Skip to main content

Trong quá trình học cách xây dựng hệ thống quản lý kiến thức cá nhân, mình có tình cờ biết tới một phương pháp ghi chú gọi là The Cornell Method.

Cornell là trường đại học danh tiếng thuộc nhóm Ivy League ở Mỹ, do vậy khi biết có một phương pháp ghi chú mang tên ngôi trường này, mình ngay lập tức phải tìm hiểu ngay.

Phương pháp ghi chú Cornell dành cho ai?

Sau khi tìm hiểu, mình thấy rằng phương pháp ghi chú Cornell sẽ phù hợp nhất với các bạn học sinh, sinh viên, và các bạn đang đi làm mà phải tham gia nhiều hội thảo, training sessions.

Lý do: những notes sinh ra từ phương pháp này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian khi xem lại và nhớ kiến thức lâu hơn, phù hợp với bối cảnh thi cử hoặc “kiểm tra bài cũ” tại các công ty.

Lưu ý: phương pháp ghi chú Cornell không giải quyết vấn đề “quên không review notes” hoặc “không có thời gian để review notes” đâu nhé.

Nguồn gốc phương pháp ghi chú Cornell

Phương pháp ghi chú Cornell được phát minh bởi giáo sư ngành giáo dục Walter Pauk – người từng công tác tại trường đại học Cornell. Ông được biết đến bởi cuốn sách nổi tiếng How to Study in Colleage (Cách học ở trường đại học), trong đó có đề cập tới phương pháp ghi chú này.

Theo như mình tìm hiểu, mặc dù có tên là Cornell nhưng không phải sinh viên nào trong trường Cornell cũng áp dụng. và thậm chí có những sinh viên còn chưa bao giờ nghe tới phương pháp này. Một sự thật thú vị khác là nhiều bạn còn được thầy cô dạy phương pháp này từ trước khi vào đại học.

Một đoạn hội thoại của sinh viên trường Cornell. Nguồn: Reddit

Theo mình đánh giá thì phương pháp Cornell ít nổi bằng Zettelkasten trong cộng đồng note takers, tuy nhiên mình thấy phương pháp này cũng rất khoa học và hoàn toàn xứng đáng được bạn thử nghiệm.

Thế nào là ghi chú theo kiểu Cornell?

Một ghi chú theo kiểu Cornell sẽ gồm 4 phần cơ bản:

  1. Tiêu đề
  2. Ý chính/câu hỏi
  3. Nội dung
  4. Tóm tắt

Cornell notes có cách bố trí các mục rất cụ thể: phần Tiêu đề ở trên cùng, phần Nội dung và phần Ý chính/câu hỏi sẽ ở cạnh nhau (trong đó phần Nội dung chiếm 2/3 diện tích trang giấy) và ở dưới cùng là phần Tóm tắt.

Sau đây là nội dung của từng mục. Xin lưu ý: các mục dưới đây được sắp xếp theo đúng thứ tự mà bạn sẽ ghi chú luôn.

1. Tiêu đề

Tiêu đề của Cornell notes bao gồm chủ đề của buổi training hoặc tên bài học, kèm theo ngày ghi chú để dễ dàng soát lại.

Tiêu đề càng chi tiết thì đến lúc bạn tìm lại note càng dễ dàng.

2. Nội dung (cột bên phải)

Ở phần này, chúng ta sẽ viết lại vắn tắt những gì mình nghe thấy trên lớp/công ty, thay vì việc copy nguyên xi những gì thầy cô nói/viết trên bảng.

Nếu bạn dùng laptop, hãy gõ lại những từ khóa quan trọng trong lúc bạn nghe, thay vì copy paste nguyên xi trên slide hoặc gõ nguyên đoạn mà cô vừa viết.

Ở phần này, chúng ta sẽ ghi chép lại (record) chứ chưa cần phải phân tích hay mô tả lại kiến thức theo ý hiểu của mình (interpret), vì việc đó khá tốn thời gian trong khi thầy cô sẽ không tạm dừng để chờ chúng ta viết.

Đây là một ví dụ rất dễ hiểu về cách bạn có thể tiết kiệm thời gian khi ghi chú ở phần nội dung này

Phần mũi tên là các gạch đầu dòng, còn khoanh tròn là viết tắt, ký hiệu.

