Skip to main content
Nghị luận công nghệProductivity

Vì sao chúng ta lại nghiện điện thoại?

By August 29, 2020September 11th, 20222 Comments

Đây là phần thứ hai của series “Bạn có thể sống một ngày không có smartphone?

(Thời gian đọc: 15 phút)

? Nghe trên Spotify hoặc Overcast.

Dù nhìn từ góc độ khoa học hay tâm lý – xã hội, thì việc sử dụng điện thoại rất dễ dàng làm con người ta rơi vào trạng thái “nghiện”.

Về mặt khoa học

Điều khiến điện thoại nói chung và các mạng xã hội nói riêng trở nên khó cưỡng lại đối với người sử dụng chính là cách nó đánh trúng cơ chế vận hành của bộ não con người.

Điện thoại, hay Facebook và Instagram, sở hữu một thứ vũ khí đặc biệt: phần thưởng bất định (variable rewards). Nó chính là những gì chúng ta nhận được khi mở điện thoại lên.

Nghiên cứu của tiến sĩ B.F. Skinner đã cho thấy phần thưởng bất định ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của động vật. Trong thí nghiệm của mình, Skinner đặt 2 chú chuột vào 2 buồng khác nhau, mỗi buồng đều có 1 cái cần gạt.

Ở buồng thứ nhất (A), mỗi lần chuột A đẩy cần gạt, nó sẽ luôn nhận được một phần đồ ăn nhỏ giống nhau. Ở buồng thứ 2 (B), chuột B lúc sẽ nhận được một phần đồ ăn rất nhỏ, lúc sẽ nhận được phần đồ ăn rất lớn, có lúc không có gì. Chắc các bạn đã đoán được, tất cả những chú chuột ở buồng B có xu hướng đẩy cần gạt nhiều hơn và thô bạo hơn nhiều các chú chuột ở buồng A.

Điều này cũng xảy ra tương tự với loài người. Một “phần thưởng” trên điện thoại có thể chỉ nhỏ như một tin nhắn hay một trái tim ở trên Instagram. Nhưng nó cũng có thể là phần thưởng lớn như một video đáng yêu hay một câu comment trên bức hình avatar mới thay của bạn (thú nhận đi, khi có người post lên tường của bạn hay comment lên ảnh của bạn thì tim bạn sẽ đập nhanh gấp đôi đúng không nào?

Chính vì sự “bất định” của “phần thưởng” mà chúng ta luôn luôn tò mò mỗi khi điện thoại chúng ta bật sáng.

Để giải thích cho hành vi này, chúng ta cần nhìn vào vòng lặp thói quen của con người.

Tin nhắn, thông báo, comment hay like đều là những thứ mới lạ và khó kiểm soát. Chúng ra hiệu (cue) cho chúng ta biết rằng có một điều mới lạ đang cần khám phá. Sự tò mò về nội dung tin nhắn và ham muốn được xã hội công nhận (đề cập ở phần tiếp theo) làm chúng ta muốn xem ngay điện thoại (craving). Chúng ta phải với lấy điện thoại ngay lập tức (response) để xem mình nhận được điều gì.

Tin nhắn của bạn bè sẽ cho chúng ta một cảm giác được kết nối; một lời khen ngợi trên bức hình mới đăng sẽ cho chúng ta cảm giác được công nhận; một video chó mèo đáng yêu sẽ cho chúng ta cảm giác thư giãn và vui vẻ. Tất cả những cảm xúc tích cực này chính là những phần thưởng (reward), đi kèm “hormone hạnh phúc” dopamine được sinh ra trong não bộ.

Lặp lại nhiều lần, thì chỉ cần chúng ta nhìn thấy điện thoại nháy đèn là não đã tự động tiết ra dopamine, chứ chưa cần biết thông báo đó là gì nữa. Lâu dần, não bộ quen với việc phải liên tục được tiết ra dopamine, nên khi chúng ta bị mất/phải xa điện thoại một thời gian, sẽ sinh ra cảm giác bứt rứt, bồn chồn, lo lắng do lượng dopamine này không còn được tiết ra thường xuyên nữa.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cơ chế của vòng lặp thói quen và cách nó ảnh hưởng đến hành vi con người, bạn có thể tham khảo cuốn The Power of Habit của chú Charles Duhigg, hoặc Atomic Habit của chú James Clear nhé!

Thay vì dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, tại sao chúng ta không đọc những thứ thú vị hơn? Mình có tổng hợp lại những bài viết online chất lượng nhất năm 2021, bạn có thể đọc tại đây: Best reads of '21 by Tuanmonn x Holistics. 

