Skip to main content

Mình thuộc tuýp người dễ thích nghi với mọi thứ, nhưng không dễ hài lòng với tình trạng hiện tại, đặc biệt là những thứ mình không được lựa chọn, hoặc không được lựa chọn điểm khởi đầu cho hiện trạng của nó (ví dụ: mình về Hà Nội trong thời gian phong tỏa, buộc phải ở nhà 5 tháng liên tiếp ಥ_ಥ)

Vì thế, mình luôn thích thử nghiệm mọi thứ trong cuộc sống để tìm thấy phiên bản tốt hơn của nó.

Tranh thủ những ngày đầu năm 2022, khi mà cảm xúc của mình bị cuốn theo dòng chảy của “My 2021 year in recap” và “What is the one thing you want to tell me before 2021 ends”, mình cũng muốn chia sẻ những thí nghiệm (hơi hơi thành công) của bản thân trong năm vừa rồi.

Mình không nghĩ rằng các thí nghiệm dưới đây sẽ áp dụng được cho tất cả mọi người, nhưng hi vọng nó sẽ cho bạn một điểm khởi đầu trong năm 2022 để tự thí nghiệm với cuộc sống của chính mình.

Podcast kể chuyện > podcast học thuật

Cải thiện: 1% về sự sáng tạo

Khi mình mới bắt đầu nghe podcast, mình đặt ra mục tiêu để “học được một cái gì đó mới”.

Thời điểm mình (chỉ) nghe podcast được thường rơi vào lúc trước khi đi ngủ, hoặc trong lúc mình vệ sinh cá nhân, tắm rửa buổi sáng sớm.

Một vài podcast mình hay nghe trong năm 2021

Ban đầu, mình lựa chọn những podcast mang tính phân tích học học thuật/kĩ thuật, đơn giản vì… chúng khá hàn lâm và nhiều kiến thức mới. Nhưng mình nhanh chóng nhận ra rằng thời điểm mình lựa chọn để nghe những podcast này không cho phép mình đủ tập trung để thực sự suy nghĩ và hiểu được những vấn đề được mổ xẻ trong các podcasts này. Mặc dù tất cả những Podcasts này đều được bạn bè mình và cộng đồng mạng hết sức ca ngợi, và cá nhân mình tự thấy là cực kì xuất sắc về nội dung, nhưng chỉ là mình không nhớ được gì nhiều sau khi nghe các podcast này.

Một vài podcasts thuộc thể loại này mà mình từng trải nghiệm:

  • Oddly Normal by Van Nguyen – Bàn luận và tìm hiểu về nhiều mặt trong cuộc sống (mô tả này không đủ để miêu tả về độ hay của podcast, xin hãy nghe để hiểu hơn)
  • Talks at Google – Phỏng vấn những bộ óc vĩ đại trên thế giới về những nghiên cứu của họ
  • Tradeoffs by Patrick Campbell, Hiten Shah, Steven Cerasoli, Ben Hillman – Bàn luận các chủ đề liên quan tới công nghệ và phát triển sản phẩm
  • Huberman Lab by Dr. Andrew Huberman – Bàn luận các chủ đề về khoa học thần kinh dưới góc độ ứng dụng trong cuộc sống (vd: vì sao chúng ta mất động lực)

Khi thấy các podcasts hàn lâm không phù hợp, mình chuyển qua podcasts có dạng kể chuyện (host trò chuyện cùng khách mời, hoặc host tự kể chuyện).

Và mình thấy ngay sự khác biệt.

Mình nhớ nội dung podcast lâu hơn và mình có nhiều ý tưởng mới hơn (từ các chi tiết siêu nhỏ trong podcast).

Podcasts ở dạng kể chuyện thường mang nhiều yếu tố cảm xúc, và luôn có những sự kiện thú vị, bất ngờ, do đó mình cảm thấy rất gần gũi và dễ hiểu. Bên cạnh đó, hình thức đối thoại/kể chuyện tuyến tính giúp cho mình theo dõi câu chuyện rất dễ dàng. Ngay cả khi mức năng lượng cuối/đầu ngày của mình không còn/chưa đạt tới mức cao nhất đi nữa, và nó khiến mình bị lỡ một vài chi tiết trong câu chuyện, mình vẫn có thể hiểu được nội dung chính của nó và qua đó vẫn có cho mình những bài học riêng.

