Skip to main content
Image generated by Dall-E 2

I.

Tháng 8 năm 2022, team mình được giao một trọng trách vô cùng lớn: phát triển một sản phẩm mới từ đầu với thời hạn 4 tháng (từ giờ tạm gọi là dự án X)

(Nếu bạn đã từng làm ở công ty công nghệ, bạn có thể sẽ biết làm một cái app từ đầu nó khó như thế nào, và 4 tháng là một deadline cực kì gấp)

Tháng 11 năm 2022, sản phẩm vẫn còn đang trong quá trình phát triển, và chưa sẵn sàng để được kiểm thử.

Nhưng, một biến cố lớn đã xảy ra.

Công ty mình layoff hàng loạt.

Gần như toàn bộ các phòng ban đều bị ảnh hưởng: Quản lý sản phẩm, lập trình, kiểm thử… Sản phẩm thì chưa sẵn sàng, mà giờ người làm nó thì bị cho thôi việc. Team mình như ngồi trên đống lửa vì chẳng biết phải nhờ ai làm thay.

Khi team mình trình bày vấn đề với sếp lớn, với mục tiêu xin được lùi ngày launch sản phẩm ra thị trường, mọi người rất sốc khi nhận được câu trả lời: Không dời deadline.

Trong buổi 1-1 với sếp lớn, mình mạnh dạn hỏi tại sao anh không đồng ý với việc đổi deadline, anh bảo với mình thế này (đã dịch từ tiếng Anh):

Tại sao phải dời deadline? Team nào bị ảnh hưởng bởi layoff? Mày đã thử nói chuyện với họ để kiếm người thay thế chưa? Mày đã thử nói chuyện với họ để thay đổi độ ưu tiên của các dự án của họ chưa? Đã có team nào cả team bị nghỉ đến mức toàn bộ mảng của team đó phải dừng lại chưa? Nếu như team mày chưa có bằng chứng nào cho thấy những điều trên là đúng, thì chẳng có lý do gì deadline phải thay đổi cả. Nếu mày cần tao nói chuyện với boss bên đó, cứ thoải mái nhờ. Tao chưa thấy mày nhờ tao gì cả.

Khi layoff xảy ra, cả công ty mình đều biết các dự án đều bị chậm lại, và do vậy team mình cũng cho rằng dự án của tụi mình hiển nhiên phải được lùi deadline. Tụi mình biết sơ sơ team nào bị ảnh hưởng, chứ cũng chưa thực sự hành động để các team đó tiếp tục dồn sức cho dự án X này.

Dĩ nhiên sếp nói thế thì lùi deadline thế nào được nữa =))

II.

Trong cuốn sách Thinking in System, có một đoạn mô tả chính xác tình huống mình vừa kể – cuốn sách gọi là “Con ếch trong nồi nước”

Nếu bạn thả một con ếch (hay con cua), vào một nồi nước sôi, con ếch sẽ điên cuồng nhảy ra khỏi nồi nước do bị bỏng.

Nhưng nếu bạn thả một con ếch vào nồi nước lạnh, rồi từ từ đun cho tới khi nước sôi, con ếch sẽ ngồi im cho tới khi bị luộc chín.

Rõ ràng, khi sự thay đổi nhiệt độ quá đột ngột, bản năng sinh tồn của con ếch sẽ kích hoạt phản xạ vô điều kiện để nó thoát khỏi tình trạng hiện tại càng nhanh càng tốt. Nhưng khi sự thay đổi nhiệt độ diễn ra chậm, cơ thể con ếch sẽ không nhận ra được sự khác biệt và do đó coi như không có chuyện gì xảy ra. Tới khi cơ thể dần bị chín thì nó đã mất khả năng sinh học cơ bản và chẳng làm được bất cứ việc gì.

