Disclaimer
Định nghĩa về ghi chú (note-taking) trong bài viết này là hành động ghi chép lại thông tin mà mình bắt gặp trong cuộc sống, kèm theo những suy nghĩ, ý tưởng của mình về thông tin đó.
Phạm vi bài viết không bao gồm việc ghi chú lại những công việc cần làm hằng ngày, hay những nơi hay ho bạn muốn đi, bởi cái đó mình đã bàn khá kĩ ở bài viết Quản lý công việc với phương pháp Getting Things Done.
—
Nếu giả sử có một chuyện gì đó không may mắn xảy ra với mình khiến mình mất trí nhớ, thứ đầu tiên mình muốn làm đó là đọc lại toàn bộ ghi chú (notes) của chính mình.
Bạn có thấy quen không? Đây chính là kịch bản của bộ phim Memento do Christopher Nolan đạo diễn. Trong bộ phim này, Leonard Shelby, nhân vật chính, đi tìm kẻ đã sát hại vợ mình. Không may cho anh, vào đêm vợ anh bị giết, một trong hai kẻ sát nhân đã đánh anh đến mất trí nhớ. Sau đó, Leonard, với những gì còn sót lại trong trí nhớ của mình, đã phải xăm mọi thứ lên mình, và nhìn vào các hình ảnh mình tự chụp để “dạy” bản thân về những điều đã thực sự xảy ra. Bộ phim là hành trình Leonard xâu chuỗi những hình xăm trên cơ thể anh, hình ảnh, và các dữ kiện anh ghi chú lại được trên giấy, để tìm ra hung thủ.
Đối với mình, ghi chú chính là “những gì còn sót lại trong trí nhớ”, hay nói đúng hơn, là một phần nhận thức của mình tại một thời điểm nhất định trong cuộc sống. Từng note mình ghi ra bao gồm ngữ cảnh xảy ra của cái note đó, những suy nghĩ của mình, và một mẩu dữ kiện mình lấy từ bên ngoài. Không chỉ vậy, mình còn liên kết các notes lại với nhau bằng phương pháp Zettelkasten, do đó một note sẽ luôn luôn dẫn đến một note khác, và nếu chịu khó đọc hết thì mình sẽ không chỉ nhớ lại được một mẩu kiến thức nào đó, mà phải là một mạng lưới kiến thức liên kết chặt chẽ với nhau.
Nhưng mà xui lắm thì mới gặp trường hợp như Leonard thôi – bị mất trí nhớ. Vậy thì mình cất công ghi chú lại để làm gì?
Nếu muốn ghi lại chỉ vì muốn “để mai sau có cái xem lại” thì sự thật là sẽ không bao giờ có mai sau đấy đâu. Cái mai sau đấy giống như cái “hôm nào” trong câu “hôm nào đi cafe nhé” ấy. Nếu bạn không tin, hãy mở lại Evernote, hay xa hơn là mấy cuốn sổ ghi chép của bạn trước đây mà xem.
Với mình, ghi chú là:
- Để xác thực
- Để viết tốt hơn
- Để hiểu cái cốt lõi
- Để chuẩn bị cho tương lai
1. Để xác thực
Mình có những lý thuyết/giả thuyết trong cuộc sống, được xây dựng từ những quan sát và cảm nhận của mình. Tuy nhiên những lý thuyết này không hề, hoặc chưa được ghi nhận một cách khoa học (hoặc giả là có thì có thể mình chưa biết). Vì vậy, khi mình nhìn thấy một thông tin gì đó giúp mình xác thực được lý thuyết này, mình sẽ nhanh chóng ghi nó lại như một dẫn chứng hùng hồn cho suy nghĩ của mình.
Mình nghĩ rằng chúng ta ai cũng có những trải nghiệm riêng và thú vị. Mỗi trải nghiệm lại đem lại một bài học gì đó khác nhau. Tuy nhiên, mỗi bài học rút ra từ một trải nghiệm thì không đủ để mình tự thuyết phục mình nó là một bài học cuộc sống, một bài học đáng để lặp lại.
Vì vậy, việc tìm kiếm các bằng chứng cho bài học đó giúp mình hoặc là củng cố về sự chính xác của bài học, hoặc là giúp mình loại bỏ bài học đó để đi theo các bài học mới.
Ví dụ, khi đi làm, mình có một giả thiết rằng: “Việc tập trung phát triển điểm mạnh thay vì khắc phục điểm yếu sẽ giúp mình tiến nhanh hơn trong công việc”. Lý do mình có giả thiết này vì mình luôn lăn tăn rằng mình nên dành nhiều thời gian hơn để trau dồi cái mình đã tốt sẵn, hay là để cải thiện những cái mình đang dở. Và mình cảm thấy là cái đầu sẽ hợp lý hơn đối với mình.
Khi đi làm ở Holistics, anh Product Lead ở công ty mình đã khuyên mình nên tập trung vào khả năng mà mình mạnh nhất. Ngon, có một dẫn chứng!
