Skip to main content

Bạn đến một phòng khám. Cô nhân viên đưa cho bạn một biểu mẫu để điền. Bạn cặm cụi điền hết từ đầu đến cuối, rồi nộp lại, đợi tới lượt mình đi khám.

Đã bao giờ bạn tự hỏi: trong số những thông tin mà biểu mẫu yêu cầu bạn điền, thông tin nào là không bắt buộc?

Bạn sẽ bất ngờ nếu bạn thực sự trả lời câu hỏi này.

Có nhiều phần không bắt buộc hơn bạn nghĩ, và kể cả bạn có điền thêm thông tin vào đây, bạn cũng sẽ không nhận được dịch vụ khám tốt hơn, hay thời gian chờ của bạn sẽ ngắn lại.

Nếu bạn để ý, không chỉ biểu mẫu khám, mà tất cả những loại form đăng ký từ offline tới online cũng có rất nhiều những trường (field) không cần thiết. Nhưng bằng một cách nào đó mình, bạn, và rất nhiều người khác vẫn vô thức điền hết vào.

Mình nhận ra điều này cũng xảy ra với việc sử dụng tags khi ghi chú.

Tag là một từ hoặc cụm từ được gán cho một sự vật, nhằm giúp mô tả (siêu) vắn tắt về nó, và để giúp người dùng dễ dàng tìm thấy nó hơn.

Trong ghi chú, Tag chính là ký hiệu #, theo sau là những chữ cái viết liền để (thông thường là) thể hiện cho topic của note là gì.

Hai mặt của sự linh hoạt

Tag là một phần rất quan trọng của các ứng dụng ghi chú, vì vậy nó được thiết kế sao cho người dùng dễ thấy nhất khi mới sử dụng app lần đầu.

Chính vì lý do này, nhiều người cho rằng tag là một phần tất yếu trong quá trình ghi chú, và do vậy sử dụng nó một cách tự do.

Mình cũng không phải ngoại lệ. Thấy tag thì lao vào dùng, và cứ sử dụng nó sao cho (mình cảm giác là) hợp lý nhất có thể, nhưng thực tế thì mình chẳng hiểu về sau mình sẽ dùng nó làm gì.

Lúc đó, mình đơn giản nghĩ là note nói về chủ đề gì thì tag chủ đề đó. Vậy thôi, giống Instagram, cũng không phức tạp gì cả. Nghĩ ra tag gì thì mình dùng luôn tag đó, cũng không quan tâm mai sau mình dùng nó thế nào.

Điểm tốt là mình hoàn toàn có thể biến tấu các tags tùy theo nhu cầu sắp xếp. Nhiều ứng dụng ghi chú hiện nay như Bear hay Evernote thậm chí còn cho phép mình lồng các tags vào với nhau theo kiểu tag mẹ – tag con (#Health là mẹ, #Health/workout, #Health/nutrition là con) để dễ bề sắp xếp và tìm lại các note cùng chủ đề. Những ứng dụng ghi chú kiểu này sẽ phù hợp với kiểu người quản thư hơn cả.

Ngày xưa mình dùng tag mẹ, tag con để sắp xếp notes trên Evernote.

Tuy nhiên, tags (kèm theo sự linh hoạt của nó) không phù hợp với việc suy nghĩ và tìm kiếm thông tin.

Nhiều khi chủ đề của tag quá rộng (ví dụ #Business), khiến cho mình chẳng thể nào tìm nổi đúng note mình cần tìm. Nếu mình viết tag cụ thể hơn (#Quotes, #Movies) thì lại đẻ ra một núi tags và về sau cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã có những tags nào để mà tìm.

Kết quả: Mình gần như ít khi sử dụng tag để tìm note nữa.

Tổng quát và cụ thể

Thường thì khi nào bạn sẽ đặt tag cho một ghi chú?

Khi bạn viết xong ghi chú đó.

Tag thường được coi là phần “kết bài”, phần tóm tắt (siêu khái quát) về nội dung ghi chú.

Trong khi đó, khi chúng ta suy nghĩ, chúng ta luôn đi từ một ý tưởng, một sự thật, một giả thuyết rất cụ thể. Việc đưa ra phân tích và so sánh là quá trình nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác, để đạt được một kết luận nào đó.

Ý tưởng thường mang tính ngẫu nhiên, đôi khi không cùng một chủ đề, và đôi khi cũng không trực tiếp liên hệ tới nhau. Đi tìm và kết nối ý tưởng để củng cố cho suy nghĩ giống như việc lạc vào một khu rừng, phải vừa đi vừa đánh dấu để tìm lối ra. Chúng ta buộc phải đi đủ nhiều, đánh dấu đủ nhiều thì mới hình dung ra toàn bộ bản đồ của khu rừng được, chứ bản thân lúc đi cũng không biết mình sẽ tìm được điều gì.

Để dễ dàng liên hệ hơn thì bạn có thể nhớ về bộ phim The Maze Runner, trong đó Thomas và những người bạn mỗi ngày phải chạy khắp mê cung để vẽ bản đồ tìm lối thoát.

Nguồn ảnh: Metropolis Japan

Nếu như tag là sự rõ ràng, thì việc liên kết ý tưởng là sự bất định.
Tag là top-down, thì ý tưởng là bottom up.
Tag là chữ “hợp” trong tổng-phân-hợp, còn ý tưởng là “phân”. (không phải ? :D)
Tag phải nhìn tận mặt mới biết mình có những tag gì mà tìm, còn ý tưởng thì chỉ cần hơi liên quan tới nhau một chút thì sẽ nghĩ đến ngay.

Và nếu nhìn theo khía cạnh này, Tag không hề được sinh ra để phục vụ quá trình suy nghĩ. Tag sẽ phù hợp để tìm những notes có liên quan tới nhau, nhưng không phù hợp để tìm những ý tưởng có liên quan tới nhau.

Good tags, bad tags

Cũng giống như bao thứ khác, tags sẽ tốt hay xấu tùy vào hoàn cảnh.

Good tags (tags tốt) là những tags được sử dụng để lưu trữ, sắp xếp. Những tags này sẽ rất tiện lợi để tìm các ghi chú cùng thuộc một chủ đề.

Bad tags (tags xấu), vẫn là những tags đó, nhưng được dùng để tìm kiếm ghi chú, để học. Thực ra, gọi là “xấu” nhưng hiểu là “vô ích” thì đúng hơn, vì bản chất của tags không dùng để hỗ trợ việc suy nghĩ.

Tại sao phải mất công ngồi nghĩ xem note này nên ứng với tags nào, rồi sắp xếp các tags thế nào cho hiệu quả, trong khi có thể ngồi nghĩ xem “ý tưởng của ghi chú này có thể liên kết với ý tưởng nào của ghi chú khác không” – dựa theo phương pháp Zettelkasten.

Dùng tag để tìm và liên kết ý tưởng không khác gì cầm một khẩu súng, đứng ngoài bìa rừng và bắn tùm lum với hi vọng sẽ săn được một con gì đó cho bữa tối.

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
  • Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percents

Leave a Reply