Một vài podcasts thuộc thể loại này mà mình đã và đang nghe hằng ngày:

  • How I built this with Guy Raz by NPR (podcast mình nghe nhiều nhất 2021) – Phỏng vấn những nhà sáng lập của các công ty (đa số là công ty công nghệ)
  • Unlock FM (podcast tiếng Việt mình yêu thích nhất) – Bàn luận về năng suất, phỏng vấn những người trẻ thành đạt
  • Recode Daily by Recode – Kể về những câu chuyện công nghệ mới nhất trên thế giới
  • No Such Thing As A Fish – Các hosts chia sẻ về những sự thật buồn cười/ngớ ngẩn/khó tin trong cuộc sống

Một điểm mình muốn nhấn mạnh đó là có những tập podcast mặc dù mình nghe lúc rất buồn ngủ, nhưng mình lại nhớ rất lâu mà không hề cần ghi chú gì hết. Đây chính là điểm giúp mình nhận ra hình thức podcasts này thực sự hợp với bản thân.

Nguồn kiến thức mới: Newsletters

Cải thiện: 1% về thời gian và kiến thức

Đối với mình, newsletters là một trong những khám phá quan trọng nhất của năm 2021.

Trước đây, mình thường vào những trang web nổi nổi một cách ngẫu hứng (Tech Crunch, Ycombinator), và tìm xem có bài nào hay để đọc. Điều này có hai vấn đề:
1) Mình thường mất khá nhiều thời gian để tìm thấy một bài viết hay (tệ nhất: không tìm thấy bài viết nào hay cả. Tệ nhất nhất: điều này xảy ra rất thường xuyên)
2) Các bài viết hay lại thường khác với chủ đề mà mình đang quan tâm tìm hiểu

Và vấn đề của vấn đề nằm ở chỗ mình chỉ nhận ra hai vấn đề này khi tìm thấy giải pháp tốt hơn – Newsletters.

Newsletters là mô hình mà tác giả sẽ gửi email hàng tuần/tháng cho độc giả, trong đó tác giả sẽ phân tích chuyên sâu về một chủ đề nào đó, hoặc tổng hợp lại những kiến thức hay mà họ đã đọc trong tuần (giống mô hình hiện tại của newsletter Many One Percents)

Thói quen mới: Mở inbox mỗi sáng không phải để check công việc mà đọc newsletters

Newsletters mà mình hay chọn đọc là nơi mà:
1) Người viết đã dành rất nhiều thời gian đọc trên mạng (điều mình làm ở số 1) ở trên), và chia sẻ lại các bài viết hay nhất (khác) cho mình. Tiết kiệm được nhiều thời gian mà toàn các nguồn chất lượng!
2) Người viết dày công nghiên cứu và phân tích về một chủ đề nào đó (mà mình quan tâm)

Xin được lưu ý là các bài viết hay nhất trên mạng mình từng đọc lại thường ít khi đến từ các trang web nổi tiếng, mà lại đến từ các newsletters cá nhân.

Lý do cho điều này bởi vì những bộ óc sáng tạo nhất, năng suất nhất nhiều khi không tập trung vào việc quảng bá cho blog của họ, hoặc blog của họ cực kì kén chọn người đọc (hãy thử Dan Luu với blog toàn chữ là chữ của anh ấy – đây là một blog siêu chất lượng nhưng không hề thân thiện với người đọc T_T)

Một vài newsletters hay nhất mà mình sẽ đọc ngay khi nó đến inbox của mình:

  • Commoncog by Cedric (mình siêu thích) – bàn luận, phân tích về kinh doanh và cách suy nghĩ, đưa ra lựa chọn hiệu quả
  • Ava from bookbear express – những bài văn tản mạn về nhiều vấn đề trong cuộc sống, khiến mình suy nghĩ rất nhiều.
  • Wait But Why – bàn luận gần như tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống theo góc nhìn hài hước
  • Benn Stancil – quan điểm của Benn về mọi ngóc ngách của ngành Data Analytics, dưới góc độ CEO của một công ty làm về dữ liệu
  • Lenny’s Newsletters – những bài học siêu chất lượng về ngành Product Management và Growth từ Lenny Rachitsky
  • Akwaaba Tung – những quan sát và suy ngẫm của Tùng, một bạn trẻ đam mê theo đuổi ngành giáo dục, một người mình cực kì ngưỡng mộ
  • Bring The Donut by Ken Norton – insight về ngành Product Management từ một cựu nhân viên 14 năm ở Google

Những newsletters trên cũng chính là nguồn cảm hứng và động lực để mình phát triển newsletter Many One Percents ngày một tốt hơn. Hi vọng rằng Many One Percents sẽ sớm được lọt vào trong list những newsletters hay nhất mà bạn thường xuyên đọc.

Bắt “nhịp” bản thân

Cải thiện: 1% chất lượng công việc ở một thời điểm nhất định trong ngày

Năm 2021 mình đã thử lượng hóa lại nhịp sinh học của bản thân (circadian rhythm) để xác thực xem mình có thực sự hiểu mình như mình nghĩ hay không (spoiler: khá hiểu, nhưng vẫn bất ngờ)

Với kết quả từ hơn 1 tháng chăm chỉ theo dõi và chịu khó ghi chép lại, mình đã xác nhận được mình là một early bird. Bên cạnh đó, quan trọng hơn, mình nhìn ra được những khung giờ mà mức năng lượng trong người mình thay đổi để từ đó bố trí công việc cho hợp lý.

