Skip to main content

Trong các sản phẩm công nghệ giúp nâng cao năng suất con người thì Blinkist là ứng dụng làm cho mình thấy rùng mình nhất (:cringe:)

Nếu bạn chưa biết: Blinkist là một ứng dụng tóm tắt sách và podcasts với hơn 5000 đầu sách bán chạy nhất trên thế giới.

Mặc dù không thể phủ nhận về độ hoàn thiện về sản phẩm cũng như những thành công mà startup này đạt được, mình cảm thấy bức xúc về cách Blinkist đang marketing về sản phẩm.

Đầu tiên, chúng ta hãy bắt đầu với bài blog post này trước:

Trong bài blog này, tác giả đã khoe rằng cô đọc được tới hơn 100 đầu sách một tháng, một điều cô đã không thể làm được nếu thiếu Blinkist.

Hm. Hãy nói về câu chuyện đọc.

“Đọc 100 cuốn sách” khác với việc “đọc và nghe tóm tắt của 100 cuốn sách”.

Đọc một cuốn sách là chúng ta đi qua từng trang sách, tự nghiền ngẫm, suy nghĩ về nội dung, kết nối với những kiến thức chúng ta đã biết, phản biện những thứ chúng ta thấy sai, và kết thúc cuốn sách với những bài học do chúng ta tự rút ra.

Trong khi đó, thứ Blinkist mang lại cho chúng ta là góc nhìn của một người khác về toàn bộ nội dung của một cuốn sách. Không có sự suy nghĩ, không có sự phản biện, không có sự tò mò (và đi tìm hiểu thêm), không có giây phút “aha” khi ta khám phá ra gì đó mới.

Nếu như vậy, làm ơn hãy dùng chính xác từ ngữ để mô tả trải nghiệm của người dùng đối với sách, Blinkist. Dùng từ “Read 100 books” có thể làm cho người dùng hiểu nhầm rằng đọc tóm tắt cũng như đọc sách vậy.

Tiếp theo là con số 100.

Trong bối cảnh của việc đánh tráo khái niệm “đọc” và “đọc tóm tắt”, thì con số 100 này làm mình cảm thấy ngờ vực.

Và đó không phải là lần duy nhất Blinkist sử dụng những con số để đánh bóng cho sức mạnh của app:

Blinkist không trực tiếp nói rằng đọc càng nhiều sách trong một khoảng thời gian càng tốt, nhưng mình cảm thấy những bài blog post và quảng cáo của Blinkist đang ám chỉ điều này. Câu hỏi “Ever read 4 books in a day” không khác gì một lời thách thức, hoặc một lời “kiểm tra” khả năng của mình, với một mệnh đề ngầm rằng đa số mọi người đang đọc ít hơn con số đó.

Nếu không đạt được đến 4 quyển sách trong một ngày thì sao? Trong số 4 quyển sách đó (hay 100 quyển/tháng), chúng ta sẽ học được bao nhiêu, và áp dụng được bao nhiêu trong cuộc sống?

Mình nghĩ là không dễ. 100 quyển/tháng nghĩa là mỗi ngày chúng ta có ít nhất 3-4 “bài học chính” cần phải suy nghĩ và áp dụng trong thực tế. Chưa áp dụng xong hôm sau lại có 3-4 bài học khác cần làm. Và khi mà chúng ta sẽ quên tới 70% những gì mình học được sau 24 giờ nếu không được review lại, việc tiếp tục nhớ được 3-4 bài học sau 1 tuần và 1 tháng là bất khả thi.

Chưa kể, đây là những bài học được chọn lọc và rút gọn tối đa. Như vậy chắc chắn là những gì chúng ta nhận được từ một quyển sách (chưa tính áp dụng được hay không) sẽ không hề trọn vẹn.

Việc Blinkist sử dụng con số tạo ra một suy nghĩ sai lệch cho người mới sử dụng: phải đọc nhiều mới là tốt.

Đọc nhiều nhưng học được bao nhiêu?

Mình tin rằng bất cứ ai trả tiền cho một ứng dụng tóm tắt sách cũng mong muốn được học một điều gì đó (và như những gì Blinkist quảng cáo thì phải “học cho ra trò đó nha!”)

Nhưng học thế nào khi tất cả những gì chúng ta có là tóm tắt?

Các bài tóm tắt đã làm việc khó nhất khi đọc một quyển sách: đọc và hiểu được ý của tác giả từ đầu tới cuối, tổng hợp và khái quát hóa lại thành những ý chính, sắp xếp và giải thích lại những ý chính đó theo cách hiểu của người tóm tắt ở ngôn ngữ mà đa số đều có thể tiếp cận được.

Chính sự khó khăn này (bên cạnh những “aha moment” mà chỉ tự chúng ta có được khi đọc sách), mới làm chúng ta nhớ kĩ về những gì mình đang học. Trong khoa học thì điều này được gọi là “desirable difficulty in learning”, và nó đã được chứng minh là giúp chúng ta hiểu kiến thức sâu hơn, và nhớ lâu hơn, và được chứng minh không chỉ một lần và bởi một người.

Điều này cũng tương tự như khi chúng ta kể chuyện cho một ai đó nghe. Chúng ta sẽ chỉ nhớ về những chi tiết gay cấn nhất, căng thẳng nhất, kì cục nhất, quái dị nhất, khó khăn nhất mà chúng ta phải trải qua/vượt qua. Còn những thứ khác sẽ chỉ là tiểu tiết.

So sánh với Bill Gates???

Đây không phải bài blog post duy nhất với nội dung kiểu này trên blog của Blinkist (nếu không thì chẳng hóa ra là mình chỉ đang cố bới lông tìm cách dìm hàng Blinkist :v). Đây là bài blog thứ hai khiến cho mình cảm thấy khá bực

Nguồn: Blinkist

Blinkist dành hẳn một bài để chứng minh rằng những người thành công như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Warren Buffet đều đọc rất nhiều sách. Và một lần nữa, những con số sẽ làm bạn ấn tượng:

88% of financially successful people read at least 30 mins per day

Mọi thứ vẫn rất ô kê cho đến khi Blinkist kêu gọi bạn tải ứng dụng vì nó sẽ giúp cho bạn trở nên giống Buffet hơn:

So, how can you be more like Buffett and get into the habit of reading and on the path to success? Let technology help!

So why not join the likes of Buffett, Gates and Palepu by downloading the Blinkist app now. Begin reading your way to success, today!

Nói như vậy thì khác nào so sánh tương đương giữa việc đọc toàn bộ một quyển sách từ đầu tới cuối với việc đọc một phần tóm tắt rất thiếu khách quan và không trọn vẹn của một quyển sách ?

Nội dung đọc đã khác nhau, trải nghiệm đọc cũng khác nhau nữa. Bill Gates dành ra hơn 1 tiếng mỗi tối chỉ để đọc sách, trong khi người sử dụng của Blinkist thì vừa nghe tóm tắt vừa nấu ăn, vừa tắm, hay tranh thủ đọc trong lúc đợi tàu, đợi đồ ăn… Tóm tắt sách đã giản lược giá trị rồi, giờ vừa nghe vừa làm một việc khác thì sẽ rớt đi bao nhiêu không biết.

Và cuối cùng là một quảng cáo hết sức vô duyên

“All” nghĩa là tất cả.
“Intellectuals” là những người có học thức.

Dịch: Blinkist là ứng dụng được tất cả những người có học thức sử dụng tại nhà.
Tôi không dùng Blinkist đấy, hẳn tôi phải là một kẻ vô học lắm phỏng?

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
  • Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percent

Leave a Reply