Nói rộng hơn, trạng thái lý tưởng của bất kì một sự vật/việc gì đều bị ảnh hưởng bởi cách chúng ta nhìn nhận vào trạng thái hiện tại của nó. Nếu như trạng thái hiện tại của sự vật rất gần với trạng thái lý tưởng thì càng ít động lực để nó thay đổi. Ngược lại, nếu có một khoảng cách xa giữa hai điểm này, thì càng cần nhiều động lực để thay đổi.

Đối với con ếch, trạng thái lý tưởng của nó là “sống một cách bình thường”, còn trạng thái hiện tại của nó (khi nồi nước chưa nóng lên), là “sống trong nước lạnh”. Lúc này trạng thái lý tưởng chính là trạng thái hiện tại.

Do nhiệt độ nước tăng lên rất chậm, trạng thái hiện tại của con ếch thay đổi từ “sống trong nước lạnh” thành “sống trong nước ấm”, rồi xuống “sống trong nước ấm +1 độ”

Vì chưa có gì xảy ra, nên con ếch cho rằng trạng thái hiện tại cũng chính là trạng thái lý tưởng. Do đó trạng thái lý tưởng của nó giảm từ “Sống bình thường” xuống còn “sống trong nước ấm”, rồi “sống trong nước ấm +1 độ”

Khi nước mới ấm lên thì trạng thái lý tưởng chưa thay đổi

Cứ thế, cứ thế, trạng thái lý tưởng và trạng thái hiện tại của con ếch ngày càng trở nên tệ hơn, cuối cùng, nó chết vì bị luộc chín.

Đối với team mình, trạng thái lý tưởng là “đưa sản phẩm ra thị trường đúng deadline”, còn trạng thái hiện tại là “thiếu nhân lực để thực hiện hóa mục tiêu”. Việc tụi mình xin sếp lớn lùi deadline chính là việc giảm trạng thái lý tưởng xuống còn “đưa sản phẩm ra thị trường đúng deadline -2 tháng”. Việc xin sếp đã biến tụi mình vào đúng tình trạng của con ếch. Tụi mình thay đổi mục tiêu thay vì thay đổi chính mình.

Nếu lần nào tụi mình gặp vấn đề cũng lùi deadline như vậy, tự nhiên team mình mất đi cái khả năng sắp xếp, phân bổ, ưu tiên công việc, mất đi sự chủ động và “máu chiến” để giục các team khác làm cho đúng hạn. Và nếu lần nào (tụi mình kì vọng là) cũng có một ông sếp lớn cho phép lùi deadline, thì các kĩ năng kể trên càng ngày càng thui chột hơn và dần dần team mình mất khả năng thực hiện bất cứ việc gì đúng hạn (vì có bao giờ là không có biến??)

Tệ hơn, nếu team nào trong công ty mình cũng như vậy, thì công ty sẽ phát triển như rùa bò.

Kết quả: Dự án X vẫn trễ 2 tháng so với dự kiến, nhưng đây là do nhiều lý do khác, không phải do thiếu nhân lực.

Mình thấy rất biết ơn anh sếp lớn vì kiên quyết giữ nguyên deadline. Nếu không, có lẽ tới thời điểm của bài post sản phẩm mới thò mặt ra thị trường.

III.

Sếp lớn đã dạy cho mình một bài học quan trọng: Khi có biến cố xảy ra, hoặc chúng ta giảm mục tiêu xuống, hoặc đẩy bản thân lên.

Việc sếp lớn kiên quyết không lùi deadline, đúng là sẽ làm team mình rất khổ, nhưng bù lại giữ được standard làm việc của team: gặp thử thách là đương đầu một cách chủ động và cố gắng bằng mọi giá làm xong đúng hạn.

Nhờ (áp lực từ) anh, mà team mình và toàn bộ nhóm sản phẩm mới gồng lên 200% công lực, và làm được điều mà ai cũng nghĩ là không khả thi. Thời điểm đó gần như hôm nào tụi mình cũng ở lại tới 7 rưỡi, 8 giờ mới về, ngày này qua ngày khác.

