Thông tin cơ bản: Chuyến trekking Lảo Thẩn này kéo dài 2 ngày 1 đêm, khởi hành từ đêm ngày 17/02 và kết thúc rạng sáng ngày 21/02. Mình đi với giá 2.5tr full tour bao gồm toàn bộ tiền xe, ăn ở trên lán, ăn phở, lẩu cá tầm homestay, tắm lá dao. Bạn có thể book tour tại người anh Khôi đẹp trai tay dẻo, cứ nói bạn Tuấn Mon là sẽ auto được ưu ái. Ưu ái đến đâu thì tùy duyên.
Chuyến đi bắt đầu từ 2 tháng trước
Sau chuyến Tà Chì Nhù năm ngoái, mình nghiện luôn bộ môn trekking.
Ngay sau khi trở về từ chuyến đi, mình đã hỏi anh em công ty về chuyến đi tiếp theo luôn. Mở màn là câu hỏi ngày 14/12 mang tính gây tò mò. Cái này gọi là tạo awareness.
Sau câu hỏi này, mình không nhắc lại về trekking với anh em công ty nữa. Một tháng trước chuyến đi, mình lại trồi lên, với những video siêu ảo từ Hội đam mê leo núi. Lần này, mình đưa ra nhiều chi tiết hơn để anh em bắt đầu suy nghĩ. Cái này gọi là acquisition.
Trong thời gian này, mình đi vận động hành lang từng cá nhân muốn ra Hà Nội nhưng chưa có cơ hội nà (no pun intended), đồng thời mời thêm bạn bè để số lượng đi có vẻ đông đảo. Sau khoảng 2-3 tuần, mình đưa ra một lời đề nghị không thể cưỡng lại để các nhân vật còn đang lưỡng lự để “chốt deal”. Cái này là bước activation.
Cuối cùng, mình đã mời được tổng cộng 15 người, trong đó có 2 bạn của mình, và 13 người trong công ty, một con số nhiều hơn rất nhiều so với mình dự kiến (•̀ᴗ•́ )و ̑̑
Thế là chuyến đi bắt đầu.
Vui
Chuyến đi này vui. Rất vui.
Vui vì mình vừa được làm điều mình thích (trekking), vừa được làm cùng những người mình yêu quý (bạn mình và các anh chị em Holistics).
Vui vì lần này mình đã chuẩn bị kĩ lưỡng, thế nên leo như ngựa, không gặp chấn thương, cũng không bị co cơ chuột rút. Nếu bạn nhớ quả căng hai cơ đùi rút hai cơ bắp chân của mình chuyến Tà Chì Nhù, đây là một sự tiến bộ đáng để mình tự hào.
Vui vì mình đã thiết lập được một giới hạn mới cho bản thân. Ngày đầu tiên mình đã leo thẳng tới đỉnh, rồi xuống lán nghỉ. Ngày thứ hai mình lại leo lên đỉnh một lần nữa, xuống lán nghỉ một tiếng, rồi lại đi một lèo xuống chân núi luôn. Khỏe re.
Dĩ nhiên, Lảo Thẩn dễ hơn Tà Chì Nhù: độ dốc thấp hơn, cung đường ngắn hơn, nhưng ngay cả lần đầu cho mình đi Lảo Thẩn mình cũng chưa chắc làm được như vậy.
Vui một cái nữa: lần này mình còn đủ sức kéo bạn mình lúc lên núi, và đỡ bạn mình lúc xuống núi. Mình nhìn thấy hình ảnh của mình ở chuyến đi lần trước trong các bạn, và (không phải dìm hàng các bạn :v) nhưng mình cảm thấy tuhaovl.
Và cuối cùng là một cái vui nữa: chuyến đi này vừa sức với anh em đoàn mình. Mọi người đi về không gặp chấn thương, không bị xây xát, và tận hưởng trọn vẹn cả chuyến đi. Hơn nữa là mọi người đã được thưởng thức đủ loại “gia vị” núi rừng :)) từ nắng to, tới mưa rào, từ sương mù, tới mây trắng muốt như kẹo bông. Với tư cách là người lên kế hoạch cho cả chuyến, mình không thể mong đợi gì hơn.
