Bấm nút ▶️ ở góc dưới bên phải để vừa nghe podcast vừa đọc blog của mình nhé!
Lời nói đầu
Nếu bạn đã từng gặp và tiếp xúc với mình, bạn sẽ nói rằng mình là người thích đi tập gym.
Nhưng kì thực, mình rất ghét đi tập gym.
Tập gym phải dậy rất sớm (5h30), phải đi đều đặn (t2-t7) và phải có lịch tập rõ ràng (hôm đẩy, hôm kéo, hôm chân)
Tập gym phải đầu tư mua găng tay, phải xem các bài tập mẫu trên YouTube (vì nghèo nên không có tiền học PT (╥︣﹏᷅╥᷅) ), rồi phải ăn uống kiêng khem theo chế độ này nọ.
Tập gym mệt nhừ người, đau hết mình mẩy, có sung sướng gì đâu. Chưa kể, hôm nào khởi động ít một tí, đẩy tạ vài hiệp vớ vẩn thế nào cũng dính chấn thương.
Nói chung, tập gym chẳng vui vẻ gì cả. Nếu mình thích tập gym, đúng ra mình sẽ phải giải thích được cho bạn bài A sẽ tác động đến bó cơ nào, bài B sẽ bổ trợ cho bài A ra sao, và đúng ra cơ thể của mình bây giờ phải vô cùng cường tráng, tay đầy dây điện ngoằn ngoèo. Nhưng mình không biết/có những thứ đó.
Lý do mọi người nghĩ rằng mình thích đi tập gym là bởi vì mình duy trì thói quen này đều đặn trong suốt 2 năm vừa rồi.
Còn lý do mình trông giống như thích đi tập gym là bởi vì mình muốn một cơ thể khoẻ mạnh. Vậy thôi.
Thói quen là gì?
Tìm kiếm “Thói quen là gì” hay “what is a habit” ở trên Google thì bạn sẽ nhận được hàng triệu câu trả lời khác nhau.
Bạn sẽ nhận được những mô tả từ bao quát…
“Thói quen là những hành động lặp đi lặp lại”
…cho đến cụ tỉ:
“Thói quen là những hành động lặp đi lặp lại, thường xảy ra một cách vô thức và rất khó để từ bỏ”
Thực ra thì sẽ chẳng ai đi lên mạng tìm xem “thói quen là gì”, đơn giản vì khái niệm này đã quá quen thuộc với chúng ta.
Và chính vì thế nên rất nhiều người thất bại trong việc tạo lập thói quen mới.
Có đến 92% những kế hoạch đặt ra trong năm mới không thể thực hiện được (
Nguồn)
Lý do là vì chúng ta đang nhìn vào phần bề nổi của thói quen, mà quên đi bản chất thật sự của nó. Chúng ta cho rằng “có công mài sắt có ngày nên kim”, chỉ cần thực hiện nhiều lần một giải pháp thì thế nào vấn đề cũng sẽ được giải quyết:
Cứ tăng cân thì phải đi tập (đều đặn).
Cứ thấy bản thân kém thì phải đọc sách (đều đặn).
Cứ thấy bạn kia giỏi thì (từ ngày mai!) phải đọc BBC hoặc HBR (đều đặn).
Cứ thấy buồn ngủ thì (từ ngày mai!) phải đi ngủ sớm (đều đặn).
Đáng tiếc, thói quen không phải là chìa khoá vạn năng cho mọi vấn đề.
Tăng cân thì có thể do chế độ ăn uống, do áp lực công việc, do bệnh lý mà thành. Đi tập chưa chắc đã giải quyết được.
Bản thân còn non kém thì có thể do mình đang so sánh bản thân với một người hơn mình cả chục năm kinh nghiệm, do mình không chịu chú ý nghe giảng, do mình không bắt tay vào thực hành. Đọc sách, hay các tờ báo lớn như BBC, HBR hàng ngày chưa chắc đã giải quyết được.
