Đây là phần cuối cùng trong series “Bạn có thể sống một ngày không có smartphone?”
Nghiện điện thoại là căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay. Tuy không có một số liệu cụ thể nào (và chắc chắn là sẽ không bao giờ có loại số liệu này), nhưng mình tin rằng mình, bạn, và bất cứ ai xung quanh chúng ta có cơ hội cầm vào chiếc điện thoại cảm ứng đều nghiện điện thoại ở một mức độ nhất định.
Mình có chia sẻ một vài biểu hiện tiêu biểu (nhưng không đại diện) của việc nghiện điện thoại trong bài post dưới đây, nếu bạn chưa đọc thì có thể ghé qua trước khi đọc tiếp bài này nhé!
Bạn có thể sẽ tự hỏi: “Thực ra nếu xung quanh chúng ta ai cũng đã và đang nghiện điện thoại như vậy, thì cai nghiện để làm gì?”
Vì sao chúng ta cần cai nghiện điện thoại?
Mình sẽ liệt kê một vài lý do mà mình cho là quan trọng nhất với mình:
- Để có một giấc ngủ tốt hơn. Lướt mạng xã hội buổi đêm làm hại mắt và khiến chúng ta khó ngủ. Thiếu ngủ dẫn đến nhiều bệnh lý khác. Cái này không cần nói thêm.
- Để có một giấc ngủ tốt hơn. Lướt mạng nhiều sinh ra áp lực bè bạn, cô đơn, thất vọng, khó ngủ. Thiếu ngủ dẫn đến… Thôi không nói nữa.
- Để có một giấc ngủ tốt hơn. Ít dùng điện thoại sẽ có thời gian tập trung làm việc khác. Đến cuối ngày cảm thấy bản thân đã nỗ lực biết bao nhiêu, nhắm mắt xuôi tay mà an lòng.
- Để có một giấc ngủ tốt hơn. Bớt lướt mạng là có thời gian nhìn vào bạn bè, người thân, từ đó dẫn đến những cuộc trò chuyện, lời hẹn mời. Cuối ngày cảm thấy hạnh phúc vì mình có những mối quan hệ ý nghĩa hoặc mình đã giúp được gì đó cho người khác. Ngủ ngon.
Suy cho cùng thì chưa chắc là để có một giấc ngủ ngon thì cần cai nghiện điện thoại nhưng chắc chắn cai nghiện được điện thoại thì sẽ có một giấc ngủ ngon.
Phá vỡ vòng lặp thói quen
Có bốn nhân tố ảnh hưởng đến việc nghiện điện thoại của chúng ta.
Như mình có phân tích ở trong bài Vì sao chúng ta lại nghiện điện thoại?, hành vi “nghiện” điện thoại bản chất là một thói quen sinh học của não bộ, mà thói quen thì được hình thành dựa trên vòng lặp Tín hiệu – thèm muốn – hành động – phần thưởng. Đây chính là bốn nhân tố ảnh hưởng tới vòng lặp này.
Một trong năm sai lầm đa số mọi người mắc phải khi muốn phá vỡ một thói quen xấu đó chính là tập trung vào kết quả thay vì vào hành động. Ví dụ, bạn muốn bỏ dùng Facebook, bạn xoá Facebook. Đó là kết quả, không phải hành động.
Nói cách khác, chúng ta chỉ đang loại bỏ các tín hiệu kích thích não bộ (mà chúng ta nghĩ rằng đang làm chúng ta nghiện). Tuy vậy, sự thèm muốn (và đồng thời là hành động) vẫn còn tồn tại dưới dạng bản năng (ngẫu nhiên cầm điện thoại lên giữa giờ học/làm việc). Vì thế chúng ta vẫn sẽ tìm mọi cách để nhận được phần thưởng (ở đây là mở điện thoại) dù cho chúng ta đã cố giấu mọi tín hiệu đi.
