Skip to main content

Mình sẽ không bao giờ quên được ngày 19 tháng 12 năm 2020 – ngày mà một tên trộm cầm dao đột nhập vào phòng mình trong lúc mình đang ngủ.

Hắn đã ở trong phòng với mình 10 phút mà mình không hề hay biết.

Đêm đó, mình mất hai chiếc điện thoại, một chiếc laptop, và toàn bộ giấc ngủ trong hai tháng sau đó.

Nhưng mình không mất mạng. Mình nghĩ không phải ai cũng được may mắn như thế, khi tính đến thời gian mình đã ở cùng tên trộm trong phòng kín, mình là một người dễ tỉnh giấc, và mình yêu quý đồ công nghệ như thế nào. Không thể, và cũng không muốn tưởng tượng đến cảnh lúc mình bật tỉnh dậy trong lúc “Work in progress” thì chuyện gì sẽ xảy ra.

Và yeah, trải nghiệm mất điện thoại đã dạy cho mình tầm quan trọng của một check list trong lúc hoảng loạn là như thế nào. Mình đã nghĩ mình nắm rất rõ những bước cần phải làm (trước khi mất máy), nhưng lúc đó thứ duy nhất mình biết làm là run lẩy bẩy và nghĩ về việc về Hà Nội.

Ôi Sài Gòn manh động quá.

=))


Nếu bạn vừa mất điện thoại hoặc laptop của Apple, bấm vào đây để đọc ngay check list những gì cần phải làm.

Nếu bạn chưa từng mất (god bless you!) và muốn (1) tăng khả năng tìm thấy điện thoại và (2) giảm thiểu rủi ro bị lộ thông tin cá nhân, hãy đọc từ đầu tới cuối nhé.

✌️ Note: trong bối cảnh điện thoại và laptop, sự an toàn và bảo mật thường yêu cầu phải đánh đổi một chút về tiện lợi. Lúc trước khi mất điện thoại, mình cũng rất ham tiện lợi. Nhưng sau đó mình nhận ra rằng giá trị mà sự tiện lợi mang lại hằng ngày nhỏ hơn rất, rất nhiều với cái giá mình phải trả khi mất điện thoại hay laptop.

Ừ, mất tiền (để mua lại) đã đành, đằng này nếu lộ thông tin, thì có khả năng bố, mẹ, bạn bè, công ty của mình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mình nghĩ bảo vệ đồ điện tử trong thời đại này không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn là trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Trước khi bị mất

Đây là thời điểm duy nhất mà bạn có toàn quyền kiểm soát đối với các thiết bị mình có. Còn tới lúc chuyện đã rồi thì lúc đó vận may của bạn sẽ đóng vai trò quan trọng nhất…

Mình có viết một bài riêng giúp bạn tăng cường bảo mật của điện thoại/laptop trước khi có chuyện xấu xảy ra:

Sau khi bị mất

Sau khi bị mất điện thoại hoặc laptop, chúng ta sẽ có hai mục tiêu chính
(1) Bảo vệ dữ liệu trong máy
(2) Tìm lại thiết bị đã mất

Đây là check list những việc bạn cần làm (theo thứ tự)

  1. Gọi điện cho tổng đài khóa SIM / Đi làm lại SIM
  2. Bật chế độ Lost Mode và để số điện thoại của bạn/bạn bè để người nhặt/trộm được gọi lại
  3. Đăng xuất toàn bộ các dịch vụ trên máy
  4. Xóa toàn bộ dữ liệu trong máy (ko ai dùng đc trừ người biết Apple ID và password)
  5. Tuyệt đối không bấm vào link lạ

1. Gọi điện cho tổng đài khóa SIM/ Đi làm lại SIM

Chúng ta sẽ không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn bè hoặc người thân lỡ gọi tới máy khi máy đang mất.

(Tưởng tượng: kẻ trộm sẽ bảo mình bị bắt cóc, rồi tống tiền các thứ, hoặc giả làm Tuesday???) =))

Và biết đâu bạn chưa tắt Control Center như mình đã hướng dẫn trong bài viết này? Kẻ gian đọc được OTP thì sao?

