Phần 1: Bạn có đang nghiện điện thoại?
(Thời gian đọc: 10p)
Disclaimer: mình là một người yêu công nghệ. Mặc dù vậy mình cực kì có thành kiến với những người sử dụng điện thoại thông minh một cách quá mức. Mình có những quy tắc riêng đối với đồ công nghệ (đặc biệt là điện thoại) và mình xin phép làm rõ nó trong bài viết này.
Nếu bạn không đồng tình, mình rất tôn trọng ý kiến của bạn. Nếu bạn ủng hộ, mình mong sẽ nhận được quan điểm và sự đồng tình từ bạn. Một cái share sẽ rất là tuyệt vời đó!
Đây sẽ là một bài viết dài, vì vậy mình sẽ chia nó làm bốn phần nhỏ để các bạn tiện theo dõi:
- Bạn có đang nghiện điện thoại?
- Vì sao chúng ta bị nghiện điện thoại?
- Hệ quả của việc sử dụng điện thoại quá mức?
- Các phương pháp, ứng dụng giúp chúng ta hạn chế sử dụng điện thoại
Nếu bạn bận rộn thì có thể nghe podcast của mình tại Spotify hoặc Apple Podcast nhé!
Bạn có đang nghiện điện thoại?
Nghiện sử dụng điện thoại không nhất thiết bạn cứ phải dán mắt vào màn hình điện thoại 24/7.
Kì thực, mình không tin rằng lại có những người bị phụ thuộc vào một thiết bị điện tử đến như vậy, cho đến khi mình được tận mắt chứng kiến rất nhiều người tỏ ra lo âu, thậm chí bực bội khi không thể kiểm tra điện thoại khi họ biết có tin nhắn hay một thông báo mới.
Bạn không thuộc trường hợp kể trên? Xin chúc mừng! Nhưng khả năng cao là bạn sẽ thuộc 30% những người trên thế giới cầm ngay lấy điện thoại trong vòng 5 phút sau khi thức dậy.
Hoặc rất có thể bạn thuộc về 50% dân số hay kiểm tra điện thoại vào nửa đêm (ngay cả sau khi bạn đã đi ngủ)?
Ngày xưa mình thấy nhiều người một tay lái xe và một tay bấm điện thoại để trả lời tin nhắn. Bây giờ hiện đại hơn, người ta có đồng hồ thông minh, tay phải lên ga tay trái thì mải đọc tin nhắn được đồng bộ từ bluetooth của điện thoại. Ông nào cao cấp nữa, gắn được cái sim LTE vào đồng hồ thì vừa đi giữa đường vừa nói oang oang ra cái vẻ anh đây nhắn tin được bằng giọng nói đấy 눈_눈
Đỉnh cao hơn nữa của việc phụ thuộc vào điện thoại là mấy cô ninja lead chống xe ngay giữa đường nghe điện thoại như thế này nè:
Nhưng mà đáng sợ nhất các bạn ạ, phải là phong trào “camera eats first” hay chụp ảnh check in đồ ăn trước khi dùng bữa của giới trẻ hiện nay.
Do bài post còn dài, nên mình xin phép không bitchy ở đây. Còn nếu bạn cũng đồng quan điểm với mình về vấn đề này, bạn có thể ghé qua bài viết này tại đây – nơi mình hỉ xả tất cả sự bối rối và khó chịu của mình về thể loại người này.
Vì cuộc sống là muôn hình vạn trạng, nên việc nghiện điện thoại cũng muôn hình muôn vẻ. Bạn có thể có tất cả những hành động kể trên, và cũng có thể bạn mới chỉ “chớm nghiện” với một vài hành động.
Theo quan sát của mình, nghiện điện thoại là khi chúng ta cảm thấy bứt rứt, khó chịu khi không thể cầm vào điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định, thường là rất ngắn.
Dĩ nhiên, định nghĩa này đã loại trừ trường hợp những bạn bị rơi vào một tình huống khá ngại ngùng (ví dụ: hẹn hò) và bạn buộc phải tìm đến điện thoại như một sự cứu rỗi hay một cách để ra tín hiệu với đối phương rằng họ quá nhạt hay bạn muốn dừng cuộc trò chuyện tại đây.
Trên thực tế, có một nỗi sợ được gắn với việc nghiện điện thoại tên là Nomophobia hay “No-mobile-phobia”. Những người mang nỗi sợ này sẽ có những triệu chứng như:
- Hoảng loạn khi bị mất điện thoại (giống quan sát của mình ở trên, nhưng tiêu cực hơn)
- Luôn luôn kiểm tra cuộc gọi nhỡ, tin nhắn, email trên điện thoại. Trường hợp nặng hơn của cái triệu chứng này là hội chứng “tưởng tượng rung điện thoại” (Phantom vibration and ringing). Những người gặp hội chứng này, khi không cầm điện thoại, sẽ tưởng tượng ra điện thoại mình đang rung/kêu, trong khi thực tế thì không phải vậy. Nghiên cứu đã cho thấy hội chứng này hoàn toàn độc lập với việc bạn đang trải qua những lo âu hay trầm cảm trong cuộc sống. Điều này có nghĩa là ai cũng có thể mắc hội chứng này dễ dàng.
- Sử dụng điện thoại ở những nơi không phù hợp (ví dụ cô ninja lead ngồi nghe điện thoại giữa đường kể trên)
- Tránh những tiếp xúc trực tiếp với người khác và lựa chọn nhìn vào điện thoại
Ai cũng biết rằng sử dụng điện thoại nhiều quá là không tốt, nhưng tại sao không phải ai cũng tự chủ được trước thiết bị bỏ túi 5 inch kia?
Vấn đề nằm ở cặp đôi bất hảo: Nhà sản xuất điện thoại và nhà phát triển phần mềm.
(còn tiếp…)
Đăng ký nhận Newsletter
Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.
Khi đăng ký Many One Percents (cùng hơn 8000 bạn đọc khác), bạn sẽ nhận được:
- Đọc các bài blog sớm nhất (3-4 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
- Weekly Discovery (các khám phá công nghệ thú vị nhất tuần)
- Around the Internet (mấy thứ buồn cười hài hước trên Internet)
- Những cập nhật và dự định mới nhất về blog và newsletter thuộc hệ sinh thái Many One Percents
3 Comments