Như ở ví dụ trên, cho dù đã xoá Facebook khỏi điện thoại, khao khát được bắt trend và cập nhật tình hình thế giới làm nhiều bạn “ngựa quen đường cũ” và buộc phải tải Facebook về sau vài hôm. Đó là còn chưa nói đến sự suy giảm ý chí (Willpower depletion theory) làm cho các bạn càng dễ cho phép bản thân bỏ cuộc sau vài ngày cố gắng.
Theo như tác giả Charles Duhigg của cuốn The Power of Habit, cách hiệu quả nhất để phá vỡ vòng lặp này chính là, thay vì thay đổi/loại bỏ tín hiệu, chúng ta sẽ thay đổi hành động.
Một ví dụ điển hình cho việc thay đổi hành động là thói quen ăn vặt nơi công sở. Mình biết có nhiều bạn rất thích ăn quà chiều (trà sữa, bánh kẹo) vào lúc 3-4h, và đồng thời lo lắng về cân nặng của mình.
Lý do cho hành vi ăn uống này là bởi vào khoảng 3-4h chiều, bạn sẽ thường cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ (tín hiệu). Vì vậy, ăn vặt là một biện pháp hữu ích (mà bạn nghĩ rằng) giúp cho cơ thể tỉnh táo hơn (và sự thật đúng là như vậy!).
Tuy nhiên, bản chất của việc ăn uống không phải để giúp chúng ta đỡ đói, mà để đỡ buồn chán, mệt mỏi hơn. Vậy, thay vì ăn trà sữa uống bánh kẹo, chúng ta hoàn toàn có thể ăn hoa quả, hoặc xuống khuôn viên công ty đi bộ vài vòng, hay là bắt chuyện cùng đồng nghiệp để xua tan mệt mỏi.
Việc cai nghiện điện thoại cũng như vậy. Để giúp bạn cai nghiện điện thoại một cách triệt để nhất, mình sẽ chia sẻ một vài phương pháp để vừa loại bỏ tín hiệu mà vừa giúp bạn thay thế hành vi hiện tại mà vẫn nhận được phần thưởng như ý.
Bước 1: Loại bỏ tín hiệu
Loại bỏ thông báo của mạng xã hội (và các ứng dụng khác)
Thứ dễ làm chúng ta phân tâm nhất chính là thông báo (notifications) của mạng xã hội. Vì vậy, chúng ta cần loại bỏ chúng đầu tiên.
Với mình, mình đã xoá ứng dụng Facebook khỏi máy điện thoại, tắt toàn bộ thông báo của Instagram, Messenger, LinkedIn, Twitter. Mình khuyên các bạn nên tắt thông báo ở trong phần cài đặt của máy thay vì ở trong phần cài đặt của từng ứng dụng, vì các nhà sản xuất đã cố tình làm cho quá trình tắt thông báo ở trong ứng dụng rất rắc rối và không triệt để.
Nếu bạn đang dùng iOS, các bạn có thể vào Settings > Notifications > chọn ứng dụng bạn muốn tắt và bỏ chọn “Allow notifications”.
Bằng cách này, không những bạn sẽ chặn được toàn bộ thông báo mà ứng dụng đó gửi đến cho bạn, mà bạn sẽ không còn nhìn thấy chấm màu đỏ cùng con số thông báo ở góc phải của ứng dụng – thứ mà làm cho những perfectionist như mình cay cú muốn bấm vào để nó biến mất đi.
Đối với các ứng dụng khác, ngay khi mới cài đặt, mình luôn mặc định không cho phép các ứng dụng đó gửi thông báo cho mình. Điều này giúp mình không phải tắt từng cái một như trên nữa.
Vì iOS yêu cầu các nhà phát triển phải hỏi sự cho phép của bạn để gửi thông báo nên việc tắt cái này là hoàn toàn dễ dàng (và đó là lý do vì sao mình lại thích iPhone đến vậy!)
Đối với email và Slack, mình chặn hoàn toàn không cho hai ứng dụng này gửi thông báo vào điện thoại mình ngoài giờ hành chính và cuối tuần. Lý do bởi mình sử dụng iPhone cho việc giải trí, đọc tin tức và chỉ có vậy mà thôi.
