Skip to main content
Nghị luận công nghệProductivity

“Từ từ, đừng ăn vội, để tao chụp cái đã”

By August 8, 2020September 11th, 20223 Comments

🍕 🥗 🍓

Lời mở đầu văn vẻ

Trong khi tôi viết về những biểu hiện của việc “nghiện” điện thoại, tôi mới chợt nhận ra là tôi vẫn luôn có thành kiến đối với việc chụp ảnh đồ ăn trước bữa của rất nhiều người.

Vì nó vẫn liên quan tới công nghệ, hay chính xác hơn là cách mọi người tận dụng công nghệ, nên tôi vẫn muốn đưa vào trong series The Untitle Project này.

Tuy nhiên, vì đây hoàn toàn là quan điểm và cảm xúc (bộc phát) của cá nhân, nên tôi sẽ không trau chuốt hay sắp xếp ý tứ cho phù hợp với tất cả người đọc. Sẽ không có heading, không có bullet points và cũng chẳng có số liệu back-up.

Tất cả, dưới đây, hoàn toàn không hề có edit, trừ lỗi chính tả.

Ngày xưa các cụ có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Đoán xem bây giờ cái gì cao hơn mâm cỗ nào?

Mượn tạm ảnh của một trang review đồ ăn. Dành cho những bạn chưa biết, ứng dụng trên ảnh là Foodie (có khá nhiều preset đẹp dành riêng cho việc chụp ảnh)

Chụp ảnh check-in món ăn gần như đã trở thành một văn hoá (khó hiểu) trong giới trẻ hiện nay. Những năm gần đây, khi smartphone càng ngày càng rẻ và độ phân giải camera càng ngày càng to, cùng với sự nổi lên của các food blogger với instagram tràn ngập ảnh đồ ăn thức uống, thì việc chụp ảnh đồ ăn trở nên dễ dàng và thời thượng hơn bao giờ hết.

Nếu người Do Thái hay người Công Giáo làm dấu và cầu nguyện trước bữa ăn như một lời tạ ơn tới Chúa Trời đã ban phát lương thực, thì có lẽ việc chụp ảnh đồ ăn là thức mà giới trẻ ngày nay thể hiện sự biết ơn của họ (với ai thì không biết…)

Tôi hoàn toàn hiểu nếu như ông là người trực tiếp nấu món ăn đó, và ông cảm thấy tự hào, bạn muốn ghi lại thành quả của mình. Cá nhân tôi rất tôn trọng và khâm phục những ông như vậy. Keep posting y’all!

Tôi cũng hiểu nếu như ông cảm thấy đó là một món ăn đặc biệt do một người đặc biệt chiêu đãi ông, và ông muốn ghi lại tấm lòng của họ. Đừng quên credit tên!

Tôi cũng hiểu luôn nếu như sở thích của ông là đồ ăn, hoặc ông là một food blogger mới nổi đang trang hoàng lại trang instagram của mình. Cứ mạnh dạn mà tiến!

Nhưng tôi thật sự bối rối khi nhìn thấy (vô số – xin nhấn mạnh – vô số) bạn bè mình kì công sắp xếp bát đĩa, vứt bớt giấy ăn (thậm chí là điện thoại của người khác :v), đứng lên bàn lên ghế chỉ để chụp một bức ảnh đồ ăn, trong khi các bạn đó không thuộc một trong những trường hợp kể trên.

Vậy xin hỏi các bạn chụp ảnh đồ ăn để làm cái gì???

Tôi xin mạnh dạn đoán đến 90% đống ảnh đó sẽ nằm yên vị trong bộ nhớ của máy các bạn đó. Họ sẽ chẳng buồn xem lại nó, hoặc chí ít, có xem lại nó cũng sẽ chẳng cảm thấy bất kì sự sung sướng, hạnh phúc nào (thử so sánh với việc xem một bức ảnh ông chụp người thân đang ngấu nghiến đĩa đồ ăn đó xem?)