Thì phải khóa SIM luôn chứ sao.

Hãy gọi cho tổng đài theo số hotline sau, và bảo họ khóa sim ngay:

  • Vinaphone: 18001091
  • Mobifone: 9090
  • Viettel: 18008198

Sau đó, bạn hãy tới ngay chi nhánh gần nhất để làm lại thẻ SIM (lần cuối mình làm mất 50k). Thực ra kể từ khi bạn đăng ký làm lại thẻ SIM thì SIM cũ cũng sẽ tự động bị khóa, nhưng thôi cứ gọi tổng đài khóa trước cho chắc ăn nha.

2. Bật chế độ Mark As Lost

Nếu bạn dùng Android, làm theo hướng dẫn của Google ở link này.

Nếu bạn dùng iPhone, để bật chế độ Lost Mode, bạn có thể làm một trong hai cách:

  • Cách 1: Đăng nhập vào iCloud.com > Find My > bấm chọn thiết bị bạn muốn khóa và chọn Activate ở phần Mark As Lost.
  • Cách 2: Sử dụng một thiết bị Apple khác có đăng nhập iCloud của bạn > bật app Find My > Devices > chọn thiết bị bị mất > Mark As Lost > Activate

Ở chế độ này, bạn sẽ khóa máy lại và hiện số điện thoại để người nhặt có cách liên lạc mà trả lại.

Note: Bạn sẽ luôn truy cập được vào các thiết bị Apple mà mình sở hữu trên iCloud, nhưng chế độ Mark As Lost sẽ chỉ thực sự được bật nếu thiết bị đang có kết nối với Internet (Wifi/4G).

Note 2: Bạn sẽ thấy có chế độ Erase Data. Nhưng đừng bấm vào đây vội. Mình sẽ giải thích ở phần sau.

3. Đăng xuất toàn bộ các dịch vụ trên máy

Để tránh kẻ gian truy cập được vào các dịch vụ quan trọng nhất, bạn nên đăng xuất hết tài khoản của mình từ xa.

Một số dịch vụ quan trọng:

4. Xóa toàn bộ dữ liệu trên máy

Nếu bạn dùng Android, làm theo hướng dẫn của Google ở link này.

Với các bạn dùng iPhone, nếu bạn cảm thấy dữ liệu trên máy có khả năng hoặc đã bị truy cập, bạn có thể lựa chọn xóa sạch sành sanh mọi thứ trên máy luôn.

Để làm điều này, bạn cần đăng nhập vào iCloud.com > Find iPhone > bấm chọn thiết bị bạn muốn khóa và chọn chế độ Erase.

Lưu ý: Khi đã xóa dữ liệu, thiết bị của bạn sẽ:

  • bị khóa vĩnh viễn và chỉ có thể mở khóa được bằng tài khoản và mật khẩu iCloud (với các bạn dùng Apple) hoặc Google (với các bạn dùng Android) mà bạn đã đăng ký trên chiếc máy đó. Kể cả hacker có muốn bẻ khóa của bạn để bán máy đi cũng phải biết hai thông tin này, bằng không điện thoại của bạn sẽ trở thành một cục gạch, hoặc bị hàn rã xác để bán linh kiện.
  • vẫn có thể được định vị bằng Find My. Bạn vẫn có khả năng tìm lại được.

5. TUYỆT ĐỐI không bấm vào link lạ ??‍♂️

Điều làm mình cắn rứt mãi cho tới ngày hôm nay (2 năm sau đêm định mệnh) đó là mình đã ngu xuẩn đánh mất tài khoản iCloud một cách hết sức dễ dàng (thế mà đòi viết blog công nghệ cơ đếi!!!)

Chuyện thế này: Sau khi mình mất điện thoại 1 tuần, mình nhận được tin nhắn từ một số lạ hỏi rằng mình có phải chủ chiếc iPhone và Macbook mới mất không. Mình mừng rơn, nhắn lại rối rít xin chuộc lại. Phía đó chỉ nhắn rằng sẽ kiểm tra máy xem có đúng của mình không rồi sẽ nhắn cho mình địa chỉ tới chuộc.