Một thông báo ở trên Facebook có thể nhắm mắt bỏ qua được, nhưng nhìn thấy một tin nhắn của sếp (ở trên điện thoại) mà không phản hồi ngay thì ruột gan cồn cào bứt rứt không yên. Phải chặn ngay điều đó lại!
Nếu bạn đã tắt thông báo mà vẫn còn hay cầm điện thoại lên để kiểm tra thì khả năng cao là bởi vì bạn vẫn còn nhìn thấy những thông báo của mạng xã hội /khi mở ứng dụng lên/.
Sở dĩ chúng ta biết rằng khi mở Facebook hay Instagram lên chúng ta vẫn sẽ nhận được thông báo là vì chúng ta vẫn tương tác với mạng xã hội (like, comment, đăng ảnh) – và vì vậy chúng ta tự tạo nên sự kì vọng cho mình.
Bằng cách giảm thiểu sự tương tác với mạng xã hội, chúng ta có thể giảm sự kì vọng này một cách nhanh chóng.
Cá nhân mình sử dụng Extension Newsfeed Eradicator trên Firefox/Chrome để mỗi khi bật Facebook lên mình sẽ không còn nhìn thấy newsfeed tràn ngập những thứ mới lạ hay ho nữa.
Link tải Extension Newsfeed Eradicator: - FireFox (download tại đây) - Chrome (download tại đây)
Thay vào đó, phần thưởng mình nhận được là những câu motivational quote giúp mình tự reflect lại bản thân, và quay trở lại làm việc.
Ứng dụng này đã giúp mình rất, rất, rất nhiều trong việc từ bỏ thói quen sử dụng Facebook. Bây giờ mình rất lười lên Facebook vì mình biết rằng sẽ chẳng có nút thông báo gì cả, hoặc giả có đi nữa thì chắc chắn cũng không phải cái gì liên quan trực tiếp đến mình (mà là một người nào đó mời like page chẳng hạn)
Bạn quan tâm đến các lĩnh vực như Product Management, Business, Technology, Productivity...? Mình và một số người bạn tại Holistics đã tổng hợp lại những articles chất lượng nhất mà tụi mình đọc trong năm 2021. Bạn có thể nhận danh sách tổng hợp tại đây.
Tắt chế độ tự động sáng màn hình
Với sự tích hợp của cảm biến gia tốc trên các máy điện thoại thông minh ngày nay, không khó để chúng có thể phát hiện được khi nào chúng ta đang ngửa điện thoại lên để tự động bật sáng màn hình.
Đọc thêm: ‘Giải ngố’ về các loại cảm biến trên điện thoại thông minh
Tính năng này nhìn thì rất tiện lợi (chỉ cần ngửa điện thoại lên một chút là thấy được thông báo mới), nhưng thực sự lại rất dễ làm chúng ta phân tâm.
Giả sử chúng ta đang muốn cầm điện thoại lên để di chuyển tới một nơi khác, hoặc bỏ điện thoại ra chỗ khác, thì vô tình ta làm điện thoại bật sáng và nhìn thấy có thông báo mới (mà trước đó ta chưa hề để ý). Điều này sẽ rất dễ làm chúng ta phải dừng lại kiểm tra nội dung thông báo đó là gì, từ đó làm gián đoạn toàn bộ quá trình thực hiện hành động / suy nghĩ hiện tại.
Để tắt chế độ này trên iOS, bạn vào Settings > Display & Brightness > bỏ chọn Raise to Wake.
Để tắt chế độ này trên Android (mình lấy ví dụ của Samsung), bạn vào Settings > Advanced features > Motions and Gestures > Bỏ chọn Lift to wake.
Ở bên Android còn có tính năng màn hình luôn sáng (một trong những cách mà các nhà sản xuất lợi dụng nỗi sợ của chúng ta). Đây cũng là tính năng dễ gây chú ý khi ta làm việc và cũng nên được tắt đi.
