Skip to main content

Sau khi kết thúc bài viết Hai nguyên tắc cơ bản của Zettelkasten, một bạn subscriber có comment hỏi mình thế này:

Mặc dù mình đã trả lời bạn đó, nhưng mình cảm thấy những gì mình muốn nói về tagging không thể gói gọn trong một bình luận, và sẽ rất dễ gây hiểu nhầm nếu mình cung cấp thông tin mà thiếu đi ngữ cảnh của nó.

Vì vậy, chúng ta có bài viết này: Cách mình sử dụng tag khi ghi chú.

Lưu ý: cách sử dụng tag dưới đây có hiệu quả đối với mình ở trong điều kiện mình đang ứng dụng phương pháp ghi chú Zettelkasten, chỉ sử dụng 3 folder để sắp xếp ghi chú, và chỉ sử dụng tag để phục vụ việc suy nghĩ.

Mình chia tags của mình thành hai loại chính: Tag trạng tháiTag tính chất.

1. Tag trạng thái

Tag trạng thái được sinh ra để giúp mình biết việc mình cần phải làm với ghi chú mình đang đọc.

Mình có 2 Tag trạng thái: #Unlinked (chưa được liên kết) và #Later (để sau)

Một trong hai nguyên tắc của Zettelkasten chính là tính liên kết giữa các note. Vì vậy, khi mình có một note mà chưa biết liên kết vào đâu, mình sẽ sử dụng tag #Unlinked, và ném nó vào folder Source Notes. Khi mình có thời gian rảnh rỗi, mình sẽ ngồi tìm lại tất cả các notes có gắn tag này để đọc và cố gắng liên kết nó với một note đã từng được tạo trước đó.

Để biết Source Notes là gì, mời bạn đọc bài viết:

Các note được gắn tag #Later đa phần là những bài article quá dài, hoặc quá khó hiểu mà mình đọc lần đầu tiên chưa rút ra được điều gì. Mình sẽ thường dùng tag này khi các bài article mình đã đọc không cho mình ý tưởng mới.

Đây là các note được gắn tag #Unlinked

Tag tính chất

Tag tính chất mô tả về đặc điểm của ghi chú.

Mình có 4 Tag tính chất:

  • #Very-important
  • #Mindset
  • #Thoughts-provoking
  • #Evergreen

#Very-important: Những ghi chú được gắn với tag này sẽ mang những nội dung, ý tưởng quan trọng và được mình nhắc tới rất nhiều trong các Evergreen notes.

#Mindset: Những note ảnh hưởng tới cách mình tư duy, tiếp cận vấn đề trong cuộc sống.

Ví dụ, mình có một ghi chú có tên “On not knowing” – lấy tên từ bài viết “On not knowing” của Ava trên Substack. Bài viết này đã làm mình phải suy nghĩ lại về cách mình đang sống: mình muốn sống theo một “cốt truyện” đã được (hoặc là xã hội hoặc là chính bản thân) vạch ra sẵn, hay một “câu chuyện” mà mình tự mày mò đường đi và chấp nhận rằng không có gì là chắc chắn trong tương lai?

#Thought-provoking: Những note làm cho mình suy nghĩ. Tag này khác #Mindset ở chỗ những bài viết mang tag này không nhất thiết ảnh hưởng/thay đổi cách mình tư duy, mà chỉ đơn thuần là điểm nhìn/cách giải quyết vấn đề của nó quá mới mẻ hoặc có thể là đi ngược lại với quan điểm của mình.

Ví dụ, mình có một note về Rube Goldberg machine (giải quyết một vấn đề đơn giản bằng giải pháp siêu phức tạp). Mặc dù đây là một khái niệm rất hay và mình thấy có nhiều người áp dụng trong thực tế, nhưng cá nhân mình sẽ không dạy con của mình để suy nghĩ theo hướng này.

#Evergreen: Cốt lõi của Zettelkasten. Những ghi chú được gắn tag này chỉ mang một ý tưởng duy nhất, và thường là những điều mình thực sự tin vào, và có mong muốn được tiếp tục củng cố thêm nó dựa vào quan sát, trải nghiệm trong cuộc sống.

Ví dụ, có một ý tưởng về việc làm startup, đó là nên bắt đầu bằng việc giải quyết vấn đề của bản thân. Đây là ý tưởng mình thấy được lặp đi, lặp lại ở nhiều tài liệu, sách báo mình đọc, và mình cảm thấy rất đúng. Bản thân ý tưởng này đủ nhỏ và đủ ý nghĩa để các ghi chú khác có thể đề cập tới.

