Khi mới bắt đầu đi làm, chúng ta thường tập trung phát triển kinh nghiệm và tư duy. Chúng ta ghi chép lại mọi thứ mình nghe và đọc. Chúng ta tìm các phương pháp ghi chú hiệu quả hơn (như Zettelkasten), để phần nào cảm thấy yên tâm là mình đã được trang bị tối tân nhất để “ra trận”.
Nhưng làm thế nào để chúng ta biết rằng mình đã tư duy tốt hơn (nhờ việc ghi chép)?
Cedric (Founder của CommonCog) đã hỏi mình như vậy, và nó thực sự đã làm mình trăn trở vô cùng nhiều. Sau một thời gian tìm hiểu, mình quyết định đo đạc sự phát triển trong tư duy của mình dựa trên một thông số (khá tín): số lượng Evergreen notes theo thời gian.
Ở đây không ám chỉ Evergreen notes là công cụ duy nhất để đo đạc sự phát triển trong tư duy. Nó chỉ áp dụng với những người thích ghi chú như mình.
Evergreen notes là gì? ?
Evergreen notes, hay permanent notes, được Andy Matuschak, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực quản lý kiến thức cá nhân định nghĩa như sau:
“A fundamental unit of knowledge work. They are a way to build up a personal library of clear opinions, beliefs, and original thoughts”
Vắn tắt:
“Evergreen notes là đơn vị nhỏ nhất của kiến thức. Nó là những quan điểm, niềm tin, suy nghĩ nguyên bản của bạn.”
Hiểu đơn giản thì trong quá trình học tập, chúng ta sẽ thu lượm được nhiều bằng chứng, dữ liệu, manh mối, để từ đó rút ra được những bài học, học thuyết cho riêng mình. Mỗi học thuyết như vậy sẽ được ghi chép thành 01 Evergreen note.
Gọi là “Evergreen” (luôn tươi xanh) vì đây là những ghi chú sẽ được chúng ta bổ sung, phản biện theo thời gian dựa trên nghiên cứu hoặc trải nghiệm thực tế. Đây chính là phong cách ghi chú của người làm vườn.
Lý thuyết đủ rồi, ví dụ nào
Trong quá trình sử dụng Obsidian và áp dụng phương pháp ghi chú Zettelkasten (là gì?), nhiều bạn lăn tăn không biết khi nào sẽ tách phần ghi chú của mình ra thành các Evergreen notes.
Theo kinh nghiệm của mình, có 2 loại Evergreen notes cơ bản: Concept-based và Opinion-based.
1. Concept-based
Concept là một tên gọi chung để ám chỉ một vật thể/ý tưởng gì đó đã được số đông công nhận. Ví dụ đơn giản nhất là trong lập trình: có những tên gọi đã được quy định sẵn như JavaScript hay C++ (ngôn ngữ lập trình), hoặc khái niệm như Lập trình hướng đối tượng (Object Oriented Programming). Những cái tên này đều được gọi là concept và có thể được tách riêng thành một Evergreen note.
Một vài ví dụ khác có thể kể tới: tên công ty, tên phương pháp, khái niệm trong cuộc sống. Ví dụ mình có note về một số công ty lớn như Apple, Spotify, trong đó mình lưu lại các thông tin, câu chuyện thú vị về quá trình phát triển, sản phẩm, scandal…
2. Opinion-based
Như tên gọi, những ghi chú nào thuộc dạng quan điểm (của bạn), giả thuyết, niềm tin, chưa được chứng minh hoặc công nhận bởi đa số, sẽ thuộc nhóm này.
Ví dụ, có nhiều người lăn tăn giữa việc trở thành generalist (giỏi toàn diện) và specialist (chuyên gia). Mình lựa chọn cái thứ hai, vì niềm tin của mình là sự tập trung sẽ phù hợp hơn (trong trường hợp của mình). Và từ đó một note ra đời:
Vì sao số lượng Evergreen notes lại thể hiện sự phát triển trong suy nghĩ ?
Thứ nhất, vì Evergreen notes là thành quả của sự tổng hợp và chắt lọc dữ liệu.
Một Evergreen note mới được sinh ra, dù là concept-based hay opinion-based, đều có nghĩa là chúng ta đã phải đọc và học nhiều thứ mới đi đến được nó. Evergreen notes không hề tồn tại độc lập, mà nó là kết quả của rất nhiều Literature notes và Fleeting notes (đọc thêm về 2 loại note này tại bài viết Phương pháp ghi chú Zettelkasten)
Nếu so sánh Evergreen notes là một chiếc Macbook Pro M1 ngày nay, thì Literature notes và Fleeting notes chính là từng con chip, thanh RAM, phím bấm. Nhìn vào chiếc MBP M1, và so với chiếc PowerBook 100 xách tay đời đầu tiên, chúng ta có thể thấy công nghệ đã phát triển xa tới mức nào. Một Evergreen note tuy ngắn nhưng để ra được nó là cả một quá trình suy nghĩ, lập luận.
Thứ hai, vì Evergreen notes là nền tảng cho suy nghĩ trong tương lai.
Về điều này, chúng ta cần quay trở lại định nghĩa của Evergreen note: chúng là những concept, học thuyết, quan điểm, suy luận của bản thân chúng ta. Những concept, học thuyết này sẽ định hình cách chúng ta nhìn nhận thế giới.
Có càng nhiều concept và học thuyết như vậy, chúng ta càng có một nền tảng tư duy rộng và chắc, từ đó học càng nhanh. Rõ ràng rồi, vì việc học, suy cho cùng, chỉ là dựa trên những gì chúng ta đã biết để lý giải một điều gì đó mới mà thôi. Học càng nhanh, thì chúng ta lại càng hiểu biết, và từ đó chúng ta nhìn thấy nhiều thứ hơn, từ nhiều góc độ hơn.