Để tắt chế độ này trên Android (mình lấy ví dụng của Samsung), bạn vào Settings > Display (ở trên một vài máy sẽ là Lock Screen and Security hoặc tương tự) > bỏ chọn Always on Display.
P/s: Cảm ơn bạn @Đinh Ngọc đã gợi ý cho mình về tính năng này.
Chuyển sang màn hình đen-trắng (grayscale)
Thực ra một trong những lý do chúng ta không thích xem phim tài liệu bởi vì nó chỉ có hai màu đen – trắng.
Nếu bạn để ý, các nhà sản xuất mạng xã hội cố tình thiết kế sao cho icon của họ có màu sắc sặc sỡ (Facebook – xanh, Snapchat – vàng, Instagram – đỏ), và các nút thông báo luôn có màu đỏ rất bắt mắt. Điều này khiến chúng ta dễ bị “kích thích” nhấn vào các icon đó.
Đọc thêm: Các nhà sản xuất lợi dụng nỗi sợ của chúng ta thế nào?
Vì vậy, chuyển màn hình sang màu đen-trắng là tính năng mình rất thích ở trên điện thoại vì nó làm cho mình cảm thấy “chán” và không bị các nút thông báo làm chú ý. Bạn cứ thử tưởng tượng lần nào mở máy ra cũng chỉ thấy màn hình đen trắng thế này thì còn gì là thú vị, chưa kể đến xem ảnh trên instagram mà cũng đen trắng thế này thì thua =))
Mình đã thử trải nghiệm tính năng này và chỉ sau đúng một tuần mình chán hẳn việc mở máy điện thoại của mình lên luôn =)) Sau khoảng 1 tháng thì lúc nào rảnh rỗi hay chán chán thì mình không còn mở điện thoại lên nữa, đơn giản vì mình biết mở lên xem còn chán hơn =))
Để bật chế độ này, ở iOS, bạn vào Settings > Accessibility > Display & Text Size > Color Filters > bật lên và chọn chế độ Gray Scale. Ngay lập tức điện thoại của bạn sẽ chỉ còn đúng hai màu đen – trắng.
Ở Android thì khó hơn một chút. Nếu bạn dùng Samsung, bạn vào Settings > Digital Wellbeing > Windown rồi bật tính năng Gray scale lên. Nếu máy bạn chưa có Windown, bạn làm theo bước sau:
- Settings > System > About Phone > bấm vào Build Number 7 lần để bật chế độ Developer options. Lúc này máy bạn đã sẵn sàng để bật Grayscale
- Settings > Developer Options > Simulate Color Space > Monochromacy. Vậy là bạn đã bật được Grayscale như iPhone rồi đó!
Bước 2: Thay thế hành vi
Sử dụng các ứng dụng bổ ích hơn
Trên màn hình chính của điện thoại của mình chỉ có hai ứng dụng có Newsfeed: Twitter và Hackernews.
Đối với mình, Twitter là nơi mình theo dõi những người nổi tiếng trong ngành và cập nhật tin tức về công nghệ. Mình không follow những thứ dễ làm mình phân tâm ở Twitter như ở trên Facebook hay Instagram. Vì thế mỗi lần lướt Twitter mình lại có rất nhiều idea hay cho blog hoặc học thêm một cái gì đó mới trong lĩnh vực Product Management.
Bên cạnh Twitter, mình thường lên Hackernews để theo dõi những tin tức về công nghệ. Đây là một trang web dành riêng cho lập trình viên (và có lẽ vì thế nên giao diện không được bắt mắt cho lắm), nên tin tức ở đây nhiều khi hơi mang tính kĩ thuật một chút.
Tuy nhiên mình rất thích đọc phần bình luận ở đây, bởi đa phần những người đang bình luận sẽ là CEO, CTO hoặc một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Đọc không chỉ giúp mình hiểu quan điểm của những người đi trước, mà mình còn học được rất nhiều kiến thức mới về ngành.
