Hôm nọ, có một bạn nhắn tin hỏi mình: “Làm sao để nhớ được ghi chú A để liên kết với ghi chú B, trong khi mình đang viết B?”
Câu hỏi này làm mình suy nghĩ.
Khi mới bắt đầu ứng dụng Zettelkasten vào việc ghi chú, mình cũng gặp vấn đề tương tự. Mình không biết phải liên kết note hiện tại với những note cũ như thế nào. Mà nếu không liên kết thì coi như mình đã vi phạm một trong hai nguyên tắc cơ bản nhất của Zettelkasten. Mà đọc trên diễn đàn thì mọi người cũng chỉ bảo là “Nghĩ xem trong hoàn cảnh nào mình sẽ muốn cái note đó xuất hiện”. Thế thôi.
Thế thôi ?!
Sau khi nghĩ, nghĩ, và nghĩ lung lắm, mình nhận ra mình không thể trả lời được câu hỏi này. Với bản thân mình, việc nhớ note đến một cách dần dần, mà không phải là kết quả của việc mình thí nghiệm và khám phá ra phương pháp.
Liên kết note cũng giống như đạp xe, giờ mình có thể đưa ra những bước lý thuyết để dạy một đứa trẻ con có thể bắt đầu đạp, nhưng kể cả nó có đọc lý thuyết 100 lần, nó bước lên xe vẫn sẽ ngã.
Nó phải trực tiếp bước lên xe, tự nó cầm ghi đông, tự chân nó đạp pedal, tự người nó ướm cho thẳng thớm, thì nó mới hiểu cái “cảm giác đạp xe” là gì. Đó là cả một quá trình. Nhưng đã bước lên xe, đã học được cách đạp, thì thế nào cũng biết đi.
Và nếu như vậy, câu hỏi không phải là “làm sao để nhớ được”, mà câu hỏi sẽ là “bao giờ thì nhớ được?” – hay một cách triết học hơn thì sẽ là “lượng bao nhiêu thì sẽ thay đổi chất?”
Và nếu thay đổi góc nhìn về vấn đề như vậy, mình xin được mạnh dạn đề xuất một vài câu hỏi thay thế cho câu hỏi gốc ở ban đầu.
Có thể cơ não bạn chưa nở?
Có hai phần trong não bộ góp phần quan trọng trong việc chúng ta suy nghĩ, đó là thùy đỉnh (parietal lobe) và vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex)
Giả sử chúng ta gặp bài toán dưới đây với câu hỏi: quả bóng vàng hay quả bóng xám nặng hơn?
Lúc này, thùy đỉnh sẽ làm nhiệm vụ so sánh từng quả bóng với nhau, để biết xem quả nào nặng hơn. Trong khi đó, vùng vỏ não trước trán sẽ có nhiệm vụ đưa ra liên kết giữa các so sánh đó (bằng phương pháp bắc cầu), và từ đó đưa ra kết luận.
Khi chúng ta suy nghĩ và lập luận nhiều, máu sẽ chảy tới hai phần não này nhiều hơn để cung cấp dinh dưỡng cho chúng hoạt động. Và khi được nhận nhiều dinh dưỡng, chúng hoạt động càng năng suất hơn. Từ đó chúng trở nên mạnh mẽ hơn.
Kết nối hai bộ phận này là “chất trắng” – một “cây cầu” giúp neuron thần kinh ở các phần khác nhau của bộ não nói chuyện với nhau. Khi chúng ta suy nghĩ và lập luận nhiều, phần chất trắng này phát triển mạnh hơn. Nếu trước đây hai bộ phần này nói chuyện qua đường chim bay – thư từ, thì bây giờ chúng sẽ nói chuyện với nhau qua đường điện thoại di động, nhanh hơn, chính xác hơn. Chúng ta càng luyện tập suy nghĩ chăm chỉ, phương tiện giao tiếp giữa hai bộ phận này càng phát triển “tân tiến” hơn, và từ đó giúp chúng ta có khả năng lập luận tốt hơn ở mọi nơi.
Quay trở lại việc viết note, những ngày đầu tiên mình chưa quen với việc suy nghĩ theo kiểu liên kết thế này, cứ viết xong là xong. Vì vậy, thùy đỉnh và vùng trán trước não của mình chưa hoạt động nhiều, cũng chưa biết “nói chuyện” với nhau, đứa nào biết việc đứa đó. Cũng khá dễ hiểu khi phải mấy ngày, thậm chí mấy tuần sau khi đọc lại note đó, mình mới nghĩ ra là nó có thể được liên kết với cái nào khác. “Cây cầu” của mình lúc này mới dần dần hình thành.