Nguồn ảnh

Lưu ý nhỏ: Nếu bạn đang viết ghi chú trên giấy thì nhớ cách dòng giữa những đoạn nội dung quan trọng, để phục vụ cho phần tiếp theo 😀

3. Ý chính/câu hỏi (cột bên trái)

Sau khi chúng ta có một loạt những ghi chú ở bên phải, việc chúng ta cần làm là tóm tắt lại những ghi chú đó ở bên trái.

Chúng ta có thể tóm tắt lại bằng một câu diễn xuôi, ví dụ: “Định nghĩa về Economy of Scales”, hoặc cũng có thể là một câu hỏi: “Economy of Scales là gì?”

Mục tiêu của việc tóm tắt này là để kích thích chúng ta suy nghĩ chủ động về những gì mình đang học, và buộc chúng ta phải hiểu cái mình vừa chép xuống là cái gì. Điều này sẽ tránh việc chúng ta cứ chép bừa phứa mà không để ý về sau mình đọc lại có hiểu hay không.

Bên cạnh việc đặt câu hỏi để tóm tắt, đây cũng là phần bạn đặt những câu hỏi về chính câu tóm tắt mà bạn vừa viết luôn.

Giả dụ, bạn đang tóm tắt phần ghi chú bằng câu: “Bàn tay vô hình (thuật ngữ kinh tế) mang lại nhiều lợi ích xã hội” để tóm tắt cho những lợi ích xã hội mà nó đem lại.

Ở phần này, nếu là mình, mình sẽ tự đặt ra câu hỏi:

  • Ngoài lợi ích xã hội ra thì có mang lại lợi ích cá nhân không?
  • Khi nào thì nó mang lại lợi ích xã hội?
  • Khi nào thì nó không có ích?
  • Người khai sinh ra định luật này hoạt động ở thời điểm kinh tế, chính trị, xã hội thế nào? Bây giờ câu này còn đúng không?

Những câu hỏi này có thể được trả lời ngay trong buổi học, nhưng cũng có thể chưa. Việc đặt thêm câu hỏi giúp mình (1) chủ động suy nghĩ về cái mình đang học và (2) tìm hiểu vấn đề sâu hơn. Lúc mình ôn thi, mình sẽ chỉ cần cố gắng trả lời được hết các câu hỏi này, mà không mất thời gian ngồi mày mò lại đống viết lách nguệch ngoạc phía bên phải (đôi khi còn chẳng hiểu gì nữa).

Danh sách những câu hỏi bên tay trái giống như một cái đề cương do chính mình tạo ra, nên lúc ôn lại cũng sẽ dễ nhớ hơn rất nhiều.

Mình thấy câu hỏi của bạn này rất hay, lúc ôn thi chỉ cần trả lời được hết mấy câu này là coi như hiểu hết toàn bộ notes.

Nguồn ảnh

Bạn có thể thắc mắc:

Tại sao lại phải viết phần Ý chính/Câu hỏi bên trái, và phần Nội dung bên phải? Sao không phải ngược lại?

Trả lời:

Viết ngược lại sẽ thuận chiều lúc chúng ta ghi chép hơn (nội dung trước, rồi tóm tắt bên cạnh). Nhưng nếu viết thế này sẽ thuận chiều lúc chúng ta review note hơn. Chúng ta sẽ đi từ Ý chính / Câu hỏi trước, rồi mới đến chi tiết. Bạn có thể xem cách nào phù hợp với bạn để sử dụng.

4. Tóm tắt

Việc tóm tắt yêu cầu chúng ta (một lần nữa) phải chú tâm xem lại toàn bộ những gì đã học, kết nối chúng lại, và khái quát hóa theo cách bao hàm được hết mọi kiến thức.

Điều này vừa giúp chúng ta nhớ bài kĩ hơn (khoa học chứng minh), vừa giúp chúng ta tiết kiệm thời gian lúc ôn thi. Chỉ cần mở note ra, đọc phần tóm tắt trước để hiểu khái quát nhất, rồi đi qua từng câu hỏi bên tay trái để nắm được phần sườn, và cuối cùng là đi qua tiểu tiết để giúp lập luận của chúng ta được vững.