Buồn ngủ có thể do phòng làm việc bí bách, công việc buồn tẻ, đồ ăn chưa phù hợp. Ngủ sớm chưa chắc đã giải quyết được.
Chúng ta – và đặc biệt là các bạn sinh viên trẻ – thường tập trung vào “giải pháp” hay “kết quả” ngay khi chúng ta cảm thấy mình có “vấn đề”.
Thực ra tư duy này không sai (muốn hết béo thì phải giảm cân, hết dốt thì phải học…), nhưng nó đang thiếu một bước, đó chính là câu hỏi: “Đó có thực sự là vấn đề không?”
Về bản chất, thói quen là sự phản chiếu của bản sắc cá nhân (identity), hay chính là lý tưởng sống, là niềm tin, là giá trị của mỗi con người.
Đọc thêm: Identity-Based Habits: How to Actually Stick to Your Goals This Year
Mọi hành động của chúng ta, suy cho cùng, đều phản ánh con người mà chúng ta muốn trở thành (hoặc ít nhất là muốn được xã hội nhìn thấy), dù chúng ta có vô thức hay chủ động nhận thức được điều đó.
Dù là chúng ta có nghĩ ra giải pháp để xử lý vấn đề, nhưng nếu vấn đề không thực sự nhức nhối như chúng ta nghĩ, thì có cố đến mấy chúng ta cũng sẽ không bao giờ duy trì việc thực hiện giải pháp được.
- Hơi mập một chút có thực sự là vấn đề với mình không?
- Thiếu hiểu biết trong lĩnh vực X có phải vấn đề với mình không?
- Buồn ngủ trong giờ làm việc có phải vấn đề với mình không?
Năng lượng, sự tập trung và thời gian của chúng ta đều có hạn, chúng ta không thể giải quyết mọi thứ -tưởng-như-là-vấn-đề trong cuộc sống được.
Và vì thế, bản sắc cá nhân sẽ giúp chúng ta định hướng và thu hẹp sự tập trung vào những vấn đề mà chúng ta thực sự quan tâm.
Ví dụ, ngày bé mình từng được dẫn đi thăm người bệnh nặng, và vì thế nên mình rất sợ bị ốm, mình sợ bản thân có nhiều mơ ước mà không thể làm được cái gì. Vì vậy mình rất quan tâm đến sức khoẻ và luôn muốn duy trì cơ thể ở trạng thái tối ưu nhất cho công việc, cho bạn bè và cho những ước mơ của mình. Việc đi tập gym là giải pháp phù hợp nhất với thời gian biểu và khả năng của mình để bảo đảm cơ thể của mình luôn mạnh khoẻ.
Dĩ nhiên, mình có thể lựa chọn đi chơi đá bóng cùng công ty, hay chơi cầu lông cùng bạn bè, nhưng vì đó là các trò chơi đồng đội nên mình sẽ bị phụ thuộc vào lịch của mọi người, và không thể chủ động thay đổi, điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với bản thân. Thiếu một người trong đội bóng thì không chấp nhận được, nhưng nghỉ tập 1-2 hôm thì chẳng ai bị ảnh hưởng cả.
Nếu lựa chọn một thói quen dựa trên những gì chúng ta thích hoặc tin tưởng, thì tự nhiên ta sẽ có nhiều động lực hay “excuse” để thực hiện chúng mỗi ngày hơn. Đó là lý do việc xem phim Hàn mỗi tối sẽ dễ dàng hơn việc đọc 10 trang sách mỗi ngày (với một số người). Đó cũng là lý do mình có thể duy trì được việc đi tập, đi chạy, hay đọc sách trong năm 2019 vừa rồi. Có thể mình không có một body quá ấn tượng, nhưng sự cải thiện về mặt thể lực thực sự khiến mình muốn tiếp tục quá trình này lâu dài.
Vậy còn bạn, bạn thích điều gì và đang thực hiện thói quen nào để phục vụ điều đó?
Vì sao chúng ta cần tạo thói quen?
