Từ trước đến nay, mình luôn tin rằng: để đạt được năng suất cao nhất, mình phải ở trong trạng thái Deep Work càng nhiều càng tốt.
Nếu bạn chưa biết: Deep Work là trạng thái làm việc không bị xao nhãng, trong đó não bộ của bạn phát huy được tối đa khả năng để suy nghĩ.
Với định nghĩa như vậy, mình luôn tìm cách né tránh mọi sự xao nhãng ở văn phòng (thông báo Slack, Email, chat chit với mọi người), chỉ để có thêm thời gian và không bị kéo ra khỏi Deep Work. Đúng hơn, phải làm sao cho càng ít xao nhãng càng tốt, càng tách biệt càng tốt.
Thậm chí, mình còn có hẳn một session để chia sẻ về cách mình “giành lại thời gian Deep Work” (nghe căng không) ở nơi công sở.
Nhưng mình đã nhầm.
Covid.
Mình bắt đầu work from home từ tháng 5 năm 2021. Tính tới giờ chắc lên văn phòng được khoảng 1 tháng, còn lại là làm ở Hà Nội hoặc Sài Gòn.
Sau một thời gian dài work from home (wfh), với vô số thời gian ngồi một mình và ngắm cầu Phú Mỹ trước mặt, không có đồng nghiệp cười đùa nói chuyện bên cạnh, cũng không bị xao nhãng bởi “Tuấn ơi đặt trà sữa” hay “Tuấn ơi đi ăn trưa”, năng suất của mình bị sụt giảm nghiêm trọng.
Ở đây mình đo đạc năng suất của mình một cách cảm quan bằng (1) độ sâu trong suy nghĩ và (2) sự tập trung của mình.
(1) Khi wfh, nhiều khi cùng là một kiểu vấn đề, nhưng những phân tích và giải pháp mà mình đưa ra không được bao quát và chuẩn chỉnh như ngày còn đi làm ở văn phòng. Điều này có nghĩa, mình hoàn toàn có thể nghĩ được, nhưng bằng một cách nào đó lại không nghĩ ra.
(2) Mình bị mất tập trung nhiều hơn. Mình hay vô thức bật youtube, facebook, instagram, linkedin, email lên check, mặc dù mình không hề mong chờ điều gì từ các nền tảng đó cả (và cũng check tới mức chẳng có gì để mà check nữa cả)
Mình không phải người duy nhất gặp vấn đề này. Mình đã nói chuyện với các bạn designer, data analyst và product manager ở công ty mình lẫn công ty khác, và đa số cũng gặp vấn đề tương tự (chỉ là với những hình dạng khác nhau )
Do lịch sinh hoạt của mình không hề thay đổi giữa thời kì work from home (wfh) và thời kì work from office (wfo), và sự khác biệt duy nhất nằm ở lượng “xao nhãng” xung quanh, mình đã đưa ra giả thiết (nghe khá hợp lý) rằng:
Sự xao nhãng ở văn phòng là cần thiết cho năng suất cá nhân, về trung-dài hạn.
Đơn cử như chuyện lướt mạng xã hội. Mình đoán rằng khi làm ở nhà, ngồi một mình lâu, và với tính cách thích giao tiếp của mình, cảm giác buồn chán là điều khó tránh khỏi. Trước đây khoảng thời gian buồn chán của mình sẽ (không hề tồn tại mà) bị thay thế bởi những chit chat nho nhỏ với người ngồi kế bên, những sự kiện bất ngờ xảy ra ở công ty (cúp điện, một anh lập trình viên làm tóc xoăn…). Bây giờ, mình sẽ phải (vô thức) tìm tới những nơi có sự liên kết giữa người với người để thỏa mãn điều đó.
Và dĩ nhiên, sự xao nhãng trên văn phòng sẽ “healthy” hơn mạng xã hội vì nó vui vẻ, chứ không mang lại peer pressure và sự mắc kẹt trong dòng chảy cuộc đời.
Vui thì không buồn ngủ. Vui thì có cảm hứng làm việc. (Khả năng cao là) vui thì cũng năng suất hơn.
Bên cạnh sự vui vẻ, chất xúc tác cho năng suất (nhóm) cũng đến từ những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên (hay được gọi là water cooler conversation). Những cuộc trò chuyện này sẽ thường xảy ra khi có ai đó đi ngang qua bàn mình (hoặc ngược lại), trước/sau một buổi họp, hoặc trong lúc cùng nhau đi thang máy lấy xe đi về.
Mình rất thích những cuộc trò chuyện này, vì chủ đề của nó thường là ngoài công việc (thứ mà mình đã phải trao đổi một cách chuyên nghiệp từ 9h sáng tới 6h chiều), và nó giúp mình hiểu về anh em công ty hơn.