Đặc điểm của những ứng dụng này đó là mình bắt buộc phải đọc nội dung thì mới thấy nó hay. Không như Youtube hay Facebook, chỉ cần lướt lướt là nắm được vấn đề, thì Twitter hay Hackernews yêu cầu mình phải thực sự dành thời gian đọc, tìm hiểu, đọc tiếp bình luận. Mà đọc nhiều thì mỏi mắt, nên mình không thể nhìn điện thoại lâu được, lấy cái gì mà nghiện =))
Bên cạnh Twitter và Hackernews thì thi thoảng mình có sử dụng Medium (đọc bài của mình tại đây nhé), tuy nhiên do các bài post trên medium thường dài và yêu cầu sự tập trung cao nên mình ít khi đọc trên điện thoại.
Sử dụng thêm một chiếc điện thoại khác
Khi đi gặp bạn bè hoặc ở nơi công cộng, mình thường cất chiếc iPhone của mình đi và mang chiếc Blackberry của mình ra.
Bên cạnh vấn đề về sự an toàn (ở Hồ Chí Minh hay có cướp giật) thì việc mình chỉ có một sự lựa chọn là Blackberry đồng nghĩa với việc mình không thể làm gì nhiều ngoại trừ nhắn tin hay gọi điện thoại.
Rất tiếc nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể ngồi cả ngày nhắn tin cho bạn bè trên chiếc điện thoại, vì em Blackberry của mình không có kết nối 3G/4G và vì thế cũng không thể nhắn tin iMessage hay Messenger hay Whatsapp được.
Điều này giúp mình chủ động thay đổi hành vi khi đi gặp bạn bè. Thay vì mình nhìn vào điện thoại thì mình sẽ cố gắng tìm ra điểm gì đó để nói chuyện và kéo dài câu chuyện (nếu không thì awkward lắm…). Lâu dần mình cảm thấy thoải mái khi không có điện thoại ở bên mình nữa, và thậm chí điều này còn giúp mình có nhiều dũng cảm hơn để bắt chuyện với người lạ khi đang đứng xếp hàng mua đồ hoặc ngồi gần một ai đó.
Nếu như mình ở nơi công cộng, mình thường cố gắng quan sát xung quanh và tìm một cái gì đó thú vị để theo dõi, hoặc đơn giản chỉ là ngẫm nghĩ lại một vài câu chuyện đã xảy ra.
Nghe hơi lạ nhỉ? Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi mình dành bao nhiêu thời gian trong ngày cho suy nghĩ của chính mình chưa? Ý là, thực sự chỉ có suy nghĩ mà không phải vừa suy nghĩ vừa lái xe, hay vừa tắm ấy?
Nếu bạn vẫn cảm thấy việc không-làm-gì là một thứ ngớ ngẩn, mình hi vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn khác:
Why Your Brain Needs Time for Doing Nothing At All | by Aytekin Tank | The Startup | Medium
Bạn quan tâm đến các lĩnh vực như Product Management, Business, Technology, Productivity...? Mình và một số người bạn tại Holistics đã tổng hợp lại những articles chất lượng nhất mà tụi mình đọc trong năm 2021. Bạn có thể nhận danh sách tổng hợp tại đây.
Một vài ứng dụng bạn không nên bỏ qua giúp bạn cai nghiện điện thoại dễ dàng hơn
Mình vừa liệt kê hai phương pháp giúp bạn thay đổi thói quen sử dụng điện thoại để bớt phụ thuộc hơn vào thiết bị điện tử này.
Ngoài ra mình cũng muốn chia sẻ thêm một vài ứng dụng mà mình nghĩ sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình phone detox này. Bản thân mình đã sử dụng cả các ứng dụng này và hiện giờ không còn sử dụng nữa bởi mình không còn cảm thấy cần thiết.
Forest
Forest về bản chất là một ứng dụng đo thời gian (timer). Đội ngũ phát triển Forest đã kết hợp tính năng này với ý tưởng trồng cây “ảo” cùng phương pháp nổi tiếng Pomodoro để cho ra đời Forest.