Nói thật, từ khi bắt đầu Zettelkasten, mình cũng chẳng biết là một ngày mình sẽ suy nghĩ được rành mạch note A phải bắn tới note B. Bây giờ viết lại thì trông có vẻ quá trình này nó tuyến tính, nó dễ dàng, nhưng cũng chẳng phải. Nó lộn xộn và vô cùng thiếu chắc chắn. Mình chỉ làm hết sức (mà mình nghĩ là sẽ giúp) bản thân cải thiện thôi.
Trust the process.
Nguồn: Nghiên cứu về tác động của việc luyện tập tư duy lên vùng thùy đỉnh và vùng não trước trán
Có thể là bạn chưa có đủ số lượng note?
Lúc đầu mới theo Zettelkasten, mình cảm thấy stress cực kì vì “sao cái note này không link được với note khác”.
Nó không hề dễ dàng như kiểu, trong lúc đọc newsletter của Nat Eliason (một writer mình rất thích) về câu hỏi “Because or despite”, mình chợt nhận ra bài viết này đang ủng hộ cho ý tưởng “chúng ta nên thí nghiệm càng nhanh càng tốt”, và mình lập tức nhớ ra note “Why speed matters in life” của Jamie Brandon.
Nếu bạn để ý, hai note này được viết vào 2 thời điểm rất khác nhau (tháng 10 & tháng 12), vì vậy chắc chắn bối cảnh và trạng thái suy nghĩ của mình lúc đó cũng khác nhau. Có những note mình liên kết còn cách xa nhau thậm chí cả năm luôn.
Một note phù hợp cũng giống một người bạn đời phù hợp, bạn chưa kiếm ra không phải là vì không có, mà vì người ta chưa đến mà thôi. Mình chưa có note phù hợp để liên kết có thể vì mình còn đang note ít quá, nguồn kiến thức chưa đủ phong phú để mà liên kết với nhau.
Nếu mình không cảm thấy liên kết được note hiện tại với bất cứ cái nào khác, mình sẽ gắn tag cho nó #unlinked để khi nào rảnh mình sẽ ngồi suy nghĩ tiếp. Lúc đó, bể note của mình đã đầy lên, tha hồ lựa chọn.
Trust the process.
Hay là ghi chú của chúng ta chưa đủ nguyên tử?
Nguyên tắc liên kết của Zettelkasten luôn luôn đi kèm với tính nguyên tử – nghĩa là một note sinh ra chỉ được mang một và chỉ một ý nghĩa mà thôi.
Note dài quá, chứa nhiều ý nghĩa quá, thì khó nhớ nó nói về những cái gì để mà liên kết. Mà thực ra cũng không biết phải liên kết tới cái gì.
Cách mình suy nghĩ về việc này giống như cách mình suy nghĩ về generalist (người có khả năng làm nhiều thứ) và specialist (người giỏi đặc biệt một vài thứ).
Giả dụ mình muốn mua một cây đàn mới, mình sẽ muốn tới hỏi một người bạn đã chơi đàn rất lâu của mình để nhờ tư vấn. Hoặc khi mình cần tìm đọc sách văn học, mình sẽ hỏi người bạn văn chương của mình. Chỉ cần cái gì mình sẽ nghĩ tới người giỏi cái đó, không mất nhiều thời gian.
Những lúc như thế, mặc dù mình có nhiều người bạn generalist cũng biết cả về đàn và sách, nhưng mình sẽ không nhớ tới họ để mà hỏi. Mình không nói là họ không đủ tin tưởng, chỉ là họ không nảy ra ngay trong suy nghĩ của mình thôi.
Viết note cũng thế, mình viết note về một chủ đề nghĩa là mình đang đi sâu vào nó, và như vậy sẽ rất dễ hiểu nếu mình có thể nhớ ra ngay một note chuyên biệt về chủ đề đó để liên kết.
Không nghĩ ra nghĩa là chưa đủ hoặc chưa có note chuyên biệt cho bạn dùng.
Trust the process.
—
Thực ra thì bài toán lượng-chất sẽ thay đổi theo tùy người. Khó mà nói được là cứ ghi chú chăm chỉ sau X tháng thì bạn sẽ biết cách liên kết note này note kia.
Mặc dù vậy, vẫn có một vài cách chúng ta có thể làm để đẩy nhanh quá trình đó hơn. Mình xin phép đề cập những phương pháp này ở bài sau.
—
Đăng ký nhận Newsletter
Many One Percents là newsletters đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.
Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:
- Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
- Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
- Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
- Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percents
- Những ưu đãi từ đối tác của Many One Percents