Ví dụ: Khoảng thời gian 18-21 giờ mức năng lượng của mình xuống rất thấp, nên mình thường dành để ăn uống, nghỉ ngơi giải trí. Nhưng từ 21-23 giờ mức năng lượng của mình lại lên khá cao, nên mình dành các công việc sáng tạo (như viết blog chẳng hạn) vào thời điểm này.

Nếu bạn chưa quen với khái niệm nhịp sinh học bản thân, mình đã có một bài viết giới thiệu sơ lược. Còn nếu bạn muốn nắm rõ hơn về cách mình tự tạo ra một energy tracker để đo lại mức năng lượng của mình, mời bạn đọc bài viết phía dưới ?

Backup dữ liệu quan trọng: OneDrive

Cải thiện: 1% về độ an toàn của dữ liệu

Sau vụ mất điện thoại và laptop năm ngoái (cùng vài GB video để up lên youtube), mình cay đắng nhận ra là không thể chỉ dựa vào ổ cứng ngoài để backup dữ liệu quan trọng được.

Bên cạnh đó, năm vừa rồi Google cũng đã hủy dịch vụ upload ảnh miễn phí lên Google Photos, thành ra việc tìm kiếm một giải pháp thay thế là quan trọng hơn bao giờ hết.

Sau khi tham khảo 4 options: Google One, One Drive, Dropbox, và iCloud Drive thì mình đã quyết định gắn bó với OneDrive (dung lượng 1TB – đi kèm bộ Microsoft Office 365 luôn), và cảm thấy khá hài lòng về chất lượng.

OneDrive của mình này

Khi cài OneDrive, nó sẽ tồn tại trên máy tính của mình dưới dạng một thư mục, và bất cứ file nào mình bỏ vào trong đó sẽ được tải lên trên bộ nhớ đám mây. Mình có thể xử lý các file đó offline, và khi nào có mạng thì các file đó sẽ tự động được cập nhật lên OneDrive mà không cần mình làm gì cả, khá là thuận tiện.

Màn hình rời

Cải thiện: 1% về mặt thời gian và độ tập trung

Nếu bạn đã đọc newsletter của Many One Percents từ lâu thì bạn biết rằng mình đã nhắc tới chiếc màn hình rời của mình không dưới 2 lần.

Trước đây mình không tin rằng có thêm không gian điện tử sẽ giúp cho mình làm việc năng suất hơn (thậm chí còn dễ xao nhãng hơn), nhưng phải thú thật là đến khi sử dụng rồi mới hiểu tại sao có những anh dev ở công ty mình dành cả vài chục triệu chỉ để mua một cái màn hình siêu dài, hoặc là có tới hai cái màn hình, một ngang một dọc.

Đây là combo màn hình LG 24 inches + laptop của mình

Dưới đây là một vài trường hợp có một màn hình ngoài vô cùng hữu ích:

  • Khi mình viết blog: Màn hình rời: một bên là editor, một bên là trình duyệt để tiện research luôn mà không phải chuyển tab. Màn hình laptop là một trình duyệt khác có chứa nội dung mà mình đang muốn sử dụng trong bài blog.
  • Khi mình học online: Mình sẽ dành 1/2 màn hình rời cho code editor, 1/2 cho trình duyệt để tiện lên StackOverFlow tìm cách fix lỗi. Màn hình laptop sẽ để Google Meet để nhìn bài giảng của thầy.
  • Khi mình làm việc: Mình sẽ luôn để todo list kèm theo lịch trong ngày của mình ở màn hình laptop, và màn hình rời để làm các công việc trong ngày. Vì mình theo phương pháp timeboxing nên mình có thể nhanh chóng biết khi nào sắp hết thời gian cho một task trong ngày.

Như ở công ty mình thì một vài người sẽ thích dành một màn hình cho Spotify để khi chán thì đổi bài, hoặc lưu bài hát đang nghe vào playlist yêu thích. Màn hình còn lại để làm việc.

Nếu bạn không làm thiết kế hoặc không quá quan tâm đến chất lượng màu sắc cho thật chuẩn thì bây giờ các màn hình chất lượng đang rất vừa túi tiền để bạn có thể đầu tư. Chỉ khoảng 2.5-4 triệu là các bạn đã có cho mình được một màn hình 24 inch rộng rãi rồi đó.