Đối với công việc làm Product thì không có sự phân biệt quá rạch ròi giữa mối quan hệ cá nhân và công việc. Mình thấy rằng mình càng kết nối được với mọi người về mặt cá nhân bao nhiêu, thì lúc làm việc càng hiệu quả bấy nhiêu. Điển hình là việc hiểu về những khó khăn mà các cá nhân hiện tại đang gặp phải giúp cho mình lên kế hoạch, đặt deadline và tính đến các trường hợp xấu nhất một cách chính xác hơn. Hoặc đơn giản là khi anh em đã thân với nhau thì lúc hỏi han nhờ vả mấy thứ lặt vặt nó cũng dễ chịu hơn nhiều lắm =))))
Sự thân thiết giữa các anh em đến từ những trao đổi thân mật/ngẫu nhiên tại văn phòng – điều mà wfh không bao giờ có được.
Khi wfh, mình và đồng nghiệp cố gắng tạo ra “khoảnh khắc” để kết nối với nhau thông qua những câu chào và hỏi thăm ngay trước khi/sau khi meeting xảy ra (điều làm mất đi tính ”ngẫu nhiên” vốn có của nó). Mọi người cũng cố gắng lựa chọn những công cụ mới để tăng sự hưng phấn cho anh em (dùng Gather để họp, dùng Gartic Phone để chơi lúc Happy Hour).
Nhưng khi số lượng meeting ngày càng nhiều lên (do wfh nên không thể gặp nhau trao đổi trực tiếp được), thì mọi người cũng sẽ (một cách tự nhiên) chuyển về các công cụ truyền thống (Meet, Zoom), và loại bỏ việc chia sẻ về cuộc sống cá nhân để tiết kiệm thời gian. Và thế là, cái cảm giác cô đơn và thiếu kết nối với tập thể lại quay trở lại, khiên cho tâm trạng của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng và (do đó) năng suất cũng tụt không phanh.
Ngay cả nhân viên từ tập đoàn lớn như Microsoft cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Họ cảm thấy bị tách biệt khỏi bạn bè đồng nghiệp, không biết họ đang làm gì và thiếu sự tương tác xã hội. Trong đó, 57% nói rằng họ cảm thấy khó khăn trong việc cùng brainstorm cùng đồng nghiệp khi wfh. (Nguồn)
Quay trở lại bài toán deep work ban đầu, giờ đây mình đã nhận ra rằng một môi trường hoàn toàn không xao nhãng lại không hề hoàn hảo đối với năng suất cá nhân, hoặc ít nhất là đối với tính cách và tính chất công việc (Product Management) của mình. Vì vậy hướng tới một tương lai hoàn toàn không xao nhãng (để tập trung sâu) không phải là một chiến lược hợp lý.
Trên thực tế, sự xao nhãng mới là chất xúc tác tuyệt vời cho năng suất, và nó nên được tồn tại song song với deep work để một người có thể vừa xây dựng được những nền móng vững chắc cho công việc (các mối quan hệ thân thiết), vừa có thể giải quyết được những công việc ngắn hạn với chất lượng tốt nhất.
Một tương lai đẹp nhất là tương lai mà chúng ta có cả thời gian deep work và thời gian “được” xao nhãng. Và dĩ nhiên, môi trường tuyệt vời nhất cho hai thứ này xảy ra là ở văn phòng #teamoffice.
Đăng ký nhận Newsletter
Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.
Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ được:
- Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
- Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
- Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
- Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
- Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percents
Cảm ơn Mon đã chia sẻ bài viết hay, mình hiện cũng gặp trường hợp tương tự, thấy nhiều lúc cô đơn kinh. Nhưng khác ở chỗ là mình là làm việc remote thì liệu có cách nào khác để tăng sự giao tiếp hay tương tác không?
Hello Sơn,
Với mình thì mình hay đi ăn uống, hoặc vui chơi gì đó cùng mọi người ngoài giờ làm việc. Cái hồi bị lockdown thì anh em trong công ty hay có trò bật Zoom lên vừa video call vừa làm việc (hoặc giờ có Slack huddle rồi, cũng same same)
Trong trường hợp của Sơn thì mình đoán là team không ở chung một thành phố, nên có thể sẽ khó hơn. Mình thú thật là cũng chưa nghĩ ra cách nào hiệu quả 🙁
Mình có biết anh bạn này cũng làm quản lý sản phẩm, làm remote. Cách anh làm đó là hằng ngày sẽ meeting với team vào buổi sáng để catchup và update công việc, cuộc sống, sau đó việc ai nấy làm. Mình nghĩ cách này cũng chưa triệt để lắm, vì sự giao tiếp *trong ngày làm việc* vẫn bị thiếu thốn.
Nếu Sơn tình cờ phát hiện ra cách nào hay thì chỉ mình với nhé. I’m all ears.
Hay ông ơi!
Chuyện là em đang loay hoay với việc tìm ra cách deepwork hiệu quả và cũng nghĩ đến việc off noti để tránh bị làm phiền thì thấy bài viết này của anh. Cảm ơn anh vì đã chia sẻ một góc nhìn mới khá thú vị ạ