Cấu trúc của Evergreen notes
Thực ra Evergreen notes không có một cấu trúc nào gọi là đúng nhất cả, và cấu trúc dưới đây cũng chỉ là thí nghiệm của mình. Tính tới thời điểm này mình cảm thấy rằng cấu trúc này là hợp lý nhất, vì nó cho phép mình
(1) thoải mái thêm thắt các nội dung mới (nghiên cứu, hoặc suy nghĩ cá nhân)
(2) dễ dàng đọc và hiểu nội dung của note
Một Evergreen note của mình sẽ gồm 3 phần:
- Key takeaways
- Literature notes
- Fleeting notes
Hãy thử lấy một note này của mình làm ví dụ.
1. Key takeaways
Key takeaways là phần lý giải của mình về nội dung của note này. Mình thường cố gắng giữ cho phần này ngắn gọn, để dành không gian cho hai phần dưới (quan trọng hơn).
2. Literature notes
Literature notes là những gì mình tổng hợp từ nội dung của sách, báo, podcast mình tiêu thụ. Gọi là tổng hợp vì mình chỉ đọc và tóm tắt lại theo ý hiểu của mình thôi, chứ không tự nghĩ ra.
Ở phần này mình chia làm hai loại (Support) – những note ủng hộ cho giả thuyết của mình và (Against) – những note phản biện lại giả thuyết này.
Ví dụ, Evergreen note của có nội dung là: “Sự đơn giản nhưng có quan điểm tốt hơn là sự đa dạng mà thiếu điểm nhấn”
Trong quá trình mình ghi chú, mình có đọc được câu chuyện của marketing của app HEY!: nó rất viral chỉ vì co-founder David Heinemeier Hansson có rất nhiều quan điểm gây tranh cãi trên mạng. Mặc dù anh này nhận rất nhiều gạch đá, nhưng những ai ủng hộ anh thì lại cực kì trung thành. Vì vậy, khi anh ra mắt HEY!, nó đã ngay lập tức nhận được rất nhiều lượt đăng ký. Mình có ghi chú lại điều này và để nó ở phần (Support)
Đồng thời, mình cũng đọc được câu chuyện về CEO của Netflix – Reed Hastings. Chính ông là người đã phản đối việc quảng cáo trên Netflix, vì muốn đem lại trải nghiệm người dùng tốt, và quả thực lựa chọn này đã góp phần rất lớn giúp Netflix có tỉ lệ hủy đăng ký rất thấp (chưa tới 2% mỗi tháng). Cũng là Reeds, khi thấy Netflix của mình mất tới hơn 200,000 người sử dụng trong quý đầu 2022, đã quyết định đưa quảng cáo trở lại, và lần này cũng với một quan điểm kiên định (hơi khác ban đầu tí :D):
Those who have followed Netflix know that I have been against the complexity of advertising and a big fan of the simplicity of subscription. But as much as I am a fan of that, I’m an even bigger fan of consumer choice.”
Câu chuyện này mình để ở phần (Against).
3. Fleeting notes
Fleeting notes là nơi ghi chú lại những suy nghĩ thô nhất của mình về chủ đề này. Nó không nhất thiết phải quá liên quan tới chủ đề. Chỉ cần mình thấy có sự liên hệ, là mình viết lại vào đây hết.
Ví dụ, mình thấy việc có chính kiến rõ ràng về một vấn đề gì đó giúp cho một người kể chuyện tốt hơn. Nó không liên quan trực tiếp tới tranh luận chính (có chính kiến vs trung lập), nhưng mình nghĩ nó sẽ là một liên kết rất có giá trị trong tương lai (có thể làm thành một bài blog?)
Rồi, giờ sao?
Mình thấy Zettelkasten vui nhất là ở đoạn tạo Evergreen note, và tìm ra mối liên hệ giữa giả thuyết của mình với những gì mình từng lưu lại trong quá khứ. Cái cảm giác liên kết được nhiều ghi chú từ cái thưở nào nó đã lắm lắm lắm.
Mỗi một Evergreen note được tạo ra là một tiền đề cho một Evergreen note mới trong tương lai. Những Evergreen notes này tạo cho mình một cơ sở lý luận độc lập và nguyên bản, và là điểm mấu chốt kết nối những kiến thức nhỏ lẻ và suy nghĩ manh nha của mình thành một bức tranh lớn hơn.
Nếu bạn thấy quen thuộc, thì đúng, đây chính là một trong những phương pháp giúp mình hiếm khi bị bí ý tưởng để viết bài trên Many One Percents. Evergreen notes đại diện cho chủ nghĩa Writing from Abundance (viết từ sự trù phú) mà mình luôn tin tưởng. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ nghĩa này, bạn có thể đăng ký tham gia lớp Writing on The Net mà mình sẽ tổ chức vào tháng 6, 2022 tới nhé!
—
Đăng ký nhận Newsletter
Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.
Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:
- Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
- Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
- Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
- Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
- Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percents
Cảm ơn bạn, thật bất ngờ khi tìm được 1 nơi chia sẻ về Evergreen notes bằng tiếng Việt thế này. Cho mình hỏi, bạn có viết notes bằng tiếng Việt không, và nếu có thì dựa vào đâu để chọn tiếng tiếng Anh hay Việt cho 1 định nghĩa nào đó?
theo cách notes của Tuấn thì có 2 ý
1. evergreen notes sẽ được update liên tục?
2. evergreen notes đôi khi viết cho cả những thứ dễ dàng tìm được trên wikipedia như “OOP”?