Đọc thêm: The Pomodoro Technique by Todoist
Mục tiêu của Forest là trong một khoảng thời gian nhất định (mặc định là 25 phút), chúng ta không được cầm vào điện thoại. Nếu chúng ta thực hiện được điều đó, chúng ta sẽ trồng được một cái cây lên mảnh đất của mình. Nếu không, cái cây sẽ chết và kết quả là chúng ta sẽ nhận được một khúc gỗ tong teo nhìn như que củi nhóm lò =))
Điểm thú vị của Forest là thời gian tập trung bạn set càng dài thì cái cây bạn trồng được càng /to và đẹp/. Tuy nhiên để set được thời gian dài như vậy thì chúng ta phải đấu tranh rất nhiều với ham muốn cầm điện thoại lên. Tập trung được càng nhiều thời gian thì chúng ta sẽ càng kiếm được nhiều “tiền” để mở khoá thêm nhiều loại cây mới.
Mình đã sử dụng Forest trong 9 tháng liên tục (từ tháng 01/2019 đến tháng 09/2019), và đây là thành quả vài tháng của mình:
Điểm mình thích nhất của Forest chính là thiết kế rất đơn giản nhưng vẫn rất đẹp và bắt mắt. Giao diện ngay màn hình chính của Forest không có gì ngoài một chiếc đồng hồ và nút start để chúng ta có thể bắt tay ngay vào việc. Ngoài ra nếu bạn đã lên iOS 14 thì Forest còn có thêm Widget nhìn rất (rấtttt) đẹp (mình có nên dùng lại Forest không nhỉ :”>)
Bạn có thể tải về Forest miễn phí tại đây nếu đang sử dụng thiết bị Android.
Còn nếu bạn đang dùng iOS, bạn chỉ cần đầu tư một khoản bằng đúng một ly trà sữa (45.000đ) để tải và sử dụng sản phẩm. Link tải tại đây.
Nếu bạn còn đang lăn tăn về giá thành thì mình chân thành khuyên rằng đây là một trong những ứng dụng đáng tiền nhất mà mình từng trả ở trên iPhone. Trong quá trình làm việc tại Habitify, mình có cơ hội được trò chuyện và hợp tác cùng đội ngũ phát triển của Forest, lắng nghe cách họ suy nghĩ và kế hoạch phát triển sản phẩm trong tương lai. Bản thân ứng dụng đã thay đổi rất nhiều chỉ trong 1 năm trở lại đây, nên mình tin rằng đội ngũ phát triển của Forest vẫn sẽ tiếp tục đầu tư và cải thiện sản phẩm trong tương lai xa. Nếu như vậy thì 45.000đ là quá hời =)))
Screen Time trên iPhone
Nếu như bạn cần một biện pháp “mạnh tay” hơn Forest thì mình nghĩ bạn nên sử dụng tính năng Screen Time trên iPhone.
Tính năng này sẽ giúp bạn theo dõi lượng thời gian sử dụng điện thoại theo từng app, và giới hạn thời gian đó lại nếu như bạn cảm thấy mình chưa thể tự chủ động trong việc quản lý thời gian.
Ví dụ, mình chỉ cho phép bản thân dùng Twitter 15 phút một ngày, vì tuy Twitter là nơi mình đọc tin tức công nghệ, nhưng cũng rất dễ sa đà vào những thứ linh tinh mà người khác Retweet lại.
Sau 15 phút, iPhone sẽ không cho phép mình sử dụng Twitter nữa.
Để cài đặt, bạn vào Settings > Screen time > App Limits và thêm ứng dụng bạn muốn giới hạn thời gian sử dụng vào.
Nếu như mình muốn lướt thêm một chút, mình có thể lựa chọn “Ignore limit” và chọn thêm “One more minute” hoặc “Remind me in 15 Minutes”.
Cho phép người dùng “coi thêm một chút nữa thôi” có thể chưa đủ nghiêm khắc từ phía Apple, nhưng vì mình coi tính năng này là một dạng thông báo, nhắc nhở thay vì một biện pháp quân phiệt nên mình thấy như vậy đã là đủ để mình ngừng sử dụng Twitter. Chưa kể đến việc cứ vài phút đang lướt lại bị cắt ngang cũng cảm thấy khó chịu lắm chứ bộ!