10% số ảnh còn lại sẽ được đăng tải ngay lên mạng xã hội sau khi đi qua một đống filter trên Foodie hay VSCO. Và dĩ nhiên, để những tấm ảnh đó lên được mạng xã hội thì ông sẽ phải để người đối diện ngồi đợi, hay đúng hơn là ngồi nhìn đống thức ăn nóng hổi đang dần nguội ngắt MÀ KHÔNG ĐƯỢC ĐỘNG THÌA ĐỘNG ĐŨA không thì “mày làm hỏng setup của tao bây giờ, để yên đấy để tao chụp lại”

Tôi cảm giác rằng nếu như mọi người không chụp lại những thứ mình đang ăn thì buổi đi ăn đó đã không diễn ra vậy.

Xin một lần nữa mạnh dạn đoán rằng, nếu như thế, hẳn là các bạn đó đang muốn bạn bè trên mạng xã hội biết được sự chanh sả thượng đẳng của mình khi hôm nay gọi toàn món đắt tiền.

Chú thích: đồ ăn đắt tiền là những món có đĩa rất to, trắng, phần ăn (serving) rất nhỏ, thường lọt thỏm ở giữa, đồ trang trí hoa lá cành còn to hơn món chính, ở viền thường có mấy cái sốt xanh đỏ được quẹt một cái nhìn cho ngầu.

Để kiểm chứng cho nhận định này, ông thử xem người đó đã bao giờ đăng một tấm ảnh đĩa rau muống ở nhà mẹ nấu chưa?

Có một giả định khác, khả năng là gần gũi hơn, đó là các bạn đó muốn thể hiện cái tôi cá nhân qua bức ảnh đồ ăn của mình. Ngày xưa đồ ăn hiếm hoi lắm, các cụ Sapiens của mình bắt được cái gì là bỏ tọt vào mồm ngay. Cái thời mà chưa có lửa và đồ đá, đồ ăn có thế nào là ăn thế nấy, chứ làm gì có chế biến gì. Giả mà đưa cho một cụ Sapien cái iPhone bây giờ, chắc cụ dùng nó để giã thịt mà ăn mất. Đói lòi mắt ra ăn còn chẳng xong nói gì dăm ba cái thể hiện cá tính =))

Ngày nay, ẩm thực đã trở thành một nền văn hoá được công nhận muôn nơi. Cùng một cái sợi trắng trắng làm từ bột gạo, cho vào nồi nước nêm nếm nhiều loại gia vị, phủ lên topping làm từ các loại động thực vật khác nhau, mà cũng đủ để người ta đi khắp năm châu bốn bể, vênh mặt lên với bạn bè thiên hạ là tao chả có gì ngoài việc đến từ vùng quê có món phở Hà nội, món mì quảng Đà Nẵng, món hủ tiếu Sa Đéc, không ăn phí cả một đời.

Nghe ngầu đen đét, phải không?

Bây giờ dân Hà Nội gốc không còn khoe nhà tao phố cổ bố tao làm quan nữa rồi. Thời đại này là phải khoe tấm ảnh flatlay chụp bát phở-tái-gầu-hai-trứng-trần-nhiều-hành, điểm xuyết lát chanh với dăm ba miếng ớt tươi, bên cạnh rổ quẩy vàng ươm không khác gì món Churros của Ý (chỉ khác là nó không phủ đường). Ông nào nghệ hơn thì thò cái tay đeo Daniel Wellington vào giả vờ cầm cái thìa múc múc. Thế nó mới ra dáng con dân Sài Thành.

Nguồn ảnh: aFamily – khổ lắm viết rant post nhưng vẫn phải ghi nguồn không sợ một ngày nổi tiếng bị người ta kiện 🙁
Chú thích: Ảnh flatlay là ảnh chụp chính diện vuông góc với mặt phẳng. Ví dụ? Ông lên instagram story lướt 1 tí, đầy!