Rồi đến khi mình đọc các tài liệu trên mạng, rất nhiều người thành công (mà mình thích) cũng đưa ra những quan điểm tương tự. Điều đó càng giúp mình tin rằng đây là một giả thuyết khá đúng mà mình nên tiếp tục theo đuổi.
2. Để viết tốt hơn
Đầu bài viết, mình có đề cập tới Memento. Mình khá chắc là có nhiều bạn đọc của mình đã xem phim này, và cũng khá chắc khi mình lấy ví dụ về Memento bạn sẽ hiểu ngay mình đang muốn nói về cái gì.
Trước đây, mình không hề làm được chuyện này: lấy ví dụ.
Ghi chú giúp mình kết nối những thứ có cùng một dạng thức (pattern) và dễ dàng đề cập đến chúng (reference) khi mình cần. Ghi chú càng chăm chỉ thì càng cho mình nhiều tư liệu để lúc viết bài có thể đem ra làm dẫn chứng, dẫn dắt.
Và do vậy, việc viết lách đối với mình diễn ra khá nhẹ nhàng kể từ khi mình bắt đầu take notes nhiều hơn. Mình chưa bao giờ cảm thấy bí ý tưởng khi nhìn vào một trang giấy trắng trơn, bởi lẽ mình luôn có một chủ đề gì đó mà mình đã nghiên cứu từ trước, chỉ cần lấy ra đổ nước sôi vào là mì ăn liền thôi.
Nói đúng hơn, việc viết lách của mình xảy ra trong lúc mình ghi chú, chứ không phải trước, càng không phải sau khi mình ghi chú. Việc viết chưa bao giờ là mình tự nghĩ ra một cái gì cả. Việc viết đúng hơn là quá trình mình góp nhặt những suy nghĩ của bản thân về một chủ đề nhất định, và những suy nghĩ đó nằm ở trong chính ghi chú mà mình có thể viết cách đây 1 ngày, 1 tuần, hoặc thậm chí cả 1 năm.
Từ khi mình bắt đầu ghi chú, các bài viết của mình không chỉ có nhiều ví dụ hơn, mà có nhiều ý tưởng mới lạ hơn, và (tự mình cảm thấy) nó ít bị nông hơn so với những gì mình từng viết trước đây.
3. Để hiểu cái cốt lõi
Elon musk có 2 phương pháp để học bất cứ cái gì, và một trong số đó là việc hiểu được bản chất của vấn đề.
“One bit of advice: it is important to view knowledge as sort of a semantic tree — make sure you understand the fundamental principles, i.e. the trunk and big branches, before you get into the leaves/details or there is nothing for them to hang on to.” – Elon Musk
Việc ghi chú yêu cầu mình tập trung vào ý chính, thay vì tiểu tiết. Tiểu tiết hay dữ liệu chỉ để phục vụ cho một ý tưởng nào đó đằng sau. Bằng cách loại bỏ tiểu tiết, nó giúp mình phóng rộng tầm nhìn ra để thấy một bức tranh lớn hơn.
Bởi bạn biết sao không, chúng ta nhớ bối cảnh, thì chúng ta mới dễ dàng liên hệ chúng với những gì ta đã biết (How To Take Smart Notes, Sönke Ahrens). Nếu không thực sự hiểu mẩu thông tin chúng ta đang ghi lại nằm trong bối cảnh nào, ta sẽ chỉ có thể nhớ lại mẩu thông tin đó nếu (và cái nếu này khá là khó xảy ra) một người nào đó ngẫu nhiên nói về cái bối cảnh đó mà thôi.
Một minh chứng cực kì rõ ràng đó là khi mình trải nghiệm ứng dụng Elevate, mình có thử tìm các nghiên cứu khoa học để minh chứng cho lợi ích của việc luyện não. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các ứng dụng luyện não chỉ giúp người chơi làm tốt các kĩ năng ở trong bối cảnh của ứng dụng đó thôi, còn không cải thiện được các kĩ năng liên quan hoặc vẫn là kĩ năng đó nhưng ở trong bối cảnh liên quan trong thực tế.
Nếu bạn vẫn chưa tin nữa (urg!) thì có một nghiên cứu đã chứng minh rằng việc nhớ được mọi tiểu tiết thực ra lại không hề tốt một tí nào. Solomon Shereshevsky được mệnh danh là người-đàn-ông-không-thể-quên, khi anh có thể nhớ mọi thứ mình từng nghe, nhìn mà không cần phải ghi chép gì cả, kể cả những dữ liệu của 15 năm về trước. Mặc dù Solomon có thể rất dễ dàng nhớ lại được các chi tiết nhỏ của một cuốn tiểu thuyết hay một bài thơ, anh lại gặp khó khăn trong việc nhớ được đại ý của chúng. Anh không thể tóm tắt được nội dung của Romeo và Juliet, nhưng lại có thể kể được vanh vách từng sự kiện (!)