Nếu bạn để ý thì thực ra phần trên cũng đã trả lời câu hỏi này rồi.
Thói quen giúp chúng ta hiện thực hoá giá trị và niềm tin của bản thân.
Nếu đặt trong bối cảnh về việc gia tăng năng suất cá nhân thì thói quen sẽ giúp chúng ta gia tăng và bảo toàn năng lượng – một trong ba yếu tố quan trọng nhất giúp cải thiện năng suất cá nhân bên cạnh Thời gian và Sự tập trung (theo Asian Efficiency)
Gia tăng năng lượng: Bất kì một thói quen tốt nào cũng sẽ mang lại cảm giác tích cực cho người thực hiện. Ở đây mình không nói đến tác dụng trực tiếp của thói quen lên người thực hiện (ví dụ tập gym sẽ giúp cho cơ thể mình đẹp hơn), mà mình muốn đề cập đến sự hài lòng mà chúng ta cảm thấy khi nhìn lại chặng đường chúng ta đã đi qua. Sự hài lòng, hay cảm giác mãn nguyện, sẽ đến khi chúng ta thấy mình đã thực hiện được một điều gì đó liên tiếp trong một khoảng thời gian dài (ví dụ với mình là 91 ngày liên tiếp dậy lúc 5h30). Chính cảm giác tích cực này sẽ tạo ra thêm nhiều năng lượng tinh thần (will power) và tâm thế “Don’t break the chain” để chúng ta sử dụng vào ngày tiếp theo.
Bảo toàn năng lượng: Với những bạn sinh viên sắp hoặc mới ra trường thì cuộc sống sẽ có rất nhiều thay đổi. Chúng ta phải liên tục đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, từ những việc lớn như làm thế nào để quản lý thời gian tốt hơn cho đến những việc nhỏ như cách để quản lý đống email khổng lồ sao cho hiệu quả. Những vấn đề này yêu cầu chúng ta phải suy nghĩ và sử dụng nguồn năng lượng tinh thần liên tục.
Đến cuối ngày, khi nguồn năng lượng đó đã cạn kiệt, chúng ta cảm thấy không còn động lực để thực hiện những thói quen tốt mà chúng ta đề ra trước đó. Ta sẽ dễ cảm thấy nản, và từ đó tự cho phép mình “nghỉ một hôm thôi”. Nếu như suy nghĩ tự thưởng bản thân này bị kéo dài liên tục, chúng ta sẽ mất dần động lượng để thực hiện và kết quả là bỏ quên luôn thói quen đó.
Đọc thêm: How Ego Depletion Can Drain Your Willpower
Do đó, việc tạo lập được thói quen từ sớm sẽ giúp chúng ta có thể thực hiện được những việc chúng ta mong muốn một cách tự động mà không cần phải sử dụng đến nguồn năng lượng tinh thần kia.
Những thói quen mà mình ước đã bắt đầu từ hồi sinh viên
Đọc
Một điều mình luôn nuối tiếc là thời sinh viên mình dành quá nhiều thời gian để nói, để làm, nhưng lại không dành thời gian để đọc. Nói đúng hơn là ngày đó mình đọc những thứ mà về sau mình chẳng nhớ được cái gì.
Chẳng là, ngày xưa khi mình học tại FTU, xung quanh mình có rất nhiều các anh chị, bạn bè giỏi. Họ tham gia đủ loại cuộc thi từ lớn tới nhỏ, đa số liên quan đến kinh doanh hay marketing. Vì cũng ham hố muốn được trở thành một phần trong cộng đồng ấy, nên mình có mon men hỏi xin bí quyết của các anh chị bạn đó là gì.
Mình được gợi ý đọc đủ các thể loại sách self-help, rồi các tờ báo phân tích kinh tế kinh điển như The New York Times, Havard Business Review, The Economist, The Guardian, với lời dặn dò: “Đọc để có business mindset”.