Về mặt tâm lý – xã hội

Trong tất cả các thương hiệu công nghệ, thì mình nghĩ Nokia có slogan đúng nhất về sức ảnh hưởng của công nghệ với con người.

Từ khi mạng xã hội ra đời, chiếc điện thoại trở nên có giá trị hơn bao giờ hết. Hầu hết các tính năng mà các nhà sản xuất quảng cáo đều ít nhiều liên quan đến sự hiện diện của bạn trên mạng xã hội.

Một quảng cáo của Samsung, nhấn mạnh vào tính năng camera thông minh chuyên nghiệp để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ

Những tính năng như bộ nhớ lớn, camera phân giải khủng, hay màn hình sắc nét suy cho cùng cũng là để bạn có thể lưu lại nhiều khoảnh khắc hơn để chia sẻ với mạng xã hội của mình.

Những bức hình đẹp sẽ đi kèm với những lời khen, và xa hơn nữa là sự ngưỡng mộ của bạn bè dành cho gu thẩm mỹ xuất sắc của chúng ta, vuốt ve cái ham muốn được công nhận thầm kín trong mỗi người. Suy cho cùng, chúng ta kết nối với đám đông để thoả mãn nhu cầu của cá nhân mình.

Khi càng ngày càng có nhiều travel blogger, food blogger hay fashion blogger trở nên nổi tiếng và giàu có nhờ Instagram, mọi người càng tin rằng việc chia sẻ hình ảnh và video lên mạng xã hội (dĩ nhiên là phải hơi đẹp một tí) là một công thức tất yếu để được xã hội công nhận về sự tồn tại của mình.

Nhìn một cái instagram feed nghệ như thế này thì ai mà chẳng ngầm thán phục người chụp và mong muốn rằng mình cũng được như vậy? (nhận đi!) Nguồn ảnh: @tuanmonn

Thế hệ bố mẹ chúng ta thì cũng chẳng kém cạnh. Bằng tốt nghiệp xuất sắc của con, ảnh bên hồ bơi resort 5 sao, lại là bảng điểm của con. Instagram có thể bố mẹ không biết dùng nhưng lên Zalo thì sống ảo đừng hỏi. Bố mẹ có thể thiếu điều kiện nhưng con học giỏi thì vẫn đủ điều kiện để khoe như bình thường.

Chính vì việc chúng ta thích “khoe” trên mạng xã hội đã dẫn đến hai nỗi sợ trong đại đa số bộ phận bạn trẻ bây giờ.

Fear of missing out – hay nỗi sợ bị bỏ lại – là một nỗi sợ vô căn cứ nhưng lại chính là đầu mối dẫn đến việc mọi người lạm dụng điện thoại.

Một buổi sáng mở mắt ra, chợt thấy 7749 avatar bạn bè đều đang nghiêng đầu, giật mình tự hỏi tôi đã bỏ lỡ cái gì thế này?

Phong trào thay avatar nghiêng đầu năm 2012 – Nguồn ảnh: Kenhsinhvien.vn

Lâu lâu không lên Facebook, tự nhiên thấy thằng bạn mình đăng video dội nước đá lên đầu (???) mà mặt mày hớn ha hớn hở (???)

ALS Ice Bucket Challenge: How it Started | Time

Đang yên đang lành tự nhiên thấy anh em trong công ty rủ đi Hồ Tây nhún nhảy. “Điên à đang hè nắng chang chang ra đấy nhún để mà say à” – “Mày chẳng biết cái gì cả” – “…”

Nếu bạn là một người ít sử dụng mạng xã hội như mình, thì việc bất ngờ trước những trào lưu nổi chỉ trong một đêm thế này là gần như không thể tránh khỏi.

Đôi khi mình cũng nghĩ, người ta theo dõi những drama thế này, hay đú trend thế kia, đơn giản vì người ta trẻ trâu thật, hay là vì họ muốn mình cũng có thể nhảy vào câu chuyện phiếm cuối giờ làm việc ở văn phòng, mà không bị bỏ lại vì không hiểu gì?

Chính vì sự lo lắng rằng chúng ta đang không hiểu mọi người đang bàn luận sôi nổi về cái gì khiến chúng ta luôn phải chầu trực bên chiếc điện thoại, đọc những tin tức giật gân nhất, đăng những bức ảnh bắt trend nhất để thiên hạ còn “cho mình chơi cùng”.

Nỗi sợ bị bỏ lại – hay ham muốn được thuộc về (sense of belonging) – chính là động lực thúc đẩy cho hành vi lướt facebook của chúng ta. Tuy rằng chúng ta sẽ thực sự chẳng bao giờ bị bỏ lại chỉ vì không biết một mẩu tin mới trên BeatVN, nhưng nó lại là lý do rất nhiều người đã xoá Facebook rồi lại phải cài lại.

