Skip to main content
Siêu tập trung

Vượt qua xao nhãng để tập trung hơn: phương pháp 10-phút

By August 1, 2021September 11th, 2022No Comments
Artwork bởi Absurd.design, đổ màu và trang điểm thêm bởi Tuấn Mon =))

TL;DR

Bài viết là tóm tắt và phân tích của mình về khóa học nâng cao sự tập trung mình mới tham gia tuần trước.

Qua bài viết này, bạn sẽ trở nên tốt hơn 1% trong việc xử lý sự xao nhãng đến từ các thiết bị công nghệ xung quanh.

Vì sao chúng ta mất tập trung?

Cách đây ít lâu mình đã có một bài viết phân tích về việc vì sao chúng ta nghiện điện thoại, từ góc độ tâm lý xã hội cũng như từ góc độ những nhà sản xuất. Tuy hai bài viết nhận được rất nhiều sự chú ý của bạn đọc (liên tục nằm trong top các bài được đọc nhiều nhất tuần), mình vẫn còn cảm thấy lấn cấn.

Mình lấn cấn vì bài viết mới chạm được vào khía cạnh khách quan của sự việc: con người bị hút vào điện thoại do các tác động bên ngoài như bạn bè, đồng nghiệp, người làm app. Còn khía cạnh chủ quan của sự việc: điều gì xuất phát từ bên trong mỗi người khiến chúng ta muốn cầm điện thoại lên, thì lại chưa được khai thác.

Tình cờ thế nào mà hôm nay mình bắt gặp được buổi học miễn phí của Vishen Lakhani và Nir Eyal về đúng chủ đề này. Dành cho bạn nào chưa biết, Vishen là CEO của Mindvalley, nền tảng học trực tuyến với hơn 10 triệu học viên trên toàn thế giới. Nir Eyal là diễn giả chuyên ngành marketing tại đại học Standford. Ông cũng là tác giả của hai cuốn sách rất nổi tiếng là Hooked (bạn nào thích Product Management thì nên đọc cuốn này) và Indistractable.

Nguồn ảnh: Youtube

Trong buổi học này, Nir và Vishen bàn luận về nguồn gốc thực sự của sự xao nhãng, phương pháp tránh xao nhãng hiệu quả, lý do vì sao todo list lại khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ và cách giải quyết (cái này hay), và biện pháp phòng ngự cuối cùng trước khi sự xao nhãng có thể “hãm hại” bạn.

Đây là một khóa học ngắn nhưng rất hay, rất phù hợp với những bạn nào đang gặp vấn đề về sự tập trung.

Tuy nhiên vì khóa học được thiết kế dưới dạng trò chuyện, nên đôi khi hơi lan man và có vài phần bị lặp lại (buổi học kéo dài hơn 1 tiếng nhưng bài học chỉ bắt đầu ở phút thứ 30, kill me!). Mình nghĩ rằng nội dung của buổi này có thể cô đọng lại trong vòng dưới 20 phút.

Vì vậy, mình quyết định viết bài blog này để chia sẻ với các bạn những bài học giá trị nhất mình rút ra được từ buổi học. Dù sao thì buổi học cũng miễn phí mà ;))

Note: Mặc dù nội dung video có tên "The 4 keys to indistractable and powerful focus" nhưng mình sẽ không tóm tắt (và phân tích) dựa trên 4 bước mà buổi học đề cập. Mình thấy có 2 bước được trình bày không rõ ràng và do vậy mình sẽ chỉ nhặt những điểm hay nhất mà mình nghĩ có thể giúp bạn trở nên "siêu tập trung" (hay đúng như Nir nói trong video là "laser-focused")

Nếu bạn muốn tự xem và chiêm nghiệm thì bạn có thể xem buổi học tại đây.

Sự xao nhãng đến từ bên trong

Distraction is the desire to escape discomfort – Nir Eyal

Bước đầu tiên trong việc kiểm soát sự xao nhãng của bản thân đó là phải hiểu nó đến từ đâu. Như Nir Eyal phân tích, không chỉ sự xao nhãng, mà kể cả hành vi tìm kiếm sự thỏa mãn (về tri giác) của con người cũng đều bắt nguồn từ việc chúng ta muốn chạy trốn sự không thoải mái. Ví dụ:

  • Chúng ta đi ra ngoài, trời lạnh, vì vậy bộ não chúng ta nói rằng “mặc áo vào đồ ngo^’k”
  • Chúng ta đói, bụng cồn cào, bộ não chúng ta nói rằng “order ngay một cốc trà sữa nhiều topping 50 đường đá”

Nếu nhìn nhận từ góc độ này, sự xao nhãng xảy ra khi chúng ta cảm thấy không thoải mái với việc mà chúng ta đang làm.