Ngày đó, mình chẳng hiểu business mindset là cái gì, nhưng cũng đọc lấy đọc để với hi vọng một ngày nào đó mình cũng sẽ được đứng trên sân khấu, phân tích thị trường và thuyết trình về một dự án triệu đô.
Kết cục, hết năm tư đại học, mình chẳng nhớ mình đã đọc cái gì.
Có hai sai lầm mà mình đã mắc phải.
Một, mình đọc những thứ mình không thích. Mình không phủ định rằng những tờ báo kể trên rất hay và bổ ích. Nhưng vì mình không quá đam mê kinh tế, mình không thể thấm thía được như nhiều bạn khác.
Hai, mình không đọc thường xuyên. Việc đọc báo của mình diễn ra khá ngẫu hứng. Hôm nào hứng, mình đọc. Hôm nào chán, mình bỏ. Hôm nào rảnh, mình lôi ra. Hôm nào bận, mình quên mất. Nói chung, việc đọc không phải một thói quen trong sinh hoạt của mình. Có lẽ đây cũng là lý do không có gì đọng lại được trong tâm trí mình sau khi kết thúc bốn năm đại học.
Vì sao hai điều trên lại là sai lầm?
Đọc những thứ mình thực sự quan tâm không chỉ giúp cho mình xây dựng kiến thức về một lĩnh vực, mà còn giúp mình liên hệ đến nhiều lĩnh vực khác. Điều này mình chỉ nhận ra được khi mình bắt đầu đi làm. Những bài báo mình đọc về sản phẩm (thứ mình rất thích) lại giúp rất nhiều trong công cuộc xây dựng chiến lược marketing và giữ chân người dùng với sản phẩm – hai lĩnh vực hoàn toàn không liên quan.
Nếu như bạn nghĩ rằng những gì bạn thích (và thích đọc) chỉ mang tính giải trí và không thể giúp bạn kiếm tiền mai sau, thì hãy nhớ rằng ngoài kia có những người kiếm được hàng chục triệu mỗi tháng chỉ bằng cách up những video xàm xí lên mạng, hoặc đơn giản là có rất nhiều vlogger trở thành triệu phú chỉ nhờ quay lại sở thích của mình, game mình chơi, đồ mình ăn, nơi mình đến. Mọi ý tưởng, sở thích, nếu được đầu tư một cách đúng đắn, đều có thể trở thành vũ khí đắc lực của bạn trên thị trường.
Trong khi đó, việc đọc thường xuyên giúp mình liên tục “refresh” lại bộ nhớ, liên kết những kiến thức cũ và mới để xây dựng hệ thống kiến thức vững hơn. Đọc càng nhiều thì lại có càng nhiều ý tưởng. Như Steve Jobs đã từng nói:
Steve Jobs
“You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backward. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future.”
Đối với các bạn sinh viên, việc đọc và xây dựng được kho kiến thức về chủ đề bạn thích càng sớm bao nhiêu thì bạn sẽ càng tạo được lợi thế cạnh tranh khi bước chân vào thị trường lao động.
Nếu những gì bạn đam mê và đọc mỗi ngày liên quan trực tiếp tới công việc bạn đang ứng tuyển thì tuyệt cú mèo!, bạn sẽ có một khởi điểm rất thuận lợi và dễ dàng vượt qua những khó khăn trong thời kì đầu đi làm.
Còn nếu những gì bạn thích và đọc mỗi ngày không liên quan trực tiếp tới công việc bạn đang nhắm đến, đừng lo, vì chính sở thích đó sẽ định hình con người và góc nhìn về cuộc sống của bạn. Các tập đoàn lớn thường xây dựng những chương trình Management Trainee để tuyển những bạn sinh viên mới ra trường vì họ thường có khả năng tạo ra đột phá nhờ năng lượng của tuổi trẻ VÀ những góc nhìn mới/táo bạo. Nếu bạn sở hữu trong mình một góc nhìn mới về cuộc sống – đến từ chính sở thích của bạn – thì chúc mừng! bạn đã tự giành được 50% cơ hội rồi đó.