Bonus cho bạn một đoạn hội thoại giữa mình cùng một người bạn sau khi anh ấy mua màn hình:

Viết newsletter này

Cải thiện: 1% trong việc nhớ kiến thức

Hôm trước có một bạn subscriber hỏi mình: vì sao mình có thể duy trì blog và newsletters đều đặn như thế? Và câu trả lời của mình là: trách nhiệm (social accountability) và lợi ích mà mình nhận dược.

Tạm bỏ qua phần trách nhiệm sang một bên, mình muốn tập trung vào phần lợi ích mình nhận được.

Không có cách nào để hiểu kiến thức tốt hơn là dạy nó cho một đứa trẻ – đây chính là châm ngôn của Richard Feynman, nhà vật lý học đoạn giải Nobel. Việc viết newsletter Many One Percents chính là một cách để mình thực hành châm ngôn này.

(à mình không có ý gọi các bạn đọc của mình là trẻ con đâu nhé ಥ_ಥ)

Rất nhiều lần khi viết phần Weekly DiscoveryWeekly Learning cho các bạn subscriber, mình nhận ra là mình hiểu về kiến thức đó hời hợt hơn mình nghĩ rất nhiều. Mặc dù đôi khi mình ghi chú rất đầy đủ, nhưng bằng một cách nào đó mình không thể mô tả được bài học mà mình rút ra được hay sự thú vị của một công cụ mình phát hiện ra. Các bạn có thể check lại newsletter số #47 – bài mình nói về trang Pudding.cool, hoặc số #44 – bài mình nói về “Giả thiết nghề nghiệp”. Đây là hai newsletter mà mình khá lúng túng vì không thực sự hiểu cái mình đang muốn chia sẻ.

Weekly Discovery số #47. Nếu bạn muốn đọc newsletter của Many One Percents thì subscribe ở đây nhé!

Việc viết newsletter lại là một cơ hội “ép” mình phải đọc thật kĩ và hiểu thật chắc kiến thức mình muốn chia sẻ. Bạn đọc của Tuanmon.com nói chung và Many One Percents nói riêng là những người cực kì thông minh và hiểu biết. Mình vừa sợ quê mà vừa sợ đánh mất những người đọc giả quý báu như vậy.

Nhưng thực ra chính vì thế mà mình đã nhận ra lỗ hổng trong việc quản lý kiến thức của bản thân. Mình chưa tìm ra cách khắc phục triệt để ngoài việc chịu khó ghi chú và ghi chú đúng cách hơn (gửi Newsletter chỉ là một giải pháp tạm thời cho những bài mình muốn chia sẻ, còn các bài mình không chia sẻ thì sao?).

Nếu bạn có cách nào để nhớ kiến thức tốt hơn nữa thì nhắn mình biết với nhé!

Kế hoạch trong năm 2022

Khi nhìn lại 2021, mình tự thấy rất vui vì bản thân mình, tuy không có sự đổi mới về những thứ mình làm trong cuộc sống, nhưng đã làm chúng với chất lượng tốt hơn.

Đây chính là “Mastery” – sự tinh thông – là một ba yếu tố thúc đẩy động lực con người (Dan Pink), bên cạnh “Autonomy” (sự độc lập) và “Purpose” (mục đích).

Niềm vui khi đạt được sự tinh thông trong một lĩnh vực/công việc gì đó dần dẫn dắt mình tới một giả định mà mình muốn tiếp tục tìm hiểu trong 2022:

Vậy là mình thuộc dạng người specialist (chuyên gia trong một vài lĩnh vực) hơn là generalist (biết nhiều lĩnh vực khác nhau)

Mình cảm thấy câu giả định trên có vẻ đúng, nhưng mình chưa thực sự chắc chắn 100%. Hi vọng rằng những thí nghiệm sắp tới trong năm 2022 sẽ giúp mình kiếm chứng được giả định này.

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.

Khi đăng ký Many One Percents (cùng gần 2000 bạn đọc khác), bạn sẽ được:

  • Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
  • Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
  • Weekly learning (một bài học mình học được trong tuần)
  • Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
  • Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và podcast thuộc hệ sinh thái Many One Percents

2 Comments

  • Luong says:

    Hi Anh Tuấn Monnn. Cho em hỏi anh manage email như màn hình cap của anh ở trên bằng cách nào và ứng dụng nào được không ạ? Newsletter em subscribe cứ về tùm lum và loạn hết lên làm em lúng túng quá. Cảm ơn anh đã chia sẻ ạ. Bài viết rất hay ạ!!

    • Tuanmonn says:

      Hello Lương! Anh đang dùng Spark được 3 năm nay và vẫn chưa có ý định đổi sang app khác.Còn về cách quản lý email thì em có thể search “email” trên blog của anh và sẽ thấy khá nhiều bài viết về chủ đề này: https://tuanmon.com/?s=email Hi vọng câu trả lời giúp ích cho em 😉

Leave a Reply