Peer pressure – hay áp lực bè bạn – là nỗi sợ thứ hai.

Snap Chat hay Instagram stories (và bây giờ là cả Facebook Stories) đang ngày càng cổ suý việc “dòm trộm một cách công khai” vào cuộc sống cá nhân của người khác.

Việc xem stories của bạn bè bắt đầu tự một mong muốn đơn giản: cập nhật tình hình của bạn mình xem nó đang làm sao. Vô tình, chúng ta nhận ra rằng bạn bè xung quanh đang thành đạt, giỏi giang hơn, hoặc có một cuộc sống nhiều trải nghiệm hơn. Khi đó, chúng ta cảm thấy mình thật kém cỏi và liên tục tự vấn bản thân mình.

“Sao nó bằng tuổi mình mà giàu/giỏi/sướng thế nhỉ?”

Sâu thẳm, mình tin rằng ai cũng đã từng gào thét trong tâm thế này.

Bạn A dạo này đang thất tình (story nó toàn nhạc sến củ, xong hay có mấy dòng text bé như con kiến phải dí mắt vào mới biết được là hoá ra nó đang thả thính). Bạn B dạo này đang đi phượt (story nó toàn ảnh núi rừng chim kêu dế hót nhìn mà ghét). Bạn C dạo này có công việc mới ở tập đoàn xịn xò (story suốt ngày check in view triệu đô rồi sơ mi đóng thùng ra dáng người lớn các kiểu)

Càng xem nhiều, chúng ta càng lo lắng một cách vô căn cứ rằng mọi người đang có một cuộc sống thú vị hơn mình, ăn những thứ ngon hơn mình, đến những nơi mà mình (đã lên kế hoạch rồi đấy) chưa từng đến.

Nỗi sợ này lớn dần đều với quy mô của trường đại học hay công ty mà bạn đang theo đuổi. Cùng là ra trường đấy, mà sao đứa này đã được vào tập đoàn U, đứa kia đã có vài ba cái startup, đứa người mẫu, đứa hoa hậu, chu du năm châu bốn bể. Tôi ngồi đây với cái bụng mỡ của mình, há chẳng phải là thứ vô dụng nhất trên đời sao?

Thực vậy, không phải tự nhiên mà những bài post của một vài bạn sinh viên FTU về vấn đề này được ủng hộ và chia sẻ nhiều đến vậy.

Một bài viết rất hay với gần 1k lượt likes và 100 lượt shares – Nguồn: facebook của bạn Nguyễn Anh Linh Giang
Một đoạn mở đầu rất “trúng” tâm lý của các bạn trẻ FTU – Nguồn: facebook của bạn Tien Nguyen

Nhưng càng sợ, chúng ta lại càng phải xem. Xem để mà biết cái thằng kia nó giỏi thế thì cuộc sống hằng ngày nó thế nào, bí quyết thành công của nó là gì. Xem để mà hóng bao giờ cái đứa nọ mới chia tay. Xem để mà tự xuýt xoa và lấy động lực cho bản thân mình phải phấn đấu “được của ló” (các bạn thấy tôi bắt trend hay không?)

Mà đã ghen tị, thì không thể tránh khỏi mong muốn được sánh vai với các cường quốc năm châu. Chúng ta lại quay trở lạ với bài toán mong muốn được xã hội công nhận, được bằng bạn, bằng bè. Và cứ thế, những bức ảnh check-in sang chảnh, những story đi du lịch, đi nhà hàng, khách sạn, những screenshot một góc thư mời làm việc từ các tập đoàn lớn, lũ lượt ra đời.

Nếu bạn đang ở trong cái độ tuổi giống mình, cái độ tuổi mà ai cũng khao khát thể hiện bản thân và tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội, thì chắc chắn cái bạn đang lướt và nhìn thấy mỗi ngày không còn là mạng xã hội nữa. Gọi nó là mạng thành tích thì đúng hơn.

Trong khi chúng ta đang vật lộn với những nỗi sợ kể trên, thì các nhà sản xuất điện thoại và phát triển phần mềm (gọi chung là nhà sản xuất) lại là người sung sướng.

Ở phần sau, mình sẽ chia sẻ cách các nhà sản xuất thiết kế sản phẩm để chi phối và thu lợi nhuận từ sự lạm dụng điện thoại của chúng ta. Các bạn đón đọc nhé!

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng hơn 8000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Around the Internet (mấy thứ buồn cười hài hước trên Internet)
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và newsletter thuộc hệ sinh thái Many One Percents

2 Comments

Leave a Reply