Mình thấy bài học này đặc biệt liên quan tới việc tạo thói quen. Khi mới lên kế hoạch, chúng ta luôn rất tham vọng: dậy sớm 5 ngày trong tuần, đọc sách 30 phút mỗi ngày. Nhưng khi biến cố xảy ra (trời lạnh nên ngủ hơi ngon, hôm nay làm việc căng thẳng nên buồn ngủ đọc sách không nổi…), các mục tiêu trên dần bị giảm xuống còn 4 ngày / 15 phút, rồi 3 ngày / 3 trang sách, rồi… biến mất. Dần dần trạng thái lý tưởng (mục tiêu) của chúng ta bị đẩy xuống thành trạng thái thực tế.

Nhưng nếu chúng ta giữ nguyên mục tiêu, mọi sự thay đổi sẽ diễn ra trong cuộc sống. Chúng ta biết cách từ chối các cuộc hẹn muộn, từ chối lướt tiktok thêm dăm ba phút, biết bố trí công việc để đúng giờ là có thể lên giường.

Mình thì không nghĩ rằng “Cứ là người dậy sớm sẽ là người thành công”. Nhưng mình tin rằng việc giữ được cho bản thân dậy sớm một cách đều đặn không chỉ đem lại các lợi ích trực tiếp của việc dậy sớm, mà còn rèn bản thân sự kỉ luật để không thỏa hiệp – và điều này cực kì có lợi nếu bạn muốn thành công trong cuộc sống.

Chúng ta càng phát triển bản thân bao nhiêu, các mục tiêu mới lại càng cao hơn bấy nhiêu

Dĩ nhiên, mình không cổ súy việc cứ đặt ra mục tiêu nào thì phải cố làm cho nó kì được ¯\_(ツ)_/¯

Ai cũng cần tìm được điểm cân bằng để bản thân không bị burn out hoặc mất đi những thú vui trong cuộc sống.

Mình chỉ muốn nói rằng, khi biến cố xảy ra trong cuộc sống, bạn có thể thử dừng lại 1 phút để nghĩ xem bạn đã từng vượt qua một biến cố tương tự như vậy chưa, và bạn đã từng làm tốt như thế nào. Bạn có thể chọn đó làm tiêu chuẩn của mình cho lần này, hoặc chấp nhận giảm tiêu chuẩn đó xuống.

Nên nhớ rằng con ếch chết không phải vì bị bỏng, mà vì nó chọn ở trong nồi cho tới khi không đủ khả năng để thay đổi trạng thái hiện tại được nữa.

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng hơn 8000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Around the Internet (mấy thứ buồn cười hài hước trên Internet)
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và newsletter thuộc hệ sinh thái Many One Percents

2 Comments

  • Kien says:

    Thank a. Food for thought đầu tuần

  • Nguyên says:

    Bài viết hay quá anh ạ! Lúc trước em cũng đã biết sơ sơ về thí nghiệm con ếch này, nhưng bây giờ mới được biết sâu về trạng thái hiện tại vs trạng thái lý tưởng.
    Nhân tiện anh cho em hỏi Quy trình các bước anh học 1 điều mới là như thế nào? Nghĩa là B1: anh chủ động tìm nó trên google, hoặc anh bắt gặp nó ở bài viết nào đó hay ho rồi lưu lại xem sau hay sao ạ => B2, B3 anh xử lý như thế nào để vừa học thêm những thứ hay ho mới cho bản thân, vừa edit và design biểu đồ với hình minh họa đẹp thế ạ? Anh có chu trình 1 ngày hiệu quả khi còn ở VN và giờ qua Singapore là như thế nào không ạ?
    Em hy vọng được nghe thêm chia sẻ từ anh. Hè này em đang cố gắng tiết kiệm để tháng 9 đăng ký học blogging cùng anh và anh Tùng nè ạ ^.^

Leave a Reply