Buồn chán cũng là một dạng không thoải mái.
Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash

Trong buổi chia sẻ về cách mình Deep work tại công sở, có rất nhiều bạn hỏi mình rằng “em đang học mà cứ bị làm phiền bởi tin nhắn, bởi email, bởi youtube, thì làm sao hả anh?”. Đồng ý là đang học mà điện thoại cứ ping ping thì khó chịu thật (vì vậy hãy học cách cai nghiện nó đi :D), nhưng mình nghĩ rằng sự mô tả này đang thiếu.

Thực tế mà nói, chúng ta không bị làm phiền bởi tin nhắn, bởi youtube, mà chúng ta bị làm phiền bởi sự buồn chán và lặp lại khi phải học. Bạn đã bao giờ nói là mình bị xao nhãng khi chơi game bởi tin nhắn hay email chưa? CHƯA =))) Ông nào nói chưa thì tôi xin phép được cắp chăn gối sang tầm sư học đạo nguôn và lay.

Nếu chúng ta xác định buồn chán (thay vì số lượng notification) là căn nguyên của vấn đề, thì có thể phương án sẽ không còn là đi xóa facebook, instagram (rồi sẽ cài lại thôi :v), mà khi đó sẽ là kiếm bạn học chung, hoặc tìm một phần mềm nào đó fun fun hay chửi người dùng như DuoLingo chẳng hạn. Thay đổi cách nhìn là thay đổi giải pháp.

Tweet hăm dọa của Duolingo với người dùng =)))) Nguồn: Reddit

Sự xao nhãng đến từ một cảm xúc tiêu cực nào đó mà chúng ta muốn giải quyết. Đó là sự ngượng ngùng khi chúng ta đi ăn với bạn bè mà không biết lấy câu chuyện gì để nói. Đó là sự chán nản khi chúng ta phải xếp hàng chờ thanh toán quá lâu ở siêu thị do ai ai cũng đi tích trữ đồ ăn cho mùa covid. Đó là sự cô đơn khi mỗi tối chúng ta lên giường nhưng không có ai hỏi thăm hôm nay chúng ta bị sếp khiển trách thế nào.

Thực ra, vẫn còn một khía cạnh khác của sự xao nhãng mà mình sẽ không đề cập tới trong bài viết này, đó là sự xao nhãng bởi chính công việc. Bạn đang làm và chợt nhớ ra có một việc nào đó rất gấp mà mình quên chưa làm? Bạn đi làm nó và bỏ dở workflow hiện tại? Sự xao nhãng này đến từ cách chúng ta quản lý công việc hằng ngày, và mình đã chia sẻ nó trong chuỗi bài về Getting Things Done.

Mình nghĩ rằng nhận thức được lý do thực sự của việc xao nhãng chính là tiền đề để chúng ta áp dụng một cách hiệu quả phương pháp 10-phút mà mình chuẩn bị nói tiếp theo.

Bạn quan tâm đến các lĩnh vực như Product Management, Business, Technology, Productivity...? Mình và một số người bạn tại Holistics đã tổng hợp lại những articles chất lượng nhất mà tụi mình đọc trong năm 2021. Bạn có thể nhận danh sách tổng hợp tại đây.

Phương pháp 10-phút để tránh xao nhãng

Trong video, Nir có đề cập đến một phương pháp rất thú vị (mà ngày mai mình sẽ thử luôn), đấy là phương pháp 10-phút (để gạch ngang cho ngầu thế thôi chứ chả có cái ngữ pháp nào bảo mình phải làm thế cả…)

Phương pháp này hoạt động thế nào?