Nắng
Khá may cho đoàn mình là hôm đầu tiên trời quang mây tạnh, vừa nắng lại vừa lạnh nên đi cảm giác rất thoải mái. Một áo phông và một áo gió là nhòe.
Vì có nắng nên sau bữa trưa, đoàn mình di chuyển thêm 45p là đã gặp biển mây. Đi thêm khoảng 30-45p nữa thì cả đoàn gặp một vách đá siêu siêu đẹp để sống ảo. Biển mây nhìn từ góc này đẹp không còn gì bằng.
Đây cũng là đoạn có mỏm đá để chụp bức ảnh “Tiên ông câu cá” huyền thoại mà bất kì một trang web du lịch quảng bá về Lảo Thẩn nào cũng phải có. Nhìn trên hình tưởng leo ra đây dễ, nhưng kì thực là vô cùng khó khăn. Mỏm đá đã nhỏ, lối leo ra không có chỗ bám chân nên bắt buộc phải đu người lên bằng đầu gối, và vịn vào vách đá mà giữ cho khỏi rơi. RƠI ấy không đùa đâu.
Trèo khó là một chuyện, gió lại còn to. Gió ở đây thổi chẳng ra cái thể thống gì cả, phần phật đập từ bên này qua bên kia. Mỏm đá đã bé, mông mình thì chẳng nhiều nhặn bao nhiêu, lúc ngồi cứ phải thít hai cánh mông lại, gồng đùi, kẹp chân vào như kiểu ngồi mấy cái đu quay con ngựa ngày xưa ấy.
Giờ mới thấy mấy bài tập mông quan trọng.
Quay trái là vực, quay phải cũng là vực, nghiêng người một cái thì sợ đúng chiều gió nó hất mình xuống vực. Gọi là vực cũng không phải bởi vì ở dưới chỉ thấy mỗi mây trắng toát. Thực ra ông nào gan đến mức dám leo ra đây rồi thì về lý thuyết các ông cũng đã ở trên chín tầng mây. Lỡ mà có rơi xuống thì thực ra hồn cũng về lại chỗ cũ mà thôi.
Lúc xuống còn khó hơn leo lên, vì không nhìn thấy chỗ để tựa chân vào, hụt một cái mất đà là về với các cụ. Chỗ này toàn đá trơn, không có mấu để vịn, chân mà ngắn nữa thì thôi luôn. Nên có một người đứng cạnh để đỡ, hoặc là để chỉ cho chỗ mà tụt xuống. Nói thật lúc mình xuống mình sợ kinh khủng, run hết cả tay chân. Sau khi ra khỏi chỗ này thì mới nhận ra lúc xuống ghìm vào đá mạnh quá chảy cả máu chân, và đó là vết thương duy nhất của toàn bộ chuyến đi này :v
Ông nào lom dom chưa ăn sáng hay sợ độ cao thì thôi tốt nhất khỏi leo ra đây. Khuyên chân thành.
Đúc kết từ bản thân và nhiều người đi Lảo Thẩn: đáng để thử một lần CHO BIẾT mà thôi.
Gió
Lảo Thẩn toàn đồi trọc, nên gió kinh khủng khiếp, và lạnh. Khoảng 1-2h tiếng đầu mình chỉ mặc có áo cộc, bởi đường chỉ dốc nhẹ và vẫn còn nằm khuất ngang núi. Sau bữa trưa, đường dốc hơn, bắt đầu vượt quá tầm vài ngọn núi, là bắt đầu gió gào rú khắp mọi nơi. Mặc dù người toàn mồ hôi nhưng mình không dám mặc áo phông không vì sợ trúng gió cảm lạnh. Lúc này mới thấy cái áo gió có tác dụng như thế nào. Mỏng, nhẹ, nhưng mặc lên một phát ấm rõ rệt luôn.
Từ lán lên đến đỉnh thì chỉ có mỗi gió.
Gió ào ào. Gió ầm ầm. Gió vun vút.
Gió mạnh tới mức nếu bước không vững là đổ người cái rụp. Bạn nào có mũ lưỡi chai thì nhớ đội ngược lại, hoặc mũ khác thì buộc lại không thì thế nào cũng bay mất.
Gió mạnh tới mức gào lên cũng chỉ nghe loáng thoáng người kia nói gì.