Áp dụng phương pháp ghi chú Cornell

Trên đây là toàn bộ các bước của phương pháp ghi chú Cornell. Nếu bạn đã đọc tới đây, chắc chắn bạn sẽ nhận ra một điều: Nếu bạn dùng giấy và bút thì có thể bắt đầu với phương pháp này ngay. Vậy còn nếu bạn muốn ghi chú trên máy tính thì sao?

Là một người đã chuyển từ note giấy sang máy tính, đây là câu hỏi đầu tiên của mình sau khi mình tìm hiểu về cách thức của phương pháp này.

Trên máy tính, sẽ mất rất lâu để chúng ta có thể tạo ra một trang word có bố cục giống như một tờ giấy note Cornell (thứ mà chỉ với giấy, bút và thước kẻ rẹt rẹt là ta có thể tạo được). Và chính vì sự khó khăn này, buộc lòng mình phải tìm hiểu về nguyên tắc cốt lõi của phương pháp Cornell để từ đó tự sáng tạo ra một cách ghi chú hợp với môi trường số.

Và đây sẽ là chủ đề để mình nghiên cứu trong thời gian tới.

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percents
  • Những ưu đãi của đối tác của Many One Percents

6 Comments

  • mai says:

    Hehe, thì ra ô cmt ở tận cùng thế giới đáy post, nhờ post này em ngựa search luôn cornell note in obsidian mà có thiệt, obsidian đỉnh quá anh.

    • Tuanmonn says:

      Aida, anh mới search ra cái video youtube đúng không =))) hay quá để hôm nào a thử xem sao.

  • Hmmm, đọc xong em nghĩ là cũng có thể tạo một cái template để vừa ngồi học, vừa ghi chú theo phương pháp này. Các phần cũng lần lượt từ 1 đến 4 như vậy, chỉ khác là theo hướng dọc xuống dưới cho đơn giản. Hoặc là mình có thể dùng 2 cái pane để ngang song song, cũng có thể dùng cái Advanced Table, Kanban. Em cũng chưa thử những cách này, chắc em phải tìm hiểu thêm thôi.

    Mà em còn có ý tưởng là kết hợp thêm cái plugin Spaced Repetition để đặt sau những câu hỏi, như vậy sẽ tự động hoá được quá trình học của mình luôn. Nhân tiện đây anh anh nghĩ sao về phương pháp lặp lại ngắt quãng hay được dùng để học từ vựng với Anki, RemNote,… ạ? Anh có sử dụng nó không và có thấy nó hiệu quả không? Nếu có thì anh kết hợp nó với việc linking ideas ở Obsidian như thế nào?

    Em cảm ơn anh vì đã chia sẻ những bài viết rất bổ ích!

    • Tuanmonn says:

      Anh đã từng sử dụng Anki để học tiếng Nhật. Anh thấy khá hiệu quả, nhưng hạn chế lớn nhất của Anki đó là mình phải đầu tư khá nhiều công sức để tạo flash card, và số lượng card cần review thì ngày một lớn hơn (lớn tới mức anh nhìn là annr rồi á…).

      Cộng đồng Obsidian có plugin để kết hợp với Anki mà anh chưa thử, vì thực ra giờ cũng chưa có use case cho nó lắm.

      Cảm ơn em đã ủng hộ blog nha!

      • Lê Minh Quân says:

        Dạ anh, mà lúc trước anh học tiếng Nhật có nhằm mục đích gì không hay chỉ như hobby thôi? Anh thấy như thế nào về việc học thêm ngôn ngữ thứ 3?

        • Tuanmonn says:

          Haha hồi đó anh tính qua Nhật đi học cao hơn và đi làm luôn =)) Do cũng mê manga với văn hóa Nhật nên tự ủn đít mình học =)) anh nhận ra là học thêm ngôn ngữ thứ 3 không chỉ là biết thêm cách nói ngôn ngữ đó, mà còn hiểu thêm cả một nền văn hóa – hiểu theo một tầng sâu hơn rất nhiều so với những văn hóa phẩm mình được tiếp xúc hằng ngày.

Leave a Reply