Mỗi một khi bạn cảm thấy sự không thoải mái (cô đơn, buồn chán, mệt mỏi, ngượng ngùng), hãy đặt một chiếc chuông hẹn giờ 10 phút, và nói với bản thân rằng “chưa được, 10 phút nữa mới được xem điện thoại”

Giao diện của 10-minute timer trên Google

Nếu chúng ta nói “không” thì không khác gì chúng ta đang nói “không” với nhu cầu cơ bản của con người (chạy trốn sự không thoải mái) – và điều này rất phi tự nhiên. Con người chúng ta không được sinh ra giống một cái máy. Chúng ta sẽ có những sự “thèm” bộc phát và điều đó mới khiến chúng ta là con người.

Nhưng khi chúng ta đặt chuông, và nói rằng “chưa được” (not yet), chúng ta đang thay đổi cách giao tiếp với bộ não mình. Chúng ta đang thừa nhận với bản thân rằng “đúng, mình có ham muốn đó, và mình sẽ nuông chiều nó”, nhưng đồng thời chúng ta đang ra một điều kiện ràng buộc “nhưng phải 10 phút nữa nhé”.

Điều kiện này khiến cơn thèm khát của chúng ta nhanh chóng giảm xuống, để chúng ta có thể tập trung vào công việc hiện tại. Đồng thời, cảm giác mãn nguyện khi chúng ta xong việc và được sờ vào điện thoại sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Điều này làm mình chợt nhớ tới bộ phim HunterxHunter: nếu nhân vật đưa ra một điều kiện nào đó, thì sức mạnh của họ sẽ tăng lên đáng kể.

The stricter the vow is, the stronger your Nen becomes

Trích dẫn từ bộ anime nổi tiếng HunterxHunter (source)

Và bạn đoán xem, sau 10 phút nữa, bạn có còn muốn cầm điện thoại lên nữa hay không?

Mình đã thử nghiệm phương pháp này ngay sau khi xem hết video và cực kì bất ngờ. Nó hiệu quả thật.

Thực ra với mình điểm mấu chốt của phương pháp này không nằm ở cái đoạn đặt đồng hồ 10 phút, mà ở đoạn nhận thức. Mình chỉ cần dừng lại và hỏi: “tại sao mình lại muốn cầm điện thoại lên LÚC NÀY?” và ngay lập tức mình đã phát hiện ra vấn đề. Mình hay cầm điện thoại lên khi phải chờ một trang web load quá lâu, hoặc chờ một ai đó trả lời (khi đang video call), hoặc đang viết bài mà bí ý tưởng.

Có rất nhiều giải pháp khác để thay thế điện thoại trong lúc chờ đợi, và một trong số đó, rất healthy mà cũng rất hợp lý, là đi uống nước =)) Xong.

Vậy làm sao để hẹn đồng hồ 10 phút KHI MÀ CHÚNG TA PHẢI MỞ ĐIỆN THOẠI LÊN và đồng nghĩa với việc notification sẽ đập vào mặt ta trước? Mình nghĩ đó mới là lý do thực sự tại sao chúng ta cần tắt notification hoặc đưa điện thoại vào chế độ Focus khi làm việc.

Nếu không muốn đụng vào điện thoại, bạn có thể dùng laptop của mình, search Google cụm: 10 minute timer là sẽ ra luôn một chiếc đồng hồ đếm ngược tự chạy cho bạn.

Cá nhân mình thì hay sử dụng Pomodoro timer ở trên Tick Tick luôn, vừa tiện mà lại vừa hiện sẵn ở trên thanh công cụ để mình có thể xem được thời gian luôn.

Nào ta tạm dừng và uống nước ?

Bài post này cũng dài, vì thế mình sẽ tạm dừng ở đây để bạn có thời gian ngẫm nghĩ về những điều mình vừa chia sẻ, trước khi bị overload bởi lượng thông tin (thú vị) quá lớn.

Ở bài post tiếp theo, mình sẽ chia sẻ lý do Todo list làm chúng ta cảm thấy tồi tệ, phương pháp timebox và cách đo đạc sự năng suất trong thế giới đầy xao nhãng này. Mời bạn đón đọc!

Chia sẻ bài viết tại:

Nếu đây là lần đầu bạn đến với blog của mình, đừng quên subscribe để nhận được newsletters về những bài blog thế này, kèm theo những phát hiện công nghệ thú vị của mình nhé (chỉ subscribers mới được đọc).

Leave a Reply