Viết…
Nếu có 2 thứ mình được chọn để viết suốt quãng đời còn lại, thì đó là nhật kí, và trang blog này.
Đây là một đoạn nhật kí vào ngày 2/1/2018 của mình. Và mình có tới gần 200 trang như vậy.
Tuy nhảm nhí, nhưng viết nhật kí giúp mình giải toả căng thẳng và lo lắng cực kì hiệu quả. Hôm nào cay cú cái gì đấy thì nện bàn phím long trời lở đất, hôm nào buồn thì mất cả tiếng mới gõ xong. Nhưng túm lại, cứ viết xong là đầu thông não thoáng. Ghét ai, giận ai, buồn gì, cũng theo từ ngữ mà cuốn theo những trang note hết cả.
Nhờ vào việc viết nhật kí mà mình có thể tự tin nói rằng mình chịu ảnh hưởng rất rất ít từ Peer Pressure khi còn học ở FTU. Trong khi nhiều bạn mình thường xuyên gặp stress vì xung quanh nhiều “con nhà người ta” quá, thi cái gì cũng có giải, apply vào tập đoàn nào cũng đỗ, cứ khởi nghiệp là thành công, thì mình chẳng mấy khi “bị” để tâm đến mấy chuyện đó. Đơn giản là vì mình biết mình thích gì, mình muốn làm gì. Thi thì hay đấy, nhưng mình không giỏi đối ứng nơi công cộng, cũng chẳng nhạy bén với mấy cái trend của thị trường. Mấy cái đó, mình nhận ra từ nhật kí của mình cả.
Không phải một ngày đẹp trời mình tự viết ra rằng “à, mình không hợp thi mấy cái cuộc thi đó”. Không, nó không đến với mình bằng cách đó.
Chỉ là, khi mình viết quá nhiều về một chủ đề nào đó trong nhật kí, sẽ có lúc mình nhận ra rằng có một điều gì đấy không thay đổi trong cách suy nghĩ của mình. Có thể là, mình sẽ luôn cảm thấy vui khi ở trong một (vài) trường hợp nào đấy. Có thể là, mình sẽ luôn thấy khó chịu và tiêu cực khi gặp một vài người có tính cách nhất định. Khi đó, chỉ cần ngồi nghiền ngẫm, cộng thêm một vài buổi tâm sự với bạn bè (những confidants!), mình có cơ hội hiểu bản thân một cách rõ ràng hơn.
Để tìm hiểu thêm những lợi ích khác của việc viết nhật kí, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây:
The Benefits of Journaling for Productivity (Even for 15 Minutes a Day)
…và viết.
Mình được nhận vào công ty hiện tại một phần cũng nhờ trang blog này. Mình nhớ anh PM của mình từng hỏi mình: “Làm thế nào để em publish được trên The Startup vậy?”
Mình làm quen được những người siêu thú vị nhờ việc chăm chỉ viết comment trên những bài blog hay ho.
Mình được nói chuyện với nhà sản xuất của ứng dụng di động có tới cả triệu người dùng, và được họ tặng dùng sản phẩm miễn phí. Tất cả đều bắt đầu bằng một email.
Mình chưa bao giờ biết rằng việc viết lách có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của mình nhiều đến vậy. Gần như tất cả những người nổi tiếng mình theo dõi đều có blog cá nhân và newsletter hàng tuần/tháng, và đa số kiến thức hay góc nhìn mới về công nghệ mình học được cũng từ những trang blog cá nhân đó mà ra.
Đọc thêm: Why you should write by David Perrel
Nếu bạn có tìm hiểu về lĩnh vực công nghệ, bạn sẽ thấy đa số các lập trình viên, UI/UX designer, hay Product Manager đều sử dụng blog như một bản CV thứ 2 hay online portfolio cho việc ứng tuyển và kết nối với những người trong ngành. Một bản CV dài 20 trang sẽ không thể so sánh được với một bản CV dài 1 trang nhưng được link tới 1 trang blog được thiết kế đẹp mắt và có nội dung hấp dẫn, thể hiện được kinh nghiệm của ứng viên.