Gió lớn, luồn lách qua những chiếc lỗ nhỏ trên cây gậy trekking, kêu không khác gì tiếng sáo. Chỉ khác tiếng sáo này rít liên tục và ở những nốt một cái phổi bình thường khó có thể mà thổi được.
Kinh nghiệm xương máu: điện thoại nên có cái dây đeo vào cổ, lúc chụp ảnh gió thổi to mà bị trượt tay thì không rơi mất.
Mưa
Khác với chuyến Tà Chì Nhù, chuyến này càng lên đỉnh thì lại càng chẳng thấy gì cả. Mây mù thập diện mai phục, nhìn đâu cũng chỉ thấy xám ngoét.
Mây mù kết hợp với gió tạo thành một combo khá ảo, cảm giác vừa leo mà vừa có khói khói bay quanh mình như diễn viên chính đúng đoạn nguy hiểm bước ra vậy á =))
Và điều gì tới cũng phải tới: Mưa rào.
Đoàn mình gặp mưa ngay khi vừa đặt chân lên đỉnh Lảo Thẩn. Chỉ kịp chụp vài tấm lấy kỉ niệm rồi ai nấy đều lúi húi mặc áo mưa để chạy xuống núi.
Mưa to, cộng với gió, cảm giác cứ như bão. Mưa tạt phèn phẹt vào mặt, mờ hết kính. Mấy cái áo mưa giấy thực ra cũng chỉ cho có thôi, nhất là với mấy đứa người quá khổ như mình. Không rách mông thì cũng rách háng, nói chung thế nào nước mưa cũng tìm được đường vào tận trong cùng.
Nhưng đó không phải là điều tệ nhất.
Mưa to, đường xuống khó x100 lần.
Dẫm vào đâu cũng cảm thấy không chắc chắn vì sợ bị trượt ngã. Ai vồ ếch một lần rồi thì càng sợ. Nó sình hẳn xuống thì chẳng sao. Đằng này có cứ trơn tuồn tuột, mà dốc thì lại thẳng đứng, tụt một phát không ai giữ lại là mình gặp nhau nơi cuối con đồi. Thực ra mình không sợ ngã bằng sợ “cái gì xảy ra sau đó”, ví dụ: “nhỡ như bị trượt chân ngã xuống vực thì sao”.
Có cái đoạn này, lúc lên đâu chỉ có vài nhịp thở là xong, mà lúc xuống cả đoàn mất tới 30 phút mới vượt qua. Lúc xuống mà nước cứ chảy xối xả thành dòng dưới chân, chỉ sợ nó ủn mình xuống theo lúc nào không biết.
Con đường trekking mà có cơn mưa cảm giác cứ như một con đường mới, đi vừa lạ vừa cứ gai gai người.
Kinh nghiệm dắt túi lúc trời mưa: Hạ thấp người xuống, đi ngang chân, lấy gậy chọc trước xem có phải sình không, lúc xuống thì dồn lực vào cái gậy chứ đừng vào chân thì đỡ té.
Những con đèo
Mình đã tính kết thúc bài viết ở đây cho đến khi chợt nhớ về những con đèo. Xin lưu ý nho nhỏ thế này: bạn sẽ phải đi tầm 70km đường đèo từ Sapa cho tới chân núi để bắt đầu leo, và đoạn đường này sẽ kiểm tra xem bạn có đủ tư cách gặp chị Huệ hay không.
Nếu có, xin chúc mừng, hãy chuẩn bị thật nhiều túi nilon và một vỉ thuốc chống say xe. Đường từ Sapa tới chân núi chỉ có đèo với đèo, đường xấu, xóc, nhiều đoạn cua tay áo, tài xế lại phóng nhanh, thành ra nếu bạn đủ tư cách là chị Huệ sẽ ghé thăm liền chỉ trong vài phút chứ chưa cần tới cả giờ đồng hồ. Mà nhớ nghen, chuẩn bị sẵn túi nilon trong túi áo, cần là mình phun luôn, chứ lúc buồn nôn rồi mới hỏi xin túi thì đã quá trễ. Phun đúng đoạn cua thì lực li tâm sẽ tặng cho những người xung quanh bạn một nồi chè thơm phức.