Tag chủ đề – có dùng, nhưng *rất* ít

Nếu bạn để ý, bên cạnh hai loại tag chính, các note của mình còn có thêm tag chủ đề, kiểu kiểu #Psychology, #Design, #Engineering. Đây là những tag mình tạo ngày còn sử dụng Evernote, và bưng nguyên xi sang Obsidian, nên bây giờ vẫn còn trong note của mình. Hiện tại thì mình chỉ dùng một vài trong số chúng.

Mình biết không chỉ mình, mà nhiều bạn cũng sử dụng (đa số là) tag chủ đề để sắp xếp note.

Quan điểm của mình thế này: Tag chủ đề sẽ rất tiện lợi để sắp xếp ghi chú, đặc biệt khi nó cụ thể – nhắm đích xác tới một đối tượng, ví dụ: #SQL, #Stoicism (chủ nghĩa khắc kỷ), #Journaling. Hiện giờ mình vẫn đang dùng các tag này để tìm lại ghi chú thuộc các lĩnh vực này.

Khi tag chủ đề cụ thể như vậy, mình có thể dễ dàng tìm kiếm kiến thức mình đã học về chủ đề đó.

Tuy nhiên, nếu tag rộng quá, ví dụ: #Business, #Marketing, #Design, ngay cả khi mình có thể tìm được tất cả những note liên quan tới mấy chủ đề này, chúng cũng sẽ nói về quá nhiều thứ khác nhau. Không thể tìm được đúng ghi chú mình mong muốn.

Ví dụ, mình thử tìm theo tag #Business, thì ra nào là “The strategy canvas” (một loại chiến lược lúc kinh doanh), hoặc là ra “The Phoenix Project” – quyển sách nói về kinh doanh trong lĩnh vực IT, rồi lại có cả “Evernote CEO about its reboot” – câu chuyện kinh doanh của Evernote. Đúng là ba ghi chú này cùng nói về chủ đề Business, nhưng nó ở ba khía cạnh riêng biệt. Và thực ra phải bật từng note lên đọc mới biết nó riêng biệt thế nào.

Đối với mình, đây là biểu hiện của Bad tags (mời bạn đọc bài: Good tags, bad tags). Mặc dù đúng là rất khó cưỡng lại việc thêm tag cho một ghi chú (vì sợ mai sau không tìm thấy nó nữa), nhưng mình thấy rằng nếu tag xong cũng không tìm lại được note mình cần thì chẳng thà không tag còn hơn.

Quan trọng nhất, là…

tag phải phục vụ được bạn.

Với mình, tag trạng thái, tag tính chất và (rất thi thoảng) tag chủ đề giúp mình tìm kiếm ý tưởng nhanh hơn, từ đó liên kết các note nhanh hơn.

Nếu bạn chưa biết nên bắt đầu thế nào, cứ bắt đầu đại. Đừng lo. Hãy tạo tag mà bạn thực sự có thể sử dụng được. Có thể không cần phải để phục vụ việc tìm kiếm ý tưởng như mình. Không sao hết. Dù sao thì cũng có nhiều kiểu người với nhiều kiểu ghi chú khác nhau mà.

Điều tệ nhất có thể xảy ra là bạn sẽ có một đống tag thừa thãi, nhưng nó chẳng làm ảnh hưởng gì tới việc bạn sử dụng app ghi chú, hay lúc bạn cần học từ ghi chú cả.

Còn điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra là bạn sẽ xây dựng được một hệ thống tag quy củ, khoa học, tìm đâu trúng đó.

Thế thì chẳng có lý do gì không bắt đầu luôn thôi.

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
  • Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percents

6 Comments

  • Hieu says:

    Cảm ơn Tuấn đã dành hẳn 1 bài để trả lời về câu hỏi đã được trả lời =)))

  • Vũ Minh Trung says:

    Anh Tuấn ơi, anh có thể chia sẻ template note của mình được không. Lần đầu em biết tới Osidian, em đã thử làm nhiều mẫu note khác nhau nhưng không có cái nào ra giống với của anh. Vì vậy em mong anh có thể chia sẻ ạ!

    • Tuanmonn says:

      Hello Trung, em đang nói tới note nào thế? Note của anh chỉ có 2 phần là metadata (mấy cái source, tags ở đầu) với phần nội dung note ở phía dưới thui (phần này thì tùy vào note đó là Evergreen, Literature hay Fleeting).

  • Nhi says:

    Anh Tuấn ơi, làm sao để anh có thể tạo được chữ màu trắng, màu tím và chữ to, chữ nhỏ khác nhau vậy ạ?

  • Huy Duy says:

    Chào anh, e cũng dùng theme Things nhưng không thấy format tag có đường viền như của anh ạ. Anh format tag sao vậy ạ?

Leave a Reply