Một vài người làm sáng tạo sẽ sử dụng blog như một công cụ để thu hút người đọc, rồi sau đó quảng bá cho sản phẩm của mình (inbound marketing).
Một vài trang portfolio mà mình rất thích:
Nếu được làm lại, mình sẽ đầu tư lập trang blog này từ thật sớm, vì:
- Mang lại giá trị cho cộng đồng: Ngày còn làm sinh viên chúng ta chẳng có gì ngoài quan hệ. Bạn cùng bàn, bạn bàn trên, bạn nhóm Kinh Tế Lượng, bạn câu lạc bộ. Đây chính là những người có thể giúp marketing miễn phí cho blog của mình, và tốt hơn chính là đối tượng độc giả mà mình hướng đến. Không gì giúp cho mình giới thiệu về blog của mình dễ hơn là khi người kia và bạn có một điểm chung gì đó.
- Tốt cho SEO: Bắt đầu càng sớm thì lượng bài đăng trên blog càng nhiều, từ đó Google sẽ nhận diện mình là một người viết uy tín về chủ đề công nghệ và năng suất, từ đó sẽ đưa bài blog của mình lên vị trí cao hơn trên trang kết quả tìm kiếm.
- Tốt cho việc ứng tuyển: Việc có một trang web cá nhân với các bài blog thể hiện kiến thức và kinh nghiệm sẽ dễ dàng giúp mình “stand out” khỏi các ứng viên khác. Một khi đã được nhà tuyển dụng chú ý thì việc phỏng vấn cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
- Cơ hội kiếm tiền: Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ chạy quảng cáo trên blog này để kiếm tiền. Nhưng nếu như trang web của bạn có lượng truy cập ổn định thì việc chạy quảng cáo cũng sẽ cho bạn một nguồn thu nhập thụ động cực kì an toàn và bền vững. Trước đây khi làm marketing, công ty mình đã phải trả tới hàng trăm đô chỉ để banner được xuất hiện trong vài ngày trên một trang blog của một tech influencer. Bạn hiểu là một trang blog “xịn” thì có khả năng thu lợi nhuận thế nào rồi đó ;).
Việc viết blog không khó. Nhưng để duy trì viết blog thành thói quen thì đúng thực là rất vất vả. Có thể bạn sẽ phản bác là quãng thời gian sinh viên trông thế nhưng bận rộn lắm, nào là bài tập nhóm, nào là đi làm thêm, nào là câu lạc bộ. Thế nhưng, mình nghĩ, thời gian chúng ta còn đi học là thời gian ít biến động nhất, bởi lẽ (đa số) chúng ta vẫn còn ở với gia đình, hoặc ít nhất vẫn còn được chu cấp chút ít. Công việc bán thời gian và câu lạc bộ dành cho sinh viên cũng khá chill, thành ra đây là khoảng thời gian rất tốt để rèn thói quen viết mà không bị xô đẩy như khi bạn ra trường và đi làm.
Trước khi có tuanmon.com, mình cũng đã thử duy trì monnostudio.wordpress.com nhưng cuối cùng lười quá, nên bỏ dở. Nghĩ lại thấy tiếc hùi hụi (╥︣﹏᷅╥᷅) Lúc đó mà chăm viết hơn thì khéo bây giờ blog đã có cả nghìn subscriber rồi ấy chứ ;))
Ở phần sau, mình sẽ chia sẻ về những ứng dụng theo dõi thói quen tốt nhất mà bạn nên sử dụng.
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích thì đừng quên để lại một like, và share lên mạng xã hội cho bạn bè cùng biết nhé! Cảm ơn bạn rất nhiều!
Đăng ký nhận Newsletter
Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.
Khi đăng ký Many One Percents (cùng hơn 8000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:
- Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
- Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
- Around the Internet (mấy thứ buồn cười hài hước trên Internet)
- Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và newsletter thuộc hệ sinh thái Many One Percents