Như vậy, việc chụp những món đặc sản còn giúp những foodstagram đánh bóng hình ảnh của mình trong mắt bạn bè thiên hạ. Các cụ dạy rồi: “Học ăn học nói học gói học mở”. Thằng này biết ăn, chứng tỏ khả năng học rất tốt, chắc chắn là người tài!

À cũng phải nói thêm là cái thằng đang viết bài này ngày xưa cũng hay trẻ trâu chụp ảnh ra cái điều là mình có mắt nghệ thuật lắm, giờ đỡ rồi:

Nhìn lại thấy ảnh mình chụp từ 2016 mà ý nghĩa sâu sắc thật! Xin đính chính là tôi chụp cái đĩa chứ chưa có đồ ăn nhá!

Nói đến đây mới nhớ, còn một giả thuyết mà tôi xin mạnh dạn lấy luôn từ trải nghiệm cá nhân, đấy là mình coi check-in đồ ăn là phương thức thể hiện con mắt nghệ thuật của mình.

Cũng giống như việc thể hiện sự sành ăn, nhưng ở đây việc mình kì công bài trí và chỉnh sửa tấm ảnh giúp mình truyền đạt cái gu thẩm mỹ nghìn năm có một của mình.

Hẳn là những bạn thuộc dạng này instagram ngoài đồ ăn ra còn có vô số ảnh chụp những vật thường ngày nhưng được sắp xếp hoặc chụp từ một góc nào đó sao cho thật deep, đủ để chèn một câu status không liên quan vào.

Vẫn là ảnh chiếc điện thoại kia, nhưng ở góc deep hơn. Nguồn: Insta của tôi chứ ai

Mà thực sự nếu đúng là thế, thì (một lần nữa) tại sao các ông không cất công chụp mấy món rau muống mẹ nấu đi? Mà cứ phải chụp mấy món rõ ngon ngoài hàng làm cái gì? Đến lúc ăn thì nguội bà nó mất chứ còn à?

Các ông bảo là đồ nhà nấu thì đâu quan trọng hình thức, mà có thì cũng làm sao đẹp bằng ngoài hàng mà chụp? Vậy thì tôi chắc chắn là các ông chưa nhìn thấy mấy dự án ảnh đồ ăn mà Chimkudo (công ty ngày xưa tôi làm) chụp rồi. Chụp mấy quả quýt cũng hớp hồn nhé!

Nguồn: STILL-LIFE – Asia Light – Light Food by Nice Mood để hẳn tên nguồn dài cho ngầu

Bài viết cũng dài, tác giả cũng thoả mãn vì được nói ra tiếng lòng. Nhưng mà không thể không bày tỏ sự bất bình đối với những bạn bắt người khác không được ăn gì, sắp xếp từa lưa, chụp choẹt tùm lum để rồi tối up ảnh đồ ăn lên kèm theo một câu quote siêu sến súa không biết copy từ trang nào. Kiểu kiểu như: “Đời này, thứ duy nhất mình không buông được có lẽ là đôi đũa…”

Làm ơn đi, muốn ảnh đẹp đăng status thì lên Unsplash hay Pixabay đầy. Vừa đẹp lại còn vừa miễn phí. Hà cớ gì bắt bạn (đã đang đói rồi) phải ăn mầm đá thêm mấy g̶i̶â̶y̶ phút???

“Sao ngon thế mà chụp lên trông như *** thế nhỉ”
Pfff… Cứ làm như đồ ăn ngon thì đưa máy lên chụp là ảnh cũng ngon vậy. Mà cũng lạ cơ, lần nào chụp cũng biết mình chụp không đẹp, thế mà lần sau vẫn chứng nào tật nấy. Không chừa!


“Chờ đợi không đáng sợ, cái đáng sợ nhất là không biết phải chờ đến bao giờ”

– Cố Mạn –

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng hơn 8000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Around the Internet (mấy thứ buồn cười hài hước trên Internet)
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và newsletter thuộc hệ sinh thái Many One Percents

3 Comments

Leave a Reply