Nếu bạn không thích cài giới hạn cho từng ứng dụng một thì bạn có thể tham khảo tính năng Downtime. Với tính năng này, bạn sẽ giới hạn theo thời gian thay vì theo ứng dụng.
Với tính năng này, bạn có thể lựa chọn một nhóm những ứng dụng được phép hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, mình muốn ngủ sớm lúc 11h hằng ngày. Vì vậy, mình sẽ set Down time từ 11h đến 5h30 sáng hôm sau. Trong khoảng thời gian này, mình sẽ không thể mở các ứng dụng mạng xã hội như Twitter hay LinkedIn, nhưng vẫn có thể nhắn tin hay gọi điện phòng trường hợp khẩn cấp.
Để cài đặt tính năng này, bạn vào Settings > Screen Time > Downtime và bật tính năng này lên. Mặc định, iPhone của bạn sẽ không cho phép bạn sử dụng ứng dụng nào trên điện thoại trừ tính năng gọi điện. Vì thế, nếu muốn thêm ứng dụng vào thời gian downtime này, bạn vào Settings > Screen Time > Always Allowed. Ở phần này bạn có thể thêm những app mà bạn muốn sử dụng trong thời gian Downtime nói trên.
Lưu ý là phần cài đặt này áp dụng được cả cho iPad và Mac của bạn, nên ví dụ bạn cho phép Mail được hoạt động ở trên điện thoại thì khi đến downtime ở trên iPad hay Mac, Mail cũng được phép hoạt động.
Ở Android cũng có một ứng dụng có tên và thiết kế tương tự, bạn có thể tham khảo sử dụng:
Tải Screentime cho Android tại đây.
Một ứng dụng khá hay khác mà mình từng có cơ hội trải nghiệm là YourHour (Android). Mình thích YourHour hơn Screen Time ở điểm nó luôn hiện một bubble timer nho nhỏ ngay trên màn hình (cái này thì mấy ông dùng iPhone chịu rồi…).
Bạn cứ thử tưởng tượng dùng điện thoại mà có một cái đồng hồ cứ chạy chạy trước mặt nó khó chịu thế nào rồi đó. Cảm giác như kiểu ngồi làm bài thi mà giám thị cứ đứng ngay bên cạnh vậy :v
Tải YourHour cho Android tại đây.
Lời kết
Phew, cuối cùng cũng đã hoàn thành series này! Mình hi vọng rằng những phương pháp và ứng dụng kể trên sẽ có ích cho bạn trong công cuộc giành lại vị thế chủ động trong cuộc sống từ chiếc điện thoại của mình nhé!
Vậy còn bạn? Bạn có đang sử dụng ứng dụng nào kể trên không? Nếu không thì bạn có thể chia sẻ cho mình và mọi người biết thêm về những tip and trick của bạn ở phần comment phía dưới nhé ? Cảm ơn bạn rất nhiều!
Nếu bạn đã đọc đến đây, thì đừng quên để lại một like, share để bài viết này tiếp cận được tới nhiều độc giả hơn nhé.
Đăng ký nhận Newsletter
Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.
Khi đăng ký Many One Percents (cùng hơn 8000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:
- Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
- Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
- Around the Internet (mấy thứ buồn cười hài hước trên Internet)
- Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và newsletter thuộc hệ sinh thái Many One Percents
Cậu có thể viết thêm về cách cai nghiện mxh được không? Vì mình không động vào điện thoại nhưng thỉnh thoảng vẫn ngứa tay mở fb, youtube, twitter trên lap và lại tốn không ít thời gian cho nó.
Many tks.
Hello Hiếu, cảm ơn comment của Hiếu rất nhiều! Tớ cũng đã có dự định viết thêm về chủ đề này, cậu nhớ đón đọc ở những số sau này nhé! Cậu có thể chia sẻ những cách cậu đã dùng để khắc phục điểm này được không?