Nếu bạn chưa đủ tư cách gặp chị Huệ, càng chúc mừng bạn hơn! Đây là thời điểm tuyệt vời để bạn (thay vì nôn thì) chứng kiến khả năng lái xe điệu nghệ của những người tài xế vùng núi phía bắc. Theo như mình được kể lại, tài xế xe của mình có trình độ thượng thừa siêu cấp, vượt xe tải trên đèo ngay đoạn cua mà vẫn giữ nguyên tốc độ, tránh xe đi ngược chiều mà chỉ cách vài cm, phóng nhanh vượt ẩu mà đi mãi không đâm trúng một ai (hay con gì). Có lẽ với một vài người còn tỉnh táo trong đoàn mình, thì đây mới là trải nghiệm hãi hùng hơn cả, chứ không phải như dăm ba cái vách núi mà mình đã leo.
Việc đi đèo này là điều không hấp dẫn nhất với mình trong cả chuyến đi. Nhiều khi ngồi vất vưởng trên xe cứ nghĩ liệu lúc leo có xứng đáng với công mình liverphun nãy giờ hay không nữa, mà nếu chuyến trek nào cũng thế này thì có mà mệt chết đi được.
Buồn cười, hôm thứ hai lúc leo gần xuống tới nơi, có anh trong đoàn mình vội vã dừng chân và bảo mình đợi để “cắn thuốc” trước khi lên xe. May mà có ổng nhắc, chứ không chắc là mình cũng quên.
Chuẩn bị lần này có khác lần trước?
Lảo Thẩn là cung trek được gợi ý nhiều nhất dành cho các bạn lần đầu thử sức với trekking. Có ba món mà khi đoàn mình trở về đều tấm tắc khen ngợi:
- Gậy leo núi
- Giày trekking
- Bó gối
Giày trekking thì có lẽ khỏi phải bàn tới. Còn cái bó gối và gậy leo núi thì đúng là tuyệt phẩm. Mình leo với anh S, ảnh kêu “Cái gậy trek đúng là thứ phát minh vĩ đại nhất dành cho trekking, không có cái này chắc anh không leo nổi tới đỉnh”. Mình xuống núi với chị D, chị kêu: “May có cái bó gối chứ không thì chắc giờ này chị không đi được”
Bên cạnh ba món đồ này và các món đồ cơ bản khác khi đi trekking, mình còn thấy việc mang thật nhiều tất là vô cùng quan trọng. Lúc từ đỉnh xuống mưa tầm tã, cả giày cả tất đều ướt. Giày thì khó thay, buộc phải đi ướt tiếp. Tất dễ thay hơn, thay được thì nên thay, chứ đi ướt lõng bõng như nuôi cá trong giày, khó chịu lắm.
Đặc biệt ai mà lỡ nhúng chân vào bùn lầy như bạn Đ.N, bẩn từ trong ra ngoài, thì bắt buộc phải thay tất chứ không là thối chân. À đấy nói đến thối chân thì bạn có thể chuẩn bị một đôi dép lê để sau khi xuống núi đi cho thoải mái, phòng trường hợp giày bị ướt thì còn có cái mà đi.
Mà nếu sợ bẩn giày bẩn tất thì trước khi leo có thể sắm thêm đôi ủng, vô địch thiên hạ luôn. Mình thì chưa leo ủng bao giờ nên cũng không biết là có chắc chân hay không, cơ mà anh Lead đoàn mình thì bảo là đi ủng còn dễ thối chân hơn vì mồ hôi không thoát đi đâu được. Đáng suy ngẫm.
Túm quần
Lảo Thẩn sẽ phù hợp với những bạn muốn thử sức với bộ môn trekking, theo đúng nghĩa là leo để hiểu trekking có cái gì. Còn nếu bạn muốn vãn cảnh, trải nghiệm các địa hình khác nhau, thì có lẽ bạn nên lựa chọn Tà Chì Nhù, Nhìu Cồ San hay Putaleng.
Nói gì thì nói, lần này đi vẫn ưng cái bụng lắm lắm. Được trải nghiệm đầy đủ nắng mưa gió lớn cùng anh em, được tắm thử lá dao đỏ, được ăn nồi lẩu cá tầm nóng hôi hổi trước khi cái rét âm độ ập tới, cảm giác cứ như cả một tuần đã trôi qua, dù chuyến đi chỉ kéo dài đúng 2 ngày 1 đêm.
Sẽ đi tiếp.