Chính vì việc phải nhớ quá nhiều chi tiết nên não bộ của Solomon không còn đủ dung lượng để xử lý nội dung chính. Nói đúng hơn: Solomon sở hữu một khả năng mà gần như mọi người không có, nhưng lại thiếu khả năng mà tất cả đều có: quên đi những thứ không cần thiết.
4. Để chuẩn bị cho tương lai
Có lẽ trong tất cả những việc mình đang làm hằng ngày, ghi chú là việc có giá trị lâu dài nhất.
Phải đối diện một sự thật thế này: Mình không biết những notes của mình dẫn đến đâu.
Notes của mình về nhiều chủ đề lắm: khoa học, dữ liệu, tâm lý, tình cảm, quản lý, kinh doanh, tự sự…
Càng nhiều notes thì càng giúp mình nhận ra sự quan tâm của mình về chủ đề nào, và càng gợi cho mình suy nghĩ nhiều hơn về chủ đề đó.
Mình có anh bạn, nhờ chăm chỉ viết ghi chú, chịu khó đọc lại các ghi chú mỗi ngày, và tìm cách liên kết chúng với nhau, mà nhận ra chân ái đời anh là công việc Product Management. Trong một động thái vô cùng chớp nhoáng, anh chuyển từ Engineer sang làm Product Manager. Và bây giờ anh cực kì thành công dưới vai trò Product Manager và cá nhân rất hài lòng với lựa chọn này. Một điều chắc chắn: anh ấy không hề có ý định ghi chú để chuyển việc ngay từ ban đầu (mà nếu có thì nghe thật ngớ ngẩn phải không?). Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, anh ấy là chủ blog https://dafuqis-that.com/
Đối với mình, ghi chú là để chuẩn bị cho tương lai. Mình không biết nó sẽ có tác dụng đến đâu, nhưng mình biết đó là một việc đúng đắn nên làm. Đây cũng là một trong những nguyên tắc mình học được ngày mình làm thực tập sinh cho P&G:
“Do the right thing then do the thing right”
Cái mình đang làm là xây dựng một hệ thống kiến thức, một bộ não thứ hai của chính mình, cho tương lai.
Notes giúp cho mình hiểu vấn đề sâu hơn, nhìn một vấn đề từ nhiều chiều hơn, tìm ra những lỗ hổng trong kiến thức của mình, và bắt mình vận động nhiều hơn để trả lời toàn bộ câu hỏi đó. Mình tin rằng, việc có kiến thức không gì hơn là chuẩn bị cho một tương lai của sự tự tin. Kiến thức là nền tảng và cũng là lợi thế cạnh tranh, ở đâu cũng thế.
Nhưng không phải vì thế mình take notes theo kiểu muốn đến đâu thì đến. Mình có phương pháp riêng để take notes, và với sự trợ giúp của công nghệ, nó giúp cho hiệu quả của việc take notes tăng lên gấp nhiều lần. Mình sẽ chia sẻ cụ thể phương pháp mình ghi chú ở bài sau.
Túm lại, mình thích ghi chú
Nếu bài viết của mình chưa đủ để thuyết phục bạn bắt đầu việc ghi chú một cách nghiêm túc hơn, mình hi vọng rằng ít nhất những gì bạn đang ghi chép được sắp xếp một cách có hệ thống. Và khi nói đến hệ thống, đừng quên đọc bài viết: Ghi chú hiệu quả: Phương pháp Zettelkasten.
Để miêu tả một cách chính xác quan điểm của mình về chuyện note-taking, mình xin được phép dùng câu này:
“The whole collection of notes is greater than the sum of its parts”
(Sự tổng hòa của các ghi chú sẽ mang lại ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng mà mỗi mẩu ghi chú mang lại)
Đăng ký nhận Newsletter
Nếu đây là lần đầu bạn đến với blog của mình, đừng quên đăng ký newsletters của Many One Percents cùng gần 2000 bạn đọc mỗi tuần. Những lợi ích độc quyền cho các bạn subscribers:
- Đọc các bài blog sớm nhất (2-3 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
- Đọc Weekly Discovery (sản phẩm thú vị nhất tuần)
- Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
- Những cập nhật và dự định mới nhất về blog
Nhờ bài viết này của anh mà em giác ngộ ra một góc nhìn có hệ thống về ghi chép, Đọc bài này em mới vỡ ra được vấn đề của mình là ghi chép không có phương pháp (không có mục đích và nội dung chưa có kết nối với nhau) thành ra không thu được nhiều giá trị. Các bài viết của anh đều có nhiều kiến thức hay, lối viết lại rất truyền cảm hứng nữa. Cảm ơn anh Tuấn ạ!
Cảm ơn Jenny nhiều! Bài này có liên hệ với các bài về Zettelkasten đó, em đọc và cho anh cảm nghĩ nữa nhé. Hi vọng các bài đó sẽ cung cấp cho em một phương pháp note taking phù hợp 😉