Skip to main content

Làm cho điện thoại bảo mật hơn cũng giống mua bảo hiểm: bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào sự chuẩn bị của mình sẽ phát huy tác dụng, nhưng khi có biến cố, bạn sẽ thấy biết ơn vì mình đã chuẩn bị.

Trong số tất cả các chủ đề mình viết trên Many One Percents (và cố gắng giải thích ngoài đời), bảo mật là chủ đề khó nhằn nhất, vì lý do trên.

Chẳng ai tự nhiên nghĩ một ngày mình sẽ bị mất trộm điện thoại cả: “Làm thế nào mà có thể mất được cơ chứ, tớ chỉ có đi từ cơ quan về nhà thôi mà”.

Nhưng điều gì quan trọng thì mình vẫn phải nói. Ngành bảo hiểm đã mất cả mấy chục năm để khiến genZ không còn quá nhiều định kiến. Vậy thì mình càng không được dừng lại.

Sau đây là 7 cách giúp điện thoại của bạn trở nên bảo mật hơn – tăng khả năng tìm thấy, và giảm khả năng lộ thông tin nhạy cảm khi bị mất.

  1. Luôn bật 4G
  2. Tắt Control Center
  3. Đặt mã pin cho SIM
  4. Ẩn tin nhắn thông báo
  5. Sử dụng mật khẩu khác nhau cho mỗi dịch vụ
  6. Sử dụng tính năng Find My
  7. Thiết lập bảo mật hai lớp cho các dịch vụ trực tuyến thông dụng

Ở tất cả các cách trên, mình hướng dẫn cho các bạn sử dụng iPhone (vì mình dùng đồ Apple), nhưng các cách này vẫn áp dụng được cho các bạn sử dụng Android nhé.

Mình cam đoan nếu bạn làm theo đúng hướng dẫn, bạn có thể làm xong 7 cách này trong chưa đầy 5 phút, nhưng sau này bạn sẽ thấy đây là 5 phút bạn đã sử dụng hiệu quả nhất cuộc đời.

1. Luôn bật 4G

? Mục tiêu: để dễ dàng truy cập, điều khiển từ xa nếu điện thoại bị mất

Mình thấy nhiều bạn có thói quen bật wifi thì tắt 4G, và ngược lại, vì lý do “nếu cứ để 4G vậy thì tốn data lắm”. Theo quan sát của mình thì để 4G luôn bật tốn cực kì ít dung lượng.

Lý do: điện thoại bây giờ hạn chế các app chạy ngầm để bảo vệ thời lượng pin, do vậy các app sẽ không dùng data để cập nhật dữ liệu liên tục nữa.

Khi mình luôn để 4G, kết hợp với các cách phía dưới, sẽ giúp mình tăng khả năng tìm được điện thoại khi bị mất, do mình có thể truy cập vào điện thoại đã mất từ các thiết bị khác, mà không cần điện thoại đó phải kết nối wifi.

2. Tắt Control Center

? Mục tiêu: tránh bị tắt 4G, wifi

Control center là các tùy chỉnh của điện thoại mà bạn có thể kéo lên (iPhone 8 trở xuống) hoặc kéo xuống ở ngoài màn hình khóa.

Khi kẻ trộm lấy được điện thoại của bạn, hắn có thể vào Control center để tắt 4G, tắt Wifi để bạn khó định vị được thiết bị của mình, cũng như không thể khóa, xóa hay bật tiếng kêu trên thiết bị đã mất.

Note: Mình dùng từ khó ở đây vì về lý thuyết, iPhone vẫn có thể định vị được khi tắt nguồn (sử dụng bluetooth và các thiết bị Apple xung quanh để xác định tương đối vị trí). Còn nếu iPhone bị chuyển sang chế độ máy bay thì hoàn toàn không thể xác định được.

Vì vậy, mình nghĩ tốt nhất nên bỏ luôn tính năng này ở màn hình khóa.

? Hướng dẫn tắt Control Center: bạn vào Settings (Cài Đặt) > Chọn Face ID & Passcode (hoặc Touch ID & Passcode) > kéo xuống phần cho phép truy cập khi iPhone đang khoá (Allow access within locked) – gạt tắt Control Center đi.

3. Đặt mã Pin cho SIM

? Mục tiêu: tránh mất OTP, tránh lộ danh bạ

Khi kẻ trộm lấy được điện thoại của bạn, hắn có thể tháo sim ra và lắp vào một máy khác để nhận và đọc tin nhắn OTP (vì có thể điện thoại bạn hết pin/bị khóa/tin nhắn ẩn) cũng như truy cập vào danh bạ người thân của bạn (tống tiền, đe dọa).

Khi bạn đặt SIM pin, nếu trộm tắt nguồn và mở máy lại, hoặc gắn SIM đó vào máy khác hắn sẽ buộc phải nhập SIM pin mới dùng được SIM.

? Hướng dẫn cách đặt SIM Pin: mời bạn đọc bài viết này

4. Ẩn tin nhắn thông báo

? Mục tiêu: tránh tin nhắn (đặc biệt là OTP) bị đọc trộm

Nhiều bạn GenZ hay có thói quen xem trước phần tin nhắn thông báo, để có thể luôn đọc được nội dung email, messenger, instagram mà không cần phải mở khóa điện thoại CŨNG NHƯ LÀ seen tin nhắn (yep, lý do tránh phải seen đã được mình kiểm chứng :v)

Sự tiện lợi này cũng đem đến cho kẻ trộm của bạn cơ hội được nhìn thấy mã OTP gửi tới điện thoại của bạn. Mà mã OTP có thể sử dụng để reset mật khẩu của email, facebook và rất nhiều các dịch vụ trực tuyến khác.

