dõi thói quen đã đồng hành cùng mình qua thí nghiệm này. Mời bạn đón đọc!

Nếu đây là lần đầu bạn đến với blog của mình, đừng quên subscribe để nhận được newsletters về những bài blog thế này, kèm theo những phát hiện công nghệ thú vị của mình nhé (chỉ subscribers mới được đọc).

Leave a Reply