(Tới giờ mình vẫn không hiểu vì sao lúc đó mình đọc tới đoạn “kiểm tra máy xem có đúng của mình không” mà mình cũng tin – kiểm tra thế méo nào được?)

Rồi, chỉ vài phút sau, mình nhận được thông báo từ APPLE nói rằng đã định vị được thiết bị đã mất, và nói mình cần phải đăng nhập vào iCloud để xem vị trí – và tin nhắn đi kèm với một đường link. Lúc đó mình chỉ nghĩ:

!@$!%()@$! lạy chúa tôi nhờ phước ăn ở hiền lành mà điện thoại cũng về với chủ

Tên người gửi là APPLE, xong đường link có chữ iCloud thế kia thì ai mà chả tin!! Nguồn ảnh: Kaspersky

Mình đã nhầm 🙂

Ngay sau khi mình nhập tài khoản và mật khẩu iCloud vào đường link lạ kia, kiểm tra lại Find My thì thôi… điện thoại và laptop của mình đã không cánh mà bay. Lúc trước còn thấy hiển thị trong danh sách thiết bị mình sở hữu, bây giờ thì không còn thấy luôn.

Lý do là khi mình khóa máy bằng Mark As Lost (Xem mục số 3), máy mình sẽ chỉ có thể dùng được nếu có tài khoản và mật khẩu iCloud của mình. Do vậy kẻ gian sẽ tìm mọi cách moi được thông tin này để bẻ khóa máy trước và bán máy đi. Còn bẻ không được mới cho mình đến chuộc.

Hóa ra, cái thằng nhắn tin cho mình là chủ tiệm bẻ khóa iPhone. Nó nhắn kiểm tra xem mình có đúng là người sở hữu không. Và cũng chính nó là đứa gửi cái tin nặc danh APPLE cho mình. Ha! Về sau mình gọi lại số của nó thì toàn báo bận. Thế có ngu người không cơ chứ.

Có ba điểm khiến mình không hề mảy may nghi ngờ:

  • Tin nhắn đến từ APPLE. Vâng, APPLE bằng xương bằng thịt các bạn ạ. Về sau mình search mới biết bây giờ hiện tượng giả danh các công ty lớn để gửi tin nhắn xảy ra tràn lan và các nhà mạng viễn thông vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
  • Tin nhắn bằng tiếng Anh, lại xảy ra vào đúng thời điểm mình vừa mất: Nội dung của tin nhắn trùng khớp với hoàn cảnh mất điện thoại của mình
  • Website trông giống hệt trang iCloud: trang web mình điền trông không khác gì web thật của iCloud luôn. Mãi sau này khi mất tài khoản rồi mới nhận ra đường link là giả mạo, search trên mạng cũng một tá người gặp phốt này luôn

Lưu ý: Apple chỉ có 2 địa chỉ web dành cho người sử dụng chính thức là Apple.com và iCloud.com thôi nha, các cái còn lại là fake hết 🙁

Nói chung là ngu, ngu lắm Tuấn Mon ạ. Mong là bạn không gặp phải sai lầm như mình.

Tổng kết

Nếu bạn đã làm đầy đủ các bước trên thì bạn có thể yên tâm hơn nhiều rồi đó! Các bước trên đã đảm bảo (1) kẻ lạ không thể truy cập vào máy bạn, (2) các tài khoản quan trọng đã được đăng xuất hết và (3) kẻ gian sẽ gặp khó khăn trong việc đăng nhập lại các tài khoản đó.

Nếu bạn biết thêm tips tricks nào hay về bảo mật thì comment thêm cho mình và các độc giả khác cùng biết nhé.

Chúc bạn luôn an toàn, và sớm vượt qua nỗi buồn mất mát. Chí ít, bạn vẫn còn giữ lại được thứ quan trọng nhất – nếu không thì bạn đã không ngồi ở đây và đọc bài viết này 😉

Cheers!


Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
  • Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percents

Leave a Reply