Mà kể cả không phải OTP, bạn cũng không muốn tin nhắn của mình bị đọc được bởi một người lạ vô tình đi ngang qua điện thoại, phải không? Đôi khi chỉ là vô tình lướt mắt qua rồi một vài con chữ nhạy cảm đập vào mắt người ta, và thế là toàn bộ sự riêng tư của bạn ra đi trong một nốt nhạc :v

Ảnh: nếu bạn bật chế độ này, khi nhận được tin nhắn, bạn phải mở khóa mới đọc được.

? Hướng dẫn: bạn vào Settings (Cài Đặt) > Notifications (Thông Báo) > Show Previews (xem trước) > chọn When Unlocked (Khi được mở khóa) hoặc Never (Không bao giờ), tùy vào độ bảo mật bạn muốn tới đâu =))

Khi có thông báo, thay vì hiện hết nội dung thì iPhone sẽ ẩn nó đi và bạn chỉ có thể xem được khi mở khóa (nếu bạn chọn When Unlocked) hoặc không xem được nội dung luôn kể cả sau khi mở khóa (nếu bạn chọn Never).

5. Sử dụng mật khẩu khác nhau cho mỗi dịch vụ

? Mục tiêu: để giảm thiểu số dịch vụ bị truy cập nếu lỡ bị lộ mật khẩu

Trong trường hợp xấu nhất: kẻ trộm mở được điện thoại/laptop của bạn, và truy cập được vào các dịch vụ trong máy bạn (mạng xã hội, email, ngân hàng…).

Là một người (đọc Tuanmon.com) thông minh, bạn sẽ đăng xuất ngay khỏi các dịch vụ trên điện thoại từ xa để hắn không thể vào được.

Nhưng lỡ hắn đã kịp thời biết được mật khẩu máy bạn thì sao? (Do bạn lưu trong notes, trong ví, hoặc bạn đặt một mật khẩu quá dễ nhớ như 12345678 hay tên của bạn + ngày tháng năm sinh, hoặc do bạn lỡ tay điền mật khẩu vào một trang web giả mạo?)

Khi đó, bạn sẽ mất tất cả.

Nguồn ảnh: Đồ chơi chữ

Sự tiện lợi của một-mật-khẩu-cho-tất-cả-dịch-vụ sẽ đến cùng nguy cơ bạn có thể bị mất quyền truy cập tới tất cả các dịch vụ dùng chung mật khẩu đó, tệ hơn là những thông tin giá trị nhất của bạn cũng đi toong luôn.

Nếu bạn cảm thấy cái giá này quá cao, bạn có thể sử dụng nhiều mật khẩu khác nhau cho mỗi dịch vụ. Bạn không cần phải nhớ các mật khẩu đó, vì bây giờ đã có các phần mềm quản lý mật khẩu chuyên biệt rồi.

Mình đã viết rất sâu về lý do tại sao nên dùng các phần mềm quản lý mật khẩu tại đây:

6. Sử dụng tính năng Find My (must!)

? Mục tiêu: Tìm lại dế yêu chứ còn gì nữa ?

Find My có lẽ là tính năng tuyệt vời nhất mà Apple từng phát minh ra. Nó giúp bạn định vị các thiết bị thuộc hệ sinh thái Apple ngay cả khi chúng đã bị tắt nguồn/ hết pin. Không những vậy, bạn có thể chia sẻ location của mình cho người thân thông qua ứng dụng này (rất hữu dụng cho các chuyến đi phượt xa, nguy hiểm)

Để bật Find My cho các thiết bị của Apple, mời bạn đọc bài viết dưới đây:

7. Thiết lập bảo mật hai lớp cho các dịch vụ trực tuyến quan trọng (must!)

? Mục tiêu: Tránh bị hack mất tài khoản

Bảo mật hai lớp (hay 2-factor authentication hay 2FA) là giải pháp tạo thêm một bước xác thực sau khi đăng nhập thành công bằng mật khẩu hoặc sinh trắc học. Thông thường nhất, 2FA yêu cầu người dùng phải nhập thêm mã xác thực (dạng mã PIN 6-7 chữ số hoặc mã OTP – One Time Password, được gửi qua email/sms) thì mới đăng nhập hoặc thực hiện được giao dịch.

2FA được sinh ra để tránh kẻ gian đăng nhập được vào tài khoản của bạn kể cả khi hắn biết password. Do vậy, đây là một bước không thể thiếu nếu bạn muốn đảm bảo tài khoản của mình được an toàn.

Để bật 2FA, mời bạn tham khảo các bài viết sau:

Tổng kết

Trong mấy cách trên thì mình tâm đắc nhất cái vụ tắt Control Center, tính năng hay như thế mà Apple không thông báo rộng rãi hơn. Thực ra bây giờ có faceID hết rồi thì chỉ cần mở khóa là dùng được ngay thôi, nên nếu bạn nghĩ là bất tiện thì cứ thử đôi ba lần xem sao nhé!

Hi vọng bài viết này sẽ có ích cho bạn hoặc một ai đó mà bạn nghĩ sẽ cần 😉